Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên tổng kết
Kính thưa các đồng chí.
Thời gian cũng hết rồi nhưng chúng tôi thấy cũng có thể gom lại một số ý kiến kết thúc mục này.
Kính thưa các đồng chí,
Thời gian thì vẫn còn và cũng còn một số bước nữa đương nhiên cũng phải làm khẩn trương trước khi hoàn chỉnh trình chính thức tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội xem xét thông qua, cho nên tiếp tục gợi mở để các đồng chí cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra nghiên cứu thêm để sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu thấy cần thiết một số điểm trước khi hoàn chỉnh dự án luật để trình với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Việc trình tiếp một số vấn đề xét thấy cần thiết với Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể diễn ra vào phiên họp tháng 4 hoặc cùng lắm là phiên họp xép của đầu tháng 5. Nhưng chúng ta với tinh thần chuẩn bị trình vào phiên họp tháng 4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vấn đề thứ nhất, về địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước như thế nào thì chúng ta cũng thống nhất với nhau một tinh thần tức là thể chế chính trị của chúng ta có khác, cho nên mô hình tổ chức và mô hình quản trị quốc gia trên các lĩnh vực nó cũng khác, nó phù hợp với điều kiện nước ta. Chính vì thế cho nên hướng chung đồng ý với việc xác định địa vị pháp lý như trong dự thảo. Nhưng những điều quy định ở trong dự án luật phải tiến dần đến những chức năng, nhiệm vụ của một Ngân hàng Trung ương để nó phù hợp với Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Chính vì thế cho nên bữa trước khi làm việc với các ngành tôi có đề nghị với các đồng chí có một phụ lục để gửi các vị đại biểu Quốc hội, một bên nếu là Ngân hàng Nhà nước thì chức năng và nhiệm vụ cụ thể anh làm những việc gì? một bên là Ngân hàng Trung ương chức năng nhiệm vụ cụ thể anh làm những việc gì, cái nào giống nhau, cái nào khác nhau để các vị đại biểu Quốc hội người ta xem xét, người ta đối chiếu với những nội dung quy định ở trong dự thảo luật này. Đề nghị các đồng chí cũng cố gắng sưu tầm và chuẩn bị.
Thứ hai, mặc dù hôm nay cũng là lý sự tạm thời thôi nhưng trong mục này các đồng chí có nói để xây dựng một Ngân hàng Trung ương cần phải có một quá trình phấn đấu lâu dài và bước đi thích hợp trong nhiều năm tới. Có lẽ nay mai các đồng chí thể hiện trong báo cáo giải trình, tiếp thu không nên dùng cụm từ này, chúng ta nên nói đây là một quá trình có bước đi phù hợp với điều kiện nước ta. Nói lâu dài hay là cả một quá trình phấn đấu thì không biết bao giờ mới thực hiện được Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tất nhiên nói có bước đi phù hợp thì cũng chưa có được một giới hạn, một định lượng tương đối rõ nhưng cảm thấy còn có đường ra để nay mai mình hình thành tổ chức bộ máy với một mô hình quản trị quốc gia trong lĩnh vực này cho phù hợp.
Vấn đề thứ hai, xoay quanh vấn đề về chính sách tài chính tiền tệ quốc gia gắn với việc phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội như thế nào. Tôi đề nghị các đồng chí có khó gì thì khó các đồng chí cũng phải nghiên cứu chính sách tiền tệ quốc gia là những gì, liệt kê 1, 2, 3, 4, 5, ghi hẳn ra một điều. Từ đó sang mục phân công, phân nhiệm chỉ nói là Quốc hội thực hiện theo nội dung quy định tại điều nói về chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đâu phải chỉ mỗi chỉ tiêu lạm phát, các đồng chí dự kiến điều chỉnh ở đây cũng nói là thực hiện chỉ tiêu lạm phát và chính sách tài chính tiền tệ quốc gia thì lại lẫn lộn hết. Ngay bây giờ khi bàn đến tài chính ngân sách, "tài chính - ngân sách" hay "tài chính, ngân sách" cũng bàn mãi, ngân sách chỉ là một bộ phận của tài chính thôi cho nên gọi là Uỷ ban Tài chính, ngân sách đâu có gạch ngang, Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng bàn rất kỹ việc này cho nên các đồng chí phải suy nghĩ rất kỹ vấn đề này. Cho nên muốn hay không muốn, khó thì khó các đồng chí phải suy nghĩ cho được, thiết kế một điều riêng về chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chính sách tiền tệ quốc gia là gì? còn tài chính thì để mảng tài chính làm. Từ đó sang phân công, phân nhiệm chỉ nói là Quốc hội thực hiện theo quy định của Điều 7 là xong, không phải nhắc lại nữa.
Về mục tiêu của chính sách tiền tệ bây giờ còn nhiều cách lý sự, anh Hiển cũng nói thế, nhưng giá cả là gì? Giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị. Cho nên đã nói ổn định giá trị đồng tiền rồi cũng có nghĩa là ổn định giá cả. Hay nói lạm phát chẳng qua là tiền nhiều, tiền ít. Cho nên suy diễn, tranh luận với nhau thì còn nhiều vấn đề lắm. Cho nên điều nói về mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia các đồng chí cũng có cân nhắc xem có nên đưa vào trong luật này không? Nếu có đưa thì các đồng chí phải bàn kỹ với nhau hơn nữa trong hội thảo đối với các nhà khoa học.
Xoay quanh vấn đề lãi suất có mấy điểm chúng tôi lưu ý, mặc dù các đồng chí nêu ra đây là thống nhất với nhau, nhưng thấy cũng chưa thuyết phục được, đối với tôi cũng chưa có sức thuyết phục lắm. Bây giờ như trên tôi đã nói thể chế chính trị của chúng ta khác, cho nên mô hình tổ chức và mô hình quản trị quốc gia trên các lĩnh vực cũng khác. Cho nên theo một hướng là phải có một khung lãi suất, khung tỷ giá, còn ai quyết, Chính phủ hay Quốc hội là chuyện các đồng chí sẽ bàn sau. Còn giao cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định lãi suất cụ thể và tỷ giá cụ thể làm định hướng cho chính sách tiền tệ và quản lý thị trường tiền tệ. Chính lãi suất cụ thể này có ý nghĩa như lãi suất cơ bản nhưng nó cũng phải thực chất hơn để làm định hướng cho các ngân hàng thương mại quyết định lãi suất của mình, nó phù hợp, không vênh gì với Bộ luật Dân sự, mặc dù nội hàm của lãi suất mà chúng ta đang nghiên cứu ở đây phải thực chất hơn, nhưng nó phải đáp ứng được 2 yêu cầu là định hướng cho chính sách tiền tệ và quản lý thị trường tiền tệ, còn thông qua một số công cụ như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu thì không phải diễn ra thường xuyên hàng ngày. Anh Giàu nói có thể sử dụng công cụ khác, nhưng công cụ khác này không phải diễn ra hàng ngày, giải quyết mọi mối quan hệ giữa ngân hàng nhà nước với các tổ chức tín dụng mà chỉ thấy khi cần thiết, cho nên vẫn phải nghiên cứu có lãi suất như trên tôi đã nói trong một khung, để dần dần từ chỗ này chúng ta chuyển dần sang tính tự chủ, tính độc lập của ngân hàng nhà nước theo hướng của Ngân hàng Trung ương, tăng tính chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương lên thì phù hợp với nước ta hơn, ra Quốc hội tính đồng thuận cao hơn.
Thứ hai, cũng có ý kiến của Ủy ban Kinh tế nói rằng nên có loại lãi suất để điều chỉnh mối quan hệ vay mượn dân sự với nhau thì không được, tất cả phải định hướng vào việc vay mượn trong trật tự và hướng theo mô hình quản lý hiện đại, anh tiếp tục mở ra để cho vay sát phạt lẫn nhau. Trong điều kiện của nước ta, với trình độ quản lý như thế này, dân trí như thế này thì chuyện cho vay mượn với lãi suất sát phạt lẫn nhau còn diễn ra trong một thời gian lâu dài, Nhà nước phải gò nó vào để quản lý theo một mô hình, tổ chức theo một trật tự trong quản lý lĩnh vực này, còn thực hiện được hay không là chuyện khác, thu hẹp hay không lại là chuyện khác. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu, trao đổi theo hướng đó.
Vấn đề đại diện chủ sở hữu cũng đồng ý với cách thể hiện của các đồng chí đã nêu ra, chỉ trong một số những trường hợp đặc biệt thôi.
Về vấn đề liên quan đến bảo hiểm tiền gửi, hôm trước khi làm việc với các ngành tôi có nói và hôm nay anh Vượng cũng nói, tôi rất đồng ý. Hiểu bảo hiểm tiền gửi, định nghĩa như thế nào cho chuẩn xác trong điều kiện hiện nay, hôm làm việc với anh Giàu ở trụ sở Ngân hàng Nhà nước tôi cũng có nói. Để thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị hay ý kiến của các đồng chí lãnh đạo cấp cao nên quy định một số nguyên tắc trong luật này trong khi chưa có tổng kết, chưa có một chiến lược về bảo hiểm tiền gửi. Nhưng phải giải trình cho rõ bảo hiểm tiền gửi hiểu theo nghĩa ngân hàng và dân dã cũng hiểu về bảo hiểm tiền gửi như thế nào, không phải chỉ hiểu theo nghĩa bó hẹp nêu như trong dự thảo này. Vấn đề những người gửi tiền quan tâm là đồng tiền của người ta phải được bảo tồn về giá trị, kể cả dưới góc độ tổ chức và cá thể là dân cư cho nên các đồng chí suy nghĩ thêm để có quy định về vấn đề này.
Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, đúng là ngân hàng Nhà nước có một số chức năng hoạt động như một tổ chức tín dụng trong việc quản lý ngoại tệ và một số nghiệp vụ khác nữa, mang tính chất hoạt động của một doanh nghiệp cho nên cũng nên có một chế độ hợp lý. Hôm nọ tôi cũng đề nghị các đồng chí giải thích hợp lý là thế nào, bây giờ đang thực hiện theo Nghị định 43, khi bàn đến tính chất đặc thù của kho bạc và thuế thì thú thực trong phạm vi Quốc hội thì chúng ta cũng chấp nhận như thế, nhưng ra Quốc hội thì không phải dễ dàng. Cho nên khi họp Ủy ban Tài chính, ngân sách có đồng chí Bí thư tỉnh ủy nói "thế cái nghề của tôi không phải nghề đặc thù à", tôi phải dày công suy nghĩ rồi đứng mũi chịu sào, kỷ luật tôi chịu, mọi thứ này khác thế lao động của tôi là thế nào mà các cụ mình nói là "một người lo bằng một kho người làm". Những người kia chỉ hành động cụ thể mà lại bảo là lao động đặc thù lại hưởng hệ số 2, hệ số 2,5 hệ số 1,8 hơn cả lực lượng vũ trang, cho nên không phải dễ.
Nhưng xoay quanh vấn đề này chúng ta chỉ nói một số hoạt động của ngân hàng Nhà nước cũng mang tính chất hoạt động như là một doanh nghiệp trong một số lĩnh vực cho nên có chế độ cho anh em. Lý sự trong này có nói là ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ để hoạch định chính sách để lấy lý sự này để lấy thêm tiền, không có đâu. Mình là nghiên cứu hoạch định chính sách có đồng kẽm nào đâu, cho nên nghiên cứu lý sự cho nó đến nơi đến chốn hơn.
Vấn đề về Hội đồng chính sách tiền tệ thì bữa trước khi thảo luận tôi cũng có tổng hợp nhưng thực chất là định hướng quyết định theo hướng đó. Bây giờ đối với cơ quan hành pháp khác với cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp là bàn tập thể nhưng quyết định theo chế độ thủ trưởng. Chúng ta đã thừa nhận ngân hàng Nhà nước với địa vị pháp lý như thế này là cơ quan ngang bộ, thành viên của Chính phủ, người đứng đầu thành viên của Chính phủ thì ông đứng đầu ông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Quốc hội. Đấy là một ý.
Ý thứ hai, anh thủ trưởng nào chăng nữa và trong thực tế không dại gì vấn đề lớn lại quyết định một mình, người ta đều phải dựa vào chuyên gia, cho nên hội đồng này là hội đồng mang tính tư vấn, giao thẩm quyền cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định, còn chọn ai không cần phải ghi vào luật, không bắt buộc. Nhưng như tôi đã nói ở trên là bàn bạc tập thể và quyết định theo chế độ thủ trưởng.
Thứ hai, trong thực tế những vấn đề lớn không ai dại gì quyết định một mình, mình học về một nghề, một lĩnh vực, sờ con voi cái đuôi biết con voi ở cái đuôi thôi, có học chân đâu thì phải nghe chuyên gia ở chân, nghe chuyên gia ở đầu rồi mình quyết định tổng thể về con voi. Cho nên đây là Hội đồng tư vấn cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chức năng, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật, không cần quy định bắt buộc vào trong luật mà giao toàn quyền cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Về vấn đề tạm ứng ngân sách và vấn đề sử dụng dự trữ ngoại hối thì hôm nọ tôi đã nói ý rồi. Luật ngân sách đã quy định rồi, anh vay để tạm thời bù đắp thâm hụt ngân sách là phải hoàn trả trong năm. Cho nên mọi chủ thể cho vay anh phải thực hiện theo quy định này. Trong đó Ngân hàng là một trong chủ thể ngân sách vay thì phải thực hiện theo quy định này, cho nên đặt Luật ngân sách không cần thiết phải đặt trong luật này. Và dự trữ ngoại hối của chúng ta nó có đặc thù, điểm xuất phát ban đầu có tiền của ngân sách, đấy là một. Hai là trong qúa trình thực hiện nhiệm vụ để gắn với nhiệm vụ của ngân sách thì anh phải báo cáo với Quốc hội mà Quốc hội không họp thì phải báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để nay mai nó rõ thẩm quyền. Tôi đã xem báo cáo của anh Giàu, quá trình hình thành quĩ dự trữ ngoại hối như thế nào, lúc đầu của ngân sách. Hai nữa là bây giờ sử dụng nó gắn với thực hiện nhiệm vụ của ngân sách thì phải báo cáo với Quốc hội hoặc Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không cần thể hiện ghi trong này. Đối với dự trữ ngoại hối có thể ghi cho rõ thêm cũng được, nếu không thì thôi, Luật Ngân sách ghi rất rõ rồi, tôi nhớ cả điều anh Tuấn vừa nêu ra.
Vấn đề thanh tra, giám sát hôm trước tôi gợi ý với các đồng chí theo hướng đối với tổ chức tín dụng mẹ thì đương nhiên là ngân hàng nhà nước rồi, ông con, cháu liên quan đến hoạt động ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm thanh tra, giám sát. Thanh tra, giám sát có liên quan đến tổng thể hiệu quả hoạt động thì các đồng chí sẽ ghi mềm, hoặc là ngân hàng chủ trì hoặc ngân hàng phối hợp với Bộ Tài chính và các ngành hữu quan để thanh tra, giám sát một cách tổng thể để xác định hiệu quả, vì hiệu quả đó liên quan không chỉ an toàn của công ty mẹ, công ty con, công ty cháu mà nó còn liên quan đến an toàn của cả hệ thống. Cho nên đối với an toàn trong hệ thống ngân hàng hết sức quan trọng, nó quan trọng hơn an toàn trong hệ thống tài chính, nó sụp đổ mang tính dây chuyền thì hệ lụy vô cùng lớn, cho nên cách thể hiện như thế nào chứ không có vấn đề gì khác cả.
Về vấn đề tính minh bạch, tính trách nhiệm của giải trình, chúng tôi đề nghị nên có công khai theo hướng 3 cấp độ, cái nào cho công chúng, cái nào cho Quốc hội, giai đoạn nào được công khai, công khai số lượng nào, những gì chỉ được phép báo cáo cho các cơ quan, thậm chí cá nhân của các đồng chí lãnh đạo trong hệ thống bộ máy chính trị. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc kiểm toán trong lực lượng vũ trang, các anh bên công an, quân đội các anh phản đối ghê lắm nhưng cuối cùng Ủy ban Thường vụ Khóa XI vẫn kiên quyết phải thực hiện kiểm toán và có chế độ báo cáo. Còn nội dung báo cáo nào, báo cáo cho những ai để thẩm quyền biết chỗ này thì mình có phân định cụ thể chứ không phải đồng tiền của Nhà nước mà không có sự giám sát là không được. Cho nên nay mai chúng ta có hướng dẫn cụ thể nhưng đưa ra một nguyên tắc là phải có công khai tùy theo tình hình và nội dung các thông tin, bây giờ người ta mới bắt đầu thôi, chưa kết luận ra làm sao mình đã đưa tung tóe ra rồi thì không chỉ ảnh hưởng đến một ngân hàng ấy mà ảnh hưởng đến sự an toàn của cả hệ thống thì rất nguy hiểm. Cho nên chỗ này chúng ta đưa ra một vài quy định mang tính nguyên tắc còn trong nghị định của Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể để nay mai chúng ta dần dần tiến tới sự minh bạch công khai ở mức cần thiết, đảm bảo cho nền kinh tế ổn định, hệ thống tài chính tiền tệ ổn định và đương nhiên gắn liền với hiệu quả của nền kinh tế.
Ý nữa xoay quanh vấn đề quy định chức năng của Chủ tịch nước thì chỗ này tôi xin nhắc lại một chút liên quan đến hôm nọ anh Thuận cũng nói đến chuyện về thanh tra chuyên ngành rồi nói đến chức năng quản lý Nhà nước v.v...của mấy đơn vị cấp dưới hay đối tượng áp dụng ví dụ như thế. Chúng tôi cũng suy nghĩ như sau: những cái gì nó trái với Hiến pháp và pháp luật thì các đồng chí cứ thế gạt bỏ, hay cái gì đưa vào để mang tính hệ thống người ta dễ nhận biết ngay từ đầu, người thực hành công vụ và đối tượng bị điều chỉnh người ta đỡ phải đi rờ, người ta xem xem nhiều văn bản đỡ mất thời gian thì việc đó chỉ có tốt thôi. Cho nên hiện hành đã quy định thẩm quyền của Chủ tịch nước rồi thì có lẽ chúng ta đưa vào đây cũng không chết ai vì không trái nhưng có tính hệ thống là Quốc hội, Chủ tịch nước, rồi đến Chính phủ, đến Ngân hàng thì rất tốt thôi. Nhưng cái gì nó trái với Hiến pháp và pháp luật thì các đồng chí đương nhiên thống nhất một nguyên tắc phải bỏ.
Một số điểm như vậy xin mời các đồng chí chúng ta trong thời gian tới tiếp tục có những hội thảo cần thiết nhưng sau đó còn phải hoàn chỉnh gửi đi các đại biểu Quốc hội cho ý kiến rồi thu nhận trở về để xem rồi chúng ta tiếp thu những cái gì, những cái gì còn chưa tiếp thu, những vấn đề gì còn rất lớn, còn có ý kiến khác nhau cần phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì sẽ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 4 là phiên họp chót rồi sau đó trước khi hoàn chỉnh gửi Tờ trình báo cáo giải trình, tiếp thu và những văn bản khác liên quan để trình với Kỳ họp thứ 7 Quốc hội xem xét thông qua, chúng ta kết thúc nội dung này.