Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh – TP Hà Nội

Thứ Hai 10:13 24-05-2010

Thưa Quốc hội.

Trước hết tôi tán thành với tất cả những ý kiến đã phát biểu trước tôi. Sau đây tôi xin phát biểu hai vấn đề liên quan đến vấn đề các hành vi bị nghiêm cấm và những vấn đề về doanh nghiệp đặc thù.

Thời gian vừa qua, việc quản lý thực thi chính sách tiền tệ quốc gia được Ngân hàng Nhà nước tiến hành có kết quả nhất định và không khỏi có những vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri hết sức lo ngại. Đó là giá trị tiền gửi ở Ngân hàng Nhà nước của phần đông cán bộ nhân dân và người về hưu không được bảo đảm. Việc quản lý vàng, ngoại hối có lúc bị buông lỏng, gây bức xúc trong xã hội. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không được tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh, mà nguồn tiền Nhà nước lại được cho vay để đổ vào chứng khoán, đầu cơ bất động sản. Nhiều người nghèo thật thì không được hưởng chính sách vay vốn xóa đói giảm nghèo. Nhiều ngân hàng đặt ra quy định thu phí rút tiền lương qua thẻ ATM đối với cán bộ, công chức là người về hưu trái với quy định của Bộ luật Lao động và Luật phòng, chống tham nhũng. Một số hiện tượng là cán bộ ngân hàng đưa tiền mới vào cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh bên ngoài để ăn chênh lệch mỗi khi dịp tết về nên cũng gây bức xúc trong xã hội.

Nguyên nhân của những rắc rối, lộn xộn này là do Ngân hàng Nhà nước hoặc buông lỏng quản lý, hoặc thi hành chính sách tiền tệ thắt chặt đột ngột, hoặc tự đặt ra những quy định có lợi cho hệ thống của mình. Trong khi đó dự thảo luật quy định ở Điều 23 về những hành vi bị nghiêm cấm chỉ quy định có 3 hành vi liên quan đến sử dụng, vận chuyển, lưu hành đồng tiền mà những quy định này đã có ở Bộ luật hình sự và các pháp luật khác.

Để khắc phục những hiện tượng nêu trên và góp phần tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật, tôi đề nghị dự thảo luật cần bổ sung đầu tư hơn về những quy định liên quan đến hành vi bị nghiêm cấm. Đó là đề nghị bổ sung những quy định người có thẩm quyền ban hành các văn bản về quản lý, điều hành hoạt động ngân hàng gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân tham gia gửi, vay tiền ở ngân hàng. Tôi nghĩ quy định bổ sung điều khoản này để những người có thẩm quyền phải thận trọng và tính toán hợp lý thời điểm ban hành văn bản. Chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quản lý, điều hành chính sách tiền tệ sao cho có hiệu quả hơn, đỡ gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và nhân dân.

Vấn đề thứ hai, tôi cũng xin được phép đề nghị trong dự thảo luật lần này bổ sung thêm một điều quy định làm rõ thế nào là doanh nghiệp đặc thù trong lĩnh vực ngân hàng và chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng đối với doanh nghiệp đặc thù. Không nên quy định như Khoản 10, Điều 4: nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước là cho phép góp vốn để thành lập doanh nghiệp đặc thù. Mà đối với những doanh nghiệp đặc thù trong lĩnh vực ngân hàng, qua nhiều ý kiến chúng tôi biết rằng cần phải đảm bảo 100% vốn Nhà nước nhằm không tạo ra lỗ hổng để cán bộ Ngân hàng Nhà nước cũng như những người có liên quan lợi dụng việc góp vốn này để gây thiệt hại cho Nhà nước. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan