Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thế Vượng – Trưởng Ban Dân nguyện

Thứ Hai 10:13 24-05-2010

Kính thưa Chủ tịch Quốc hội,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Chúng tôi xin phát biểu một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, chúng tôi thấy giải trình tiếp thu lần này chúng ta đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và hoàn thiện các dự án. Tuy vậy, còn một số vấn đề sau đây theo gợi ý của đồng chí Phó Chủ tịch điều hành, chúng tôi xin được báo cáo thêm:

Vấn đề thứ nhất là chính sách tiền tệ Quốc gia, trước hết, chúng tôi đề nghị xem là thẩm quyền quyết định chính sách hay thẩm quyền thực hiện chính sách. Tên điều là "chính sách tiền tệ Quốc gia và thẩm quyền quyết định thực hiện", theo chúng tôi chắc là "quyết định" chứ không phải "quyết định thực hiện".

Vấn đề thứ hai, là nếu quyết định chính sách thì ở Khoản 2 có cần nói là "Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ Quốc gia" không?, vì "giám sát" đó là đương nhiên còn đây đang nói là vấn đề quyết định chính sách.

Thứ hai, nên cân nhắc khi chúng ta đưa ra khái niệm chính sách tiền tệ Quốc gia, có hai cụ thể hóa: Một là, mục tiêu được biểu hiện. Hai là các công cụ, biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra. Vì ta đưa ra hai vế, trong khi Hiến pháp nói "Quốc hội quyết định chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia", nhưng trong luật này chúng ta lại chỉ quyết định chỉ tiêu lạm phát như vậy lại vướng. Do vậy, chúng tôi đề nghị xem xét lại vấn đề này như thế nào để tránh việc người ta cứ bắt bẻ giữa luật và Hiến pháp.

Vấn đề thứ hai, đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại các tổ chức tín dụng và góp vốn thành lập doanh nghiệp. Trong giải trình này có nói về việc cần thiết phải có sự góp vốn. Nhưng ví dụ hình như không được thuyết phục lắm, là góp phần bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động của chính mình và của các tổ chức tín dụng, bảo đảm lợi ích của các tổ chức tín dụng, người sử dụng dịch vụ ngân hàng và sự kiểm soát của Nhà nước như thành lập nhà máy in tiền quốc gia. Tôi nghĩ nhà máy in tiền quốc gia chắc Nhà nước phải nắm giữ toàn bộ, không góp vốn với ai cả. Cho nên vấn đề này phải xem xét lại, có ví dụ gì khác thuyết phục hơn không.

Về lãi suất, vấn đề này chúng tôi cũng phát biểu nhiều lần, trong dự luật trình ra Quốc hội lần này chúng ta bỏ lãi suất cơ bản, chúng tôi cho đây là một vấn đề phải hết sức cân nhắc. Tôi tán thành với ý kiến của đại biểu Cao Sĩ Kiêm về nguyên tắc và cách thức hình thành và công bố lãi suất cơ bản. Theo đại biểu Cao Sĩ Kiêm nó cũng rất cần thiết, các nước người ta cũng làm như vậy. Của ta thì rất rõ rồi, chúng tôi xin nhắc lại trong Bộ luật hình sự có tội cho vay lãi nặng, trong Bộ luật dân sự cũng có quy định tức là việc lãi vay mượn do các bên cho vay và bên vay thỏa thuận. Khẳng định một nguyên tắc trong dân sự là do các bên thỏa thuận, nhưng sự thỏa thuận đó không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố.

Lần đầu tiên khi đặt ra vấn đề này, chúng ta nhớ có những lúc các Ngân hàng thương mại cho vay lãi suất tới 24 - 25%, thậm chí hơn như thế. Sau đó Chính phủ có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sửa điều của Bộ luật Dân sự vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản, nhưng tăng lên là 2 bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 300% lãi suất cơ bản do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố và khẳng định điều sửa đó có hiệu lực kể từ ngày ban hành Bộ luật dân sự. Nghĩa là nếu lúc đó ngân hàng từng cho vay tới 24, 25%, trước đó Thống đốc Ngân hàng cũng đã công bố lãi suất cơ bản là 8%, do đó nếu 300% thì cũng phù hợp với thực tế đã diễn ra trước đó là các Ngân hàng thương mại đã cho vay với lãi suất rất cao.

Trước tình hình đó đưa dự án luật này ra thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình, thấy rằng nó không có ảnh hưởng gì mà phải làm như thế. Bây giờ lại đi đến một bước là bỏ đi, chỗ này chúng tôi thấy lý lẽ chưa thật rõ. Nhưng có một điều chúng tôi cũng nêu lên rất nhiều lần là nếu bỏ thì cũng phải có một lý lẽ rất rõ ràng là chúng ta có còn duy trì tội cho vay lãi nặng trong Bộ luật Hình sự không? Và có duy trì điều ở trong Bộ luật dân sự không? Nếu không thì cũng phải kịp thời sửa những quy định này. Nhưng từ xưa tới nay, từ lúc đầu đặt vấn đề này tuyệt nhiên không có đề cập gì đến vấn đề này, chúng tôi cũng rất khó hiểu. Bởi vì nếu không có lãi suất cơ bản thì điều đó cũng có nghĩa là tội cho vay lãi nặng là cũng không có căn cứ để cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện quy định của Bộ luật hình sự. Vậy thì bây giờ chúng ta lý giải vấn đề này như thế nào? Vì vậy đại biểu Cao Sĩ Kiêm có nói rằng nếu hiểu rằng các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ bao gồm cả lãi suất cơ bản thì cũng được, nhưng nếu không hiểu được như vậy thì phải viết rõ là lãi suất cơ bản có nghĩa là để điều hành chính sách tiền tệ thì ngân hàng toàn quyền có thể công bố lãi xuất tái cấp vốn, đấy là việc để điều hành. Nhưng mà Thống đốc Ngân hàng với tư cách là thành viên Chính phủ không phải chỉ để giải quyết vấn đề giữa các ngân hàng thương mại với khách hàng hoặc là giữa các ngân hàng thương mại với nhau. Mà một đồng chí thành viên Chính phủ, Bộ trưởng phải quản lý vấn đề đó trong toàn xã hội. Trong này chúng ta cũng khẳng định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ngang bộ. Cơ quan ngang bộ không phải chỉ giải quyết những vấn đề giữa các ngân hàng thương mại với nhau hoặc giữa ngân hàng thương mại với khách hàng mà còn phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân về toàn bộ lĩnh vực này trong xã hội. Tôi cho rằng việc quy định như thế này hình như Thống đốc Ngân hàng chỉ có trách nhiệm quản lý các ngân hàng thương mại, mà không có trách nhiệm đối với tình hình tiền tệ, tình hình cho vay trong toàn bộ xã hội. Tôi thấy trách nhiệm của một thành viên Chính phủ như vậy không biết đã đúng chưa? Đó là vấn đề thứ hai, do đó chúng tôi đề nghị hết sức cân nhắc vấn đề này.

Một vấn đề nữa, chúng tôi cũng đã phát biểu nhiều lần đó là vấn đề thanh tra, giám sát. Chúng tôi cho rằng giám sát đúng là một biện pháp rất đặc thù ở trong lĩnh vực ngân hàng và rất cần thiết, nhưng quy định ở trong luật này nó không rõ ràng, thanh tra và giám sát là hai việc khác nhau nhưng mà trong này quy định chỉ có Ngân hàng Nhà nước làm việc này và khẳng định cơ quan thanh tra giám sát là thuộc ngân hàng.

Thưa các đồng chí và các vị đại biểu Quốc hội, khi nói thanh tra thì dứt khoát anh đi thanh tra thì cơ quan thanh tra của bất cứ cơ quan nào phải có thanh tra viên, phải được một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm và được cấp thẻ thanh tra viên và khi đi tiến hành thanh tra việc đầu tiên là anh phải xuất trình thẻ thanh tra viên chứ không phải là bất cứ ai có thể đến tiến hành thanh tra, còn việc giám sát là việc khác. Do đó cơ quan thanh tra, giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước vừa đi làm việc thanh tra, rồi đi làm việc giám sát.

Thứ hai, trong luật này dự thảo quy định có căn cứ ra quyết định thanh tra nhưng mà lại không có căn cứ ra quyết định về việc giám sát. Như vậy vấn đề đặt ra trong trường hợp nào thì tiến hành thanh tra và trong trường hợp nào tiến hành giám sát và cách thức, phương thức rồi hệ quả pháp lý như nhiều lần chúng tôi phát biểu là nó cũng không được quy định ở trong này. Do đó tôi cho rằng việc quy định thế này thì việc thực hiện trên thực tế sẽ rất khó khăn, do đó chúng tôi đề nghị cân nhắc.

Một điểm nữa về vấn đề bảo hiểm, nói Ngân hàng Nhà nước quản lý bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Chính phủ và pháp luật về bảo hiểm tiền gửi thì theo tôi không đúng, bởi vì khi nói pháp luật thì nó bao gồm các văn bản từ Hiến pháp, đến Luật, Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến văn bản của Chủ tịch nước, của Chính phủ, của các Bộ, đấy gọi là pháp luật. Bây giờ lại theo quy định của Chính phủ và pháp luật về bảo hiểm tiền gửi thì làm như quy định của Chính phủ là không phải pháp luật. Nếu chúng ta có luật về bảo hiểm tiền gửi trong đó có quy định về quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi thì Chính phủ sẽ ban hành những nghị định, những nghị quyết để cụ thể hóa những quy định của luật. Ở đây chúng ta viết ở trong này là "theo quy định của Chính phủ và pháp luật về bảo hiểm tiền gửi" thì làm cho người ta hiểu rằng quy định của Chính phủ không phải là pháp luật. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan