Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh – Quảng Nam

Thứ Hai 10:14 24-05-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia mấy vấn đề sau đây:

Thứ nhất về chính sách tiền tệ quốc gia và thẩm quyền quyết định. Tôi cũng đồng ý rất nhiều ý kiến và đề nghị chúng ta chỉnh lý thế nào để bảo đảm quyền quyết định về chính sách tiền tệ quốc gia là thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn một số trường hợp cụ thể chúng ta giao cho Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, còn những biện pháp điều hành thì tôi thấy vấn đề này không nên giao cho Thống đốc mà cái này phải giao cho Thủ tướng Chính phủ thì nó hợp lý hơn.

Và tôi cũng đồng ý một ý kiến nói là trong chính sách tiền tệ quốc gia thì chúng ta nói rằng nó bao gồm cả mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, nó biểu hiện thông qua chỉ tiêu lạm phát trong đó nó thể hiện, thuật ngữ trong này dùng là biểu hiện qua chỉ tiêu lạm phát, thể hiện qua chỉ số hàng tiêu dùng thì tôi nghĩ cái này cũng là cách dùng chữ, tôi đề nghị vấn đề này phải cân nhắc làm như thế nào cho nó rõ khái niệm này như có ý kiến đã phát biểu trước. Đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai, về cơ chế tài chính và chế độ chính sách ở Điều 9 đối với cán bộ, công chức ngân hàng, bây giờ xuất phát từ trước đây là chúng ta ưu tiên cho lực lượng vũ trang thì đúng rồi, sau đó chúng ta ưu tiên cho những lĩnh vực đặc thù như giáo dục và y tế thì rất hợp lý, sau này chúng ta lại có một số ngành đề nghị, khi ban hành những luật chuyên ngành là chúng ta cũng ưu tiên đầu tư công nghệ tin học, cơ chế chính sách cho tổ chức bộ máy cán bộ, công chức ở đó và dẫn đến một tình trạng các đại biểu Quốc hội đã biết, hiện nay trong xã hội người ta cũng nói có những ngành đúng ra toàn bộ vốn, tài sản thiết bị Nhà nước đầu tư hoàn toàn vậy cán bộ, công chức được vào đó làm việc cũng là người của Nhà nước mà có những đặc thù quá lớn. Đúng ra không phải đặc thù đâu, nó là đặc gì chứ không phải đặc thù, tôi thấy không nên. Ví dụ bảo hiểm xã hội các đồng chí thấy bây giờ chúng ta không có luật này, hồi trước tôi nhớ chỉ có việc là bao nhiêu phần trăm trong tổng thu bảo hiểm xã hội để chi cho hoạt động quản lý bảo hiểm xã hội. Bây giờ lương cao ngất ngưởng, đại biểu Quốc hội không chấp nhận mức cao hạ xuống mức thấp thì bây giờ vẫn cao. Ngành ngân hàng bây giờ người ta vẫn nói là lương cao lắm, bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục cái này thì theo tôi là thôi không nên để đảm bảo công bằng chung nếu có phụ cấp công vụ nào đó, trước kia tôi nghe là Bộ Nội vụ sắp tới sửa vấn đề này thì phải sửa cho cụ thể là ngành nào có phụ cấp này và bao nhiêu, phải hết sức cụ thể để đảm bảo công bằng chung trong lực lượng cán bộ, công chức, viên chức. Tôi đề nghị không nên quy định Điều 9 này.

Vấn đề thứ ba là vấn đề tôi nghĩ nhiều đại biểu hết sức quan tâm mà tôi cũng muốn bày tỏ chính kiến của mình là đề nghị chúng ta nên xem lại Điều 12 về lãi suất. Các đại biểu nói nhiều rồi, tôi chỉ tham gia thêm mấy ý. Có đại biểu nói là tổng kết đi, tôi cũng hoàn toàn đồng ý nhưng theo tôi chắc là gấp quá rồi không tổng kết được, các đồng chí giải thích hộ cho là tại sao phải bỏ, để đó thì bất lợi cái gì và được lợi gì, nó có hại gì cho chúng ta không. Như các đại biểu trước nói là hoàn toàn từ các công cụ này chúng ta điều hành được chính sách tiền tệ quốc gia, chúng ta bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô trong những thời điểm bất thường, để đó nó không có hại mà tại sao chúng ta lại bỏ, nếu bỏ tôi cho tiếp thu này là một sự khó hiểu, chúng ta dung hòa quá. Tiếp thu như thế này Điều 474 và Điều 476 của Bộ luật hình sự áp dụng, nếu như thế bỏ hai điều đó đi, một luật xử nhiều luật, tại sao vẫn còn điều ấy như đồng chí Trần Thế Vượng viện dẫn. Cho nên tôi đề nghị phải để thế này, không bỏ lãi suất cơ bản và bổ sung ngay vào Khoản 1 "công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ"

Về ngoại hối, tôi thấy Pháp lệnh về ngoại hối hiện nay ghi rất rõ "Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình biến động của dự trữ ngoại hối". Trong tình hình "nước sôi lửa bỏng" có gì mà ghê gớm, Chính phủ sử dụng thẩm quyền nhưng phải báo cáo Thường vụ Quốc hội, quy định này chặt chẽ, đúng Hiến pháp, đúng Luật Ngân sách Nhà nước. Các đồng chí nói thêm khi có sử dụng quỹ ngoại hối ảnh hưởng đến dự toán ngân sách, tôi cũng chưa rõ là sử dụng như thế nào là ảnh hưởng, sử dụng như thế nào là không ảnh hưởng? Việc chúng ta sử dụng 1 tỷ đôla vừa rồi để hỗ trợ lãi suất có ảnh hưởng đến ngân sách hay không ảnh hưởng? Tôi đề nghị phải làm rõ thêm ý này để đảm bảo tính minh bạch và đúng thẩm quyền của chính sách tiền tệ quốc gia, chính sách quản lý Nhà nước.

Cuối cùng, Điều 40 liên quan đến Điều 32 tôi vừa nói, có chỗ diễn đạt "Thủ tướng quyết định" không có chữ "Chính phủ", còn Khoản 1, Điều 40 diễn đạt quá dài, các đồng chí ghi: Thủ tướng Chính phủ hoặc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội v.v... Chỗ thì các đồng chí nói gọn quá, Thủ tướng không có chữ "Chính phủ", chỗ thì chúng ta lại nói quá nhiều. Tôi đề nghị chỉ ghi là Chính phủ báo cáo với Quốc hội v.v....., còn Chính phủ ủy quyền cho ai là quyền của Chính phủ, ví dụ đồng chí Thống đốc đi công tác nước ngoài ủy quyền cho Phó Thống đốc, đây chỉ là vấn đề kỹ thuật thôi. Tôi xin tham gia một số ý như vậy, cảm ơn Quốc hội, xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan