Góp ý của đại biểu KSor Phước (KPă Bình) – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc

Thứ Ba 15:11 22-09-2009

Kính thưa các đồng chí,

Tôi cơ bản đồng tình với thẩm định của Ủy ban Tài chính ngân sách, ở đây tôi tham gia thẳng vào một số vấn đề.

Trước hết về đối tượng chịu thuế, khi đọc dự án luật tôi thấy phần ở trang 4, Điều 8 về thuế suất, tôi thấy điều này cần phải cân nhắc thêm. Ở Điều 3 ta ghi là người nộp thuế, tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác tài nguyên thiên nhiên theo quy định tại Điều 2. Điều 2  có 8 loại thì người đó phải nộp thuế tài nguyên. Theo tôi cần phân biệt vì tôi xem trong Điều 8 có những cái người ta có khai thác nhưng người ta để sử dụng ví dụ như là dùng nước để uống, để sinh hoạt, dùng gỗ, dùng củi để làm nhà của người dân thì cái này có tính thuế không? Các đồng chí đối chiếu giữa Điều 8 với Điều 3 về đối tượng chịu thuế nhưng mà cứ căng cái này người dân mà đụng đến nước rồi đến gỗ rừng mà dùng để cải thiện đời sống của mình thôi, không có củi làm sao người dân đun được, ăn sống hết à? Tôi cho vấn đề này không khả thi cho nên theo tôi cần phải nghiên cứu thêm Điều 3 cho rõ hơn. Có thể là thế này tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác tài nguyên thiên nhiên theo quy định tại Điều 2 của luật này để kinh doanh, phải thêm chữ "để kinh doanh" hoặc khai thác những tài nguyên đặc biệt quan trọng mà không có khả năng tái tạo, phải thêm cái đó. Ví dụ như những tài nguyên mà đặc biệt nhiều người dân cũng khai thác để sử dụng thì loại này phải đánh thuế như nước ngầm. Nước ngầm của chúng ta ở Tây Nguyên những năm 80 về trước đào khoảng 10 m, 15 m là có nước nhưng nay phải đào cỡ 30 m trở lên may ra mới có nước. Nước ngầm bị khai thác nhiều là do sử dụng vào cà phê, 1 ha là 5000 khối 1 năm thì nó phá hủy hết tất cả môi trường nước ngầm. Đúng là có sử dụng nên tôi đề nghị thêm đoạn "để kinh doanh" hoặc "khai thác những tài nguyên quan trọng mà không tái tạo được".

Quan trọng ở một điểm này nữa, vì trong Điều 8 ta có nói đến đá, Mục 2 khoáng sản không kim loại tôi thấy ví dụ như đá bây giờ hiểu đá quý như thế nào? Ví dụ như chỗ chúng tôi là vùng xưa nay có hàng nghìn ha đá, có những rừng cây cổ thụ đá cổ thụ, tức là nó đã có hàng triệu năm rồi. Bây giờ cứ đào lên đem đi bán, chặt khúc đem đi bán. Việc này như thế nào? Mà việc này không ai thu thuế cả. Theo tôi nên nghiên cứu kỹ hơn đặc điểm về tài nguyên. Cho nên nhân dịp làm luật này Chính phủ nên có một biểu thống kê các nhóm tài nguyên không tái tạo được để cho đại biểu Quốc hội biết những nhóm tài nguyên nào không tái tạo được, cái nào ta cần đặc biệt quan tâm.

Vấn đề thứ ba, tôi thấy chỗ cách tính thuế ở trang 3 của dự án luật, ở Điều 7, tôi cũng đang phân vân ở Mục 3, tức là giá tính thuế tài nguyên đối với một số trường hợp cụ thể: Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện giá tính thuế tài nguyên là giá bán điện thương phẩm bình quân. Tôi thấy việc này không ổn, nó không phản ánh đúng thực tế tài nguyên phục vụ, mà làm vấn đề này thì sẽ không đổi mới công nghệ, không làm đẩy mạnh trong vấn đề quản lý điện và sử dụng điện. Ví dụ diện tích mặt hồ khoảng 1 vạn m2, nếu anh sử dụng công nghệ tốt thì có thể được 2-3MW cho mặt hồ đó, sẽ tạo ra được 2-3MW điện. Nhưng anh đưa công nghệ dở có khi chỉ 1MW thì khi anh bán điện ra anh tính theo giá điện, trong đó lượng nước tự nhiên vẫn bằng đó. Cho nên không khuyến khích được cái này.

Thứ hai là thực chất bây giờ ta hiểu thuế tài nguyên này không phải chỉ đơn thuần về nước, mà khi được lòng hồ đó thì người dân người ta phải mất đất sản xuất như thế nào, nó được khấu hao trong tài nguyên này trong giá trị của tài nguyên nước, ta phải tính đến chỗ này. Còn giá bán từ nguồn điện cho đến doanh nghiệp bán điện ra đến người sử dụng thì tôi nghĩ việc này là việc cần cân nhắc thêm.

Thứ ba, đối với gỗ bán tại bãi giao, tôi cũng rất kinh nghiệm. Báo cáo đồng chí là khi khai thác rừng là bao giờ cũng có một hệ số, số gỗ, số cây rừng bị chặt phá, anh mà đưa được một cây rừng ra khỏi rừng thì ít nhất khoảng 10 cây khác bị gục ngã thì như vậy tài nguyên rừng của ta bị xâm hại. Tôi cho anh chỉ bán ở bãi gỗ mà ở trong rừng nó đã phân loại ra rồi, có những loại gỗ mục bị rỗng ở phía trong họ không lấy, họ chặt 10 cây nhưng họ lấy ra có 1 cây. Thái độ của ta thế nào với 10 cây còn lại, nó có phải là tài nguyên của chúng ta không? Tôi cho điều này không khách quan mà như thế này thì tài nguyên của chúng ta lại rất máy móc theo cơ chế thị trường, đây chỉ là một phần rất nhỏ của tài nguyên bị mất còn phần lớn thì không ai quan tâm đến. Tôi cho điều đó là không thỏa đáng hoặc để lấy được một cây trồng có khi họ phải phá hàng ha, trong khi đó ta cứ tính chỉ 1 cây trầm là họ phá bao nhiêu trong đó, cái đó là các đồng chí phải nghe người miền núi nói, muốn lấy được một cây trầm không phải đơn giản mà họ phải phá hàng ha mới được một ổ cây trầm, thế thì cái nào là tài nguyên. Tôi cho tài nguyên là thực địa của ta, chứ không phải tài nguyên ở nơi buôn bán sản phẩm rừng mà ta lại tính thuế kiểu đó hay trong phần của ta về Điều 10 miễn, giảm thuế.

Tôi cũng đang suy nghĩ là điều này cũng nên tính lại, ví dụ người ta đã khai thác quặng, người ta khai thác dầu nhưng trên đường đi từ đó đến nơi người ta giao thì nó có thiên tai hay do bị sơ suất về kỹ thuật, bị lật xe v.v... thì ta không tính thuế hay ta giảm miễn thuế. Tôi nghĩ như vậy chúng ta cũng không đánh giá đúng tài nguyên, thế nào là tài nguyên. Tôi cho tài nguyên là tài sản của thiên nhiên, của đất nước ta, cái đó đã bị mất đi rồi, họ lấy 10 xe quặng của ta thì dứt khoát 10 xe quặng đó là mất rồi, không còn nữa. Còn trên đường vận chuyển của nó nó bị mất mát, hư hao là người kinh doanh phải chịu, còn tài nguyên quốc gia là mất rồi chứ đâu phải chỉ tính đến chuyện thu nhập của Nhà nước. Cho nên tôi đề nghị phải cân bằng với tài nguyên, cân bằng đối với cả nước. Tài nguyên trên một tỉnh không phải chỉ của tỉnh đó mà là cả của quốc gia, ta phải hiểu như vậy chứ ta tính theo này nọ, còn chuyện chậm trả nợ thì ta tính khác, chính sách là khác. Còn bảo miễn thì theo tôi như vậy là không nghiêm, nó đã lấy 10 xe quặng đi trong đó có thể là vàng hay gì đó thì các đồng chí đã biết và hàng mấy nghìn thùng dầu bây giờ bảo không có gì thì không phải. Tôi đề nghị chỗ này phải cân nhắc lại.

Thứ tư, quan điểm của tôi về Điều 8 Thuế suất với những tài nguyên không tái tạo được mà quan trọng thì điểm sàn của nó phải là 5% trở lên, không thể có những cái là 0% và có những cái là 1%, 2%, những cái không tái tạo được thì theo tôi phải là 5% trở lên.

Thứ hai, có những vấn đề cụ thể ở đây các đồng chí nêu, ví dụ như vàng thì theo tôi ta có lẽ phải tính thêm, vì bây giờ vàng lên giá ồ ạt như thế này, đất hiếm cũng rất khó, đất hiếm không phải là loại dễ có. Theo tôi phải cân nhắc thêm ở điểm trần có 30%, ý tôi là những loại này không tái tạo thì điểm trần của nó phải là 40%, những tài nguyên không tái tạo được là phải 40% hoặc trên 40% điểm trần, còn điểm sàn thì không dưới 5%.

Mục 5, vấn đề về củi, tôi đồng ý ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách, ở miền núi lách cái này dễ lắm. Nó chặt cho tơi bời rồi để cho cây ngã đó làm củi, như vậy củi bằng không, nhưng mà ác cái là câu chuyện bây giờ tất cả chúng ta ngồi đây đều thấy là có những doanh nghiệp chỉ đi khai thác rễ cây thôi chứ không lấy ngọn, lấy thân cây, bây giờ rễ cây ta đưa vào diện chắc là củi cằn thôi, cả một cái cây 5, 6 người ôm, ta nhìn cái rễ đó thì cây đó phải 5, 6 người ôm, ta không tính thuế vì cây bị hạ gục rồi. Cho nên tôi thấy chỗ này nên thiết kế lại, anh Hiển ạ. Phải nghiên cứu lại chỗ này, cái này nó lách kinh khủng lắm, bây giờ có thực tiễn rồi thì ta đưa vào chỗ này như thế nào. Tôi xin hết.

Báo cáo các đồng chí,

Tôi phát biểu rồi, qua đọc lại và qua ý kiến anh Kiên, lúc nãy quên mất một việc cũng rất quan trọng, tức là bây giờ thái độ của chúng ta như thế nào về vấn đề xác định các mức thuế. Tôi có suy nghĩ bây giờ ta phải có cách tiếp cận thế này, Quốc hội ban hành luật và khung là chính. Bây giờ Quốc hội xác định từng mức một, theo tôi như vậy trở thành Quốc hội điều hành, quản lý mất. Quan điểm của tôi hơi nghiêng về đề xuất của Chính phủ, ta để khung, còn điều hành trong khung đó thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Chính phủ. Đấy là thái độ của tôi về chuyện xác định mức thuế.

Cho nên ở đây nếu có đặt lại vấn đề theo tôi phải làm rõ bảng về thuế, ta chỉ đưa ra các nguyên tắc về đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế cho rõ và các trường hợp phải nộp thuế. Thứ hai là bảng về các thuế phải ghi cho rõ như anh Hiển nói càng rõ bao nhiêu Quốc hội quyết bằng đó. Khung thì có thể cho phép ở mức độ này và có những nguyên tắc về khung. Ví dụ trong này xác định thêm các đồng chí nói trong các tài nguyên chỉ nói một số cái, tôi nói, ở vùng chúng tôi than bùn rất nhiều, mà người ta khai thác tràn lan đại hải, người ta làm phân vi sinh v.v... Hay hơi đốt ở vùng đồng bằng Thái Bình chẳng hạn người ta cũng lấy tự nhiên. Những cái đó là những cái tài nguyên không tái tạo được. Cho nên đề nghị có lẽ trong các phần này ta nên xác định ví dụ loại tài nguyên không tái tạo nhưng có loại bình thường thì khung thuế của nó là bao nhiêu. Còn loại thứ hai là loại quý thì khung của nó là bao nhiêu. Loại thứ ba là loại quý và hiếm thì khung thuế của nó là bao nhiêu. Tôi đề nghị Chính phủ nên trình cái đó thì hay hơn. Còn Quốc hội không nên đi quá chi tiết vào từng mức và quyết định mức lên, mức xuống như thế nào, tôi nghĩ nếu làm như thế thì Quốc hội trở thành Chính phủ mất, tức là anh trở thành người điều hành, mà nên để cái đó cho Chính phủ. Xin hết.

Các văn bản liên quan