Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Quang Xuân – Đồng Tháp

Thứ Hai 10:11 24-05-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin bày tỏ sự tán thành cao với một số nội dung giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là một bước tiến mới, tôi nghĩ là một ý kiến nêu rất xác đáng. Tôi xin nêu thêm một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, một câu hỏi về tên gọi của luật. Ngay sau Báo cáo giải trình đến nội dung của luật chúng ta đề là Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tên này tôi muốn hỏi để như thế hay nên nói rõ là Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Bởi vì nếu để như trong tài liệu thì cũng phải nói rõ là Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 có sửa đổi.

Ý kiến thứ hai, về Điều 2 địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tôi cũng tán thành với một số giải trình, nhất là cho giai đoạn trước mắt, đồng ý với dự thảo. Tôi chia sẻ với ý kiến của đại biểu Dung (Điện Biên) và đại biểu Lý (Nghệ An), về lâu dài cơ chế này phải là một Ngân hàng Trung ương hiện đại, là cơ quan độc lập, chúng ta không nên kéo quá dài hệ thống hành chính, nhiều lĩnh vực kinh tế tôi thấy vẫn ở tình trạng "vừa thổi còi, vừa đá bóng" Như vậy hạn chế độc lập, tự chủ của các cơ chế kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường.

Ý kiến thứ ba, về chính sách tiền tệ quốc gia, tôi cũng chia sẻ với ý kiến của đại biểu Long (Đăk Lăk) và bổ sung thêm nên có một nội dung như thế nào đó để nói về mối liên hệ giữa chính sách tiền tệ quốc gia với chính sách tài khóa hay là chính sách tài chính quốc gia. Như vậy rõ hơn vị trí và vai trò của chính sách tiền tệ quốc gia.

Điểm thứ tư, về thẩm quyền Quốc hội, tôi hoàn toàn tán thành như giải trình, về Hiến pháp đúng là Quốc hội quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, hai cái này gắn liền với nhau, cái đi trước bao trùm cái đi sau, tức là chính sách tiền tệ nằm trong chính sách tài khóa, nằm trong chính sách tài chính. Nói như vậy để rõ hơn chức năng của Ngân hàng Nhà nước.

Điểm thứ năm, về nhiệm vụ, quyền hạn, tức là Điều 4 kiến của tôi từ trước tới nay là chia sẻ với một số ý kiến là không nên để chức năng nêu ở Điểm 20 và 22 của Điều 4 mà vẫn thuộc chức năng và nhiệm vụ của ngân hàng. Cái này liên quan đến cả Luật quản lý nợ công mà chúng ta thảo luận mấy khóa vừa rồi thì rõ ràng chúng ta thấy rằng Nhà nước ta vẫn còn để đến 3 đầu mối để quản lý nợ công. Như vậy là không hợp lý và theo cải cách hành chính hiện tại và theo kinh tế thị trường mà chúng ta cũng có thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôi nghĩ chức năng này thuộc về đàm phán và vay nợ Chính phủ. Mà đã là đàm phán và vay nợ Chính phủ thì tôi nghĩ nên giao cho Bộ Tài chính trong hệ thống chính trị của chúng ta, nó tương ứng với hệ thống quản lý Nhà nước hiện đại của thế giới hiện nay. Như vậy, tôi nghĩa rằng quan hệ đàm phán để vay nợ với Ngân hàng Thế giới, với Quỹ tiền tệ Thế giới và những cơ chế khác, Ngân hàng Châu Á, theo tôi nên giao cho Bộ Tài chính. Tôi nghĩ đây là vấn đề chúng ta vẫn để nó ở giai đoạn tạm thời, tức là kéo dài đầu mối quản lý công ra nhiều cơ quan. Nhưng về lâu dài thì điều này là không được. Hiện nay chúng ta đã hội nhập, chúng ta đang thực hiện những cam kết với quốc tế rất cao. Đặc biệt là trong chính sách và quyết tâm cải cách hệ thống hành chính quốc gia thì chúng ta nên mạnh dạn sửa đổi điều này và giao chức năng, trả lại tên đúng cho cơ quan quản lý. Như vậy, rõ ràng hoạch định chính sách, như điểm tôi nêu ở trên là chính sách tài khóa, chính sách tài chính quốc gia và nó liên hệ chính sách tiền tệ quốc gia như thế nào và như thế nó rõ hơn vai trò của Ngân hàng Nhà nước mà chúng ta tiến tới xây dựng một ngân hàng độc lập và hiện đại.

Điểm cuối cùng tôi muốn nêu liên quan đến Điều 17, trong này nói vấn đề chức năng phát hành tiền và quy định như dự thảo luật thì ngân hàng có phải là do độc quyền phát hành tiền không? Việc này tôi nghĩ thẩm quyền quyết định và ấn định phát hành tiền là trách nhiệm thuộc về Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như thế nào trong vấn đề này, vì nó liên quan đến quyết định về số lượng, về chất lượng, về tiền giấy, về tiền kim loại và chúng ta biết, chúng ta thấy rằng chuyện phát hành tiền không đơn giản vì nó có liên quan đến lạm phát, nó liên quan đến quản lý kinh tế vĩ mô rất lớn và trong thực tế đã xảy ra những vấn đề kỹ thuật mà nó không đúng với chức năng của quản lý về phát hành tiền tệ. Tôi muốn điều này chúng ta cũng phải làm rõ ra và quyền hạn của các cơ quan lập pháp, các cơ quan quản lý nó rõ ra. Còn nếu hiểu theo như thế này tôi đọc cái này thấy do độc quyền, tôi nghĩ cũng không nên. Tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan