Góp ý của đại biểu Hà Văn Hiền – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế

Thứ Ba 15:14 22-09-2009

Kính thưa đồng chí Chủ tịch,

Thưa các đồng chí,

Tôi xin có mấy ý kiến như sau:

Một là chúng tôi tán thành với rất nhiều ý kiến trong Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, mấy nội dung cụ thể theo gợi ý của đồng chí Phó Chủ tịch, chúng tôi có ý kiến như sau:

Thứ nhất, về quan điểm khi xây dựng Luật Thuế tài nguyên, tôi tán thành ý kiến trong Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách. Trong Tờ trình của Chính phủ chỉ đưa ra yêu cầu quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và tăng thu cho ngân sách. Ở đây tôi nghĩ tài nguyên của chúng ta nếu để thì nó chỉ là tiềm năng thôi, khai thác lên thì nó mới phục vụ cho nhu cầu phát triển của đất nước và có những cái chúng ta phải khuyến khích các nhà đầu tư khai thác tài nguyên. Còn vấn đề quan trọng là khai thác như thế nào và sử dụng nó ra sao thì chúng ta phải có quy định. Cho nên tôi thấy rằng ở đây chúng ta phải quan tâm đến một khía cạnh nữa đấy là đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của các nhà đầu tư để khuyến khích các nhà đầu tư khai thác tài nguyên để làm giàu cho đất nước. Chứ nếu chúng ta chỉ thiên về quản lý và tăng thu cho ngân sách không thôi thì chưa đủ. Tôi nghĩ về quan điểm chúng ta phải đặt vấn đề như vậy nữa.

Hơn nữa ở đây cũng có một khía cạnh mà chúng tôi thấy rằng chúng ta phải suy nghĩ như thế này. Hiện nay cái huy động vào ngân sách của chúng ta rất lớn theo mức chỉ tiêu mà chúng ta đưa ra vào giai đoạn 2006 - 2010 huy động khoảng từ 20 đến 22% GDP nhưng trên thực tế chúng ta huy động tới 25, 26, 27, 28 vậy là phần huy động của Nhà nước rất nhiều. Ở đây chúng tôi nghĩ trong giai đoạn mà chúng ta đang cần kích thích phát triển thì chính sách thuế rất quan trọng. Đặt mức thuế bao nhiêu để cho vừa đảm bảo được lợi ích của Nhà nước, lợi ích của các doanh nghiệp, lợi ích của người dân để chúng ta còn duy trì phát triển sản xuất, vấn đề đấy là vấn đề chúng ta phải tính toán. Cho nên tôi thấy về quan điểm xây dựng thuế tài nguyên này chúng ta phải có thêm ý đấy nữa chứ không chỉ nghiêng về chuyện tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Ý thứ hai về tăng tính minh bạch, tính cụ thể của luật chúng tôi cũng tán thành với báo cáo thẩm tra. Chúng tôi cũng đang thẩm tra báo cáo dự án luật về tổ chức tín dụng, chúng tôi thấy một khuynh hướng chúng ta để rất nhiều nội dung để hướng dẫn bằng các văn bản dưới luật. Thậm chí so với dự án luật trước thì đúng là có những cái dự án luật trước thì quy định dự án luật sau lại không quy định để cho sau này chúng ta hướng dẫn thì hoàn toàn không nên. Khuynh hướng bây giờ Quốc hội yêu cầu càng ngày càng cụ thể, càng rõ ràng và các đối tượng mà người ta chịu sự điều chỉnh của dự án luật đấy người ta cũng muốn như vậy. Ở đây về nguyên tắc chung chúng tôi cũng tán thành chỗ tức là hạn chế tối đa những cái chúng ta giao cho Chính phủ hoặc giao cho các bộ hướng dẫn sau đấy.

Cụ thể về khung thuế suất, ban nãy chúng tôi cũng có hỏi, ở đây chúng tôi chia sẻ một điều là có những cái chúng ta không quy định khung mà quy định cứng thì cũng không nên. Bởi vì có những cái còn phụ thuộc vào giá cả, thời gian, điều kiện v.v... nên phải có khung nhưng như thế cũng không có nghĩa là chúng ta để quá rộng. Ví dụ trong khung này để như thế này là rất rộng, từ 5-30%, từ 4-20%, từ 6-30%, tôi nghĩ chỗ này chúng ta phải điều chỉnh hẹp lại, cần phải để khung nhưng cũng không thể để rộng quá được. Ở đây tôi thấy có một số nhóm chúng ta nên chia nhỏ ra, ví dụ chỗ sản phẩm rừng tự nhiên gỗ các loại là từ 10-40%, trong gỗ có nhiều nhóm, nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3, nếu chúng ta chia được ra nhóm thì biên độ trong khung thuế suất sẽ giảm đi, nếu để như thế này chúng tôi thấy rằng quá trình áp dụng luật sẽ có khó khăn và phiền toái cho các doanh nghiệp.

Về đối tượng chịu thuế, tôi cũng có băn khoăn như ý kiến của anh Ksor Phước. Hôm trước khi luật này chưa công bố thì báo chí đã đăng một số quy định. Ví dụ trong quy định tại Khoản 6 về đối tượng chịu thuế là thủy sản tự nhiên gồm các loại động vật, thực vật ở biển, sông ngòi, hồ, đầm, phá, kênh, rạch tự nhiên. Điều 3 lại quy định: tổ chức và cá nhân tiến hành khai thác các tài nguyên thiên nhiên theo quy định tại Điều 2 thì phải chịu thuế. Báo chí đã đăng sau khi Luật thuế tài nguyên này có hiệu lực thì có nghĩa là những người như người đánh bắt cá trên sông, chài lưới cũng phải chịu thuế này và theo quy định này thì đúng là như vậy.

Không biết hiểu như vậy có đúng không và nếu đúng là như vậy thì chúng tôi thấy không khả thi và chúng ta cần phải xem lại, bởi vì quy định như vậy thì những người đánh bắt thủy sản trên sông, trên kênh, trên đầm, trên ao đều là đối tượng chịu thuế. Điểm 8 tôi cũng tán thành với Báo cáo chỗ anh Hiển là chúng ta không nên quy định là các loại tài nguyên thiên nhiên khác, khi chúng ta chưa rõ thì cũng không nên quy định vào luật. Về đối tượng chịu thuế chúng tôi xin đề nghị xem xét lại chỗ đó, vì chúng tôi thấy quy định như vậy khó có tính khả thi.

Cuối cùng về quy định miễn giảm thuế trong Điều 10, trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính, ngân sách cũng nêu đối với đánh bắt xa bờ. Thực ra đánh bắt xa bờ là điều hiện nay chúng ta đang khuyến khích vì mấy lẽ, trong đó có cả lý do để bảo vệ tài nguyên, vì hiện nay việc đánh bắt trong lộng của chúng ta rất nhiều cho nên tài nguyên trong lộng của chúng ta cạn kiệt vì vậy chúng ta khuyến khích đánh bắt xa bờ, đó là chưa kể đến mục đích về an ninh quốc phòng. Đánh bắt xa bờ cũng rất khó khăn, rất nhiều yếu tố, quy định như trong dự thảo luật này thì thấy 5 năm đầu chúng ta miễn, sau đó là giảm 50% nhưng nếu như tổ chức, cá nhân khai thác còn bị lỗ thì sẽ tiếp tục giảm tiếp, như vậy xác định chỗ này cũng rất khó. Theo tôi ở đây có hai phương án, một là chúng ta miễn hẳn cho đối tượng đánh bắt xa bờ. Hai là chúng ta ghi rõ miễn bao nhiêu %, ví dụ 50% cho tất cả các đối tượng đánh bắt xa bờ, không nên ghi như thế này, chúng tôi thấy như vậy. Bởi vì thực tế việc này hiện nay chúng ta rất khó, đang khuyến khích.

Về thẩm quyền, theo gợi ý của anh Kiên chúng tôi cũng tán thành như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách là về thuế chúng tôi nghĩ phải để Quốc hội quyết định, cho nên về khung thuế Quốc hội quyết, còn về thuế suất cụ thể có thể giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng sau này chúng ta cũng phải có cách làm sao để quy trình, cách xem xét cho đơn giản đi để nó phù hợp. Đúng là bây giờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 1 tháng 1 lần, nhưng quy trình của chúng ta cũng phải có các bước thẩm tra v.v... Nhưng về nguyên tắc chúng tôi thấy đặt vấn đề như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách chúng tôi tán thành theo cách đấy. Xin hết.

Kính thưa các đồng chí,

Thứ nhất, tôi cũng rất chia sẻ với ý kiến của đồng chí Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, có một số vấn đề có thể trong quá trình thảo luận giữa Uỷ ban Tài chính, ngân sách và Bộ Tài chính là cơ quan soạn thảo cũng có những vấn đề đã thống nhất với nhau nhưng cũng có những vấn đề đang thảo luận thêm. Chúng tôi thấy rằng có những việc chúng ta có thể làm được, ví dụ từ trước đến nay Pháp lệnh thuế tài nguyên của chúng ta phân tài nguyên thành 8 nhóm nhưng trong thực tế diễn ra có thể nói tài nguyên có rất nhiều chủng loại khác nhau, chất lượng khác nhau. Bản thân Bộ Tài chính cũng có thể phân loại được, vì thuế xuất nhập khẩu chúng ta còn đưa được ra trên 10.000 dòng thuế, vậy tại sao chúng ta không thể phân được thuế về khoáng sản của chúng ta cụ thể hóa trong 8 nhóm này thành nhiều dòng khác nhau, chúng ta đủ sức để làm.

Thứ hai, về khung thuế suất cũng như ý kiến các đồng chí tôi thấy để biên độ quá rộng, trong khi khung chúng ta để rộng mà chúng ta lại đưa tài nguyên khoáng sản thành các nhóm, như vậy rõ ràng biên độ để xử lý các vấn đề quá rộng. Quan điểm của Uỷ ban Tài chính, ngân sách chúng tôi đề nghị phải cụ thể hóa, trong 8 nhóm phải chia ra, như vàng có thể chia ra thành nhiều hình thức khai thác khác nhau, có thể ra các sản phẩm khác nhau hay các tài nguyên kim loại cũng khác nhau. Thực tế trong nghị định của Chính phủ cũng đã quy định rất chi tiết vấn đề này rồi nên tôi đề nghị chúng ta phải quy định chi tiết hơn.

Về khung thuế suất chúng tôi đề nghị thu hẹp biên độ và thẩm quyền nên để cho Quốc hội quyết định khung, đồng thời Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định những mức thuế suất cụ thể trong thời gian cụ thể. Anh Ninh có nói về khung giá tính thuế tài nguyên, báo cáo anh Ninh việc này trong dự thảo luật đã ghi, Điều 7 quy định: Bộ Tài chính quy định khung giá tính thuế tài nguyên, từ này là của cơ quan soạn thảo chứ không phải của Uỷ ban Tài chính, ngân sách chúng tôi. Việc đó chúng ta cân nhắc thôi anh ạ, nhưng khung giá tính thuế tài nguyên chúng ta xác định ở đây. Tôi cho việc đó cũng có thể quy định được. Thực ra, báo cáo các đồng chí, nhiều cái ta có thể quy định được. Vì khung ấn định trong điều kiện khi giá thị trường biến động, chúng ta cũng không thể tính toán được giá thực tế thì có thể ấn định, mà ấn định có thể nằm trong một khung nhất định, tôi đồng tình với chuyện đó. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan