Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan – TP Hà Nội

Thứ Hai 10:11 24-05-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Về dự án Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Sau khi có gợi ý của Chủ tọa kỳ họp thì tôi cũng xin có đóng góp 4 vấn đề.

Vấn đề thứ nhất, vấn đề về điều hành lãi suất, tôi rất tán thành các ý kiến đã góp ý trước tôi là chúng ta cần có một lãi suất cơ bản hoặc một lãi suất cụ thể để làm công cụ điều tiết tiền tệ vĩ mô, cho nên tôi không tán thành việc bỏ lãi suất cơ bản, tôi đề nghị nên giữ lãi suất cơ bản và coi đấy là một công cụ để điều tiết. Như những năm vừa qua chúng ta đã thấy lãi suất cơ bản có hiệu quả nhất định và đặc biệt trong tình hình như hiện nay thì chúng ta phải có công cụ để điều hành. Đăc biệt các vấn đề này như chúng ta cũng thấy ở các nước trên thế giới họ cũng sử dụng lãi suất cơ bản rất hiệu quả, cho nên ý kiến cá nhân tôi rất đồng tình với cách phân tích của báo cáo thẩm tra. Và tôi đề nghị quy định cụ thể về phương tiện của lãi suất cơ bản trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Vấn đề thứ hai, là vấn đề về thẩm quyền quyết định dự trữ quỹ ngoại hối. Tôi rất tán thành cách phân tích của Báo cáo thẩm tra là chúng ta phải coi rằng quỹ dự trữ ngoại hối, dù rằng đó chưa phải là ngân sách Nhà nước, đó là tài sản của quốc gia nhưng khi đưa vào sử dụng, cho các mục đích dù là đặc biệt cấp bách hay những mục đích khác trong quá trình sử dụng ngân sách Nhà nước thì chúng ta cũng sẽ điều chuyển quỹ dự trữ quốc gia này thành ngân sách Nhà nước. Tôi đề nghị vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nếu Quốc hội không họp được thường xuyên thì tôi nghĩ nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quyết định việc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối. Nếu chúng ta để toàn quyền Chính phủ sử dụng cái đó coi như để điều hành theo thẩm quyền của Chính phủ thì như chúng ta cũng thấy vừa qua theo Luật Ngân hàng và Chính phủ cũng đã lấy ra một lượng tiền trong quỹ dự trữ và coi đó là theo đúng luật của ngân hàng. Tôi cho rằng chúng ta cần phải sửa vấn đề này để thực sự căn cứ theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước và quy định rõ trong này. Tôi rất đồng tính, tán thành với cách phân tích Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về vấn đề sử dụng vốn pháp định do ngân sách Nhà nước cấp để góp vốn thành lập doanh nghiệp đặc thù. Điều này tôi không đồng tình với dự thảo cũng như theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi đề nghị nên bỏ khoản này bởi vì nếu chúng ta đồng ý để Ngân hàng Nhà nước sử dụng vốn pháp định là vốn mà ngân sách cấp để thành lập một số doanh nghiệp hay thành lập những tổ chức đặc thù, thì đây cũng là một khe hở, cũng có thể dựa vào đây có thể có những khe hở để hợp tác, có thể những tổ chức, cá nhân hoặc những tổ chức tư nhân khác, chẳng hạn thành lập nhà máy in tiền. Tôi cho rằng đây không phải cách để chúng ta sử dụng vốn này để thành lập doanh nghiệp. Cho nên dù nó là đặc thù trong hoạt động ngân hàng, theo quan điểm của tôi chúng ta không nên để điều này, tôi đề nghị nên bỏ điều này, tôi không tán thành với quan điểm cho phép sử dụng vốn của ngân sách Nhà nước để góp vốn thành lập doanh nghiệp đặc thù.

Ý kiến cuối cùng, trong Điều 5 tôi thấy chưa rõ về cơ chế phối hợp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp về vấn đề quản lý Nhà nước về tiền tệ. Trong này có đề cập, nhưng nếu chúng ta chỉ đề như thế này thì sẽ rất khó. Cho nên tôi đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn về cơ chế phối hợp. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan