Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thế Vượng – Hải Dương

Thứ Ba 09:23 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội!

Chúng tôi xin phát biểu một số ý kiến sau đây về dự án luật Ngân hàng Nhà nước.

Trước hết, chúng tôi cũng tán thành với nhiều nội dung của dự án luật, tuy nhiên còn một số vấn đề sau đây chúng tôi xin có ý kiến như sau.

Vấn đề thứ nhất, đúng như một số đại biểu Quốc hội đã phát biểu, do chúng ta chưa xác định được rõ vai trò của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là một cơ quan của Chính phủ, với tư cách và vai trò là Ngân hàng Trung ương. Do không làm rõ vấn đề này cho nên trong nhiều nội dung có liên quan đến dự án luật gặp nhiều khó khăn và lúng túng. Tôi ví dụ ngay ở Điều 5 về vấn đề quyết định chính sách tiền tệ quốc gia chỉ nói là "ngân hàng xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội", có nghĩa là Chính phủ không có vai trò gì trong vấn đề này hoàn toàn bê một cái do ngân hàng chuẩn bị rồi, Chính phủ có trách nhiệm để trình ra Quốc hội, còn Chính phủ không có vai trò gì trong việc đó cả, không có luật nào có thể quy định là Bộ này xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội, mà việc trình ra Quốc hội là nội dung đó, việc đó là của Chính phủ chứ không phải của bất cứ một Bộ nào.

Hay đến điều về cán bộ công chức cũng thế, do không rõ cho nên mới nói rằng chế độ chính sách đãi ngộ với cán bộ công chức của Ngân hàng Nhà nước là do Thủ tướng Chính phủ quy định để phù hợp với vị trí là Ngân hàng Trung ương. Vậy nó có cần phải phù hợp với quy định của cán bộ công chức với tư cách là cán bộ công chức ở các Bộ thuộc Chính phủ không? Tôi cho là chưa làm rõ được hai tính chất này nhập lại với nhau nên có những lúng túng như vậy.

Đi vào Điều 5, tôi cũng như nhiều đại biểu đã phát biểu trước, vấn đề này đã được phát biểu rất nhiều lần từ Khóa XI cho đến bây giờ, kể cả vấn đề lãi suất cơ bản mà chúng tôi sẽ trình bày. Điều 5 của luật hiện hành, ngay tên điều luật là quyết định và tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, đến lần này nói là quyết định nhưng lại bỏ đi những nội dung rất quan trọng. Ví dụ như Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ quốc gia thì bây giờ bỏ đi và chỉ quyết định mức lạm phát định hướng của từng thời kỳ. Như vậy theo dự thảo này thì mức lạm phát đồng nghĩa với chính sách tiền tệ quốc gia, có phải vậy không, chính sách tiền tệ có nhiều nội dung mà Quốc hội phải quyết định.

Phần nói về vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch nước thì dự án luật này cũng bỏ đi, trách nhiệm của Chính phủ cũng bỏ đi, chỉ để Chính phủ định chỉ tiêu về lạm phát và định hướng trong từng thời kỳ để trình Quốc hội. Chúng tôi cho nếu không làm thêm được những nội dung về chính sách tiền tệ quốc gia cho Quốc hội quyết định thì tốt nhất là chúng ta giữ như luật hiện hành, còn sửa như thế này là không đúng. Tôi xin nói lại điều này của luật hiện hành quyết định và tổ chức thực hiện thì người quyết định chính sách tiền tệ quốc gia, mức lạm phát là Quốc hội. Chủ tịch nước tổ chức thực hiện về lĩnh vực đàm phán, ký kết, phê chuẩn các điều ước quốc tế liên quan đến chính sách tiền tệ quốc gia. Chính phủ tổ chức thực hiện, ngân hàng với tư cách là một bộ sẽ giúp Chính phủ làm việc đó.

Vấn đề lãi suất cơ bản liên quan đến một quan điểm rất lớn của Đảng ta đó là chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quan điểm thứ hai là mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật. Chính quan điểm này đã được cụ thể hóa trong những đạo luật lớn của Nhà nước ta, ví dụ như Bộ luật dân sự khẳng định lãi suất vay là do các bên tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố. Đấy là cụ thể hóa quan điểm là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thỏa thuận là do các bên. Nhưng các anh thỏa thuận gì cũng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố. Chính vì vậy cho nên trong Bộ luật Hình sự chúng ta mới có tội danh là tội cho vay lãi nặng mà muốn xử được tội này thì phải có căn cứ, anh nào cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố thì người đó tất nhiên là mức độ cụ thể sẽ tính nhưng mà về nguyên tắc như vậy là anh phạm tội cho vay lãi nặng. Bây giờ chúng ta bỏ quy định này đi thì chúng tôi thực sự cũng chưa hiểu như thế nào, vả lại nếu Quốc hội thông qua quy định này thì điều đó có nghĩa là các chủ thể khác mà vay của nhau thì theo quy định của Bộ luật Dân sự. Còn riêng tổ chức tín dụng thì theo quy định của luật này. Như vậy là cũng không được, nó trái với nguyên tắc là mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật thì đấy là vấn đề thứ hai.

Vấn đề thứ ba, chúng tôi muốn trình bày là về thanh tra, giám sát thì chúng tôi thấy rằng đương nhiên sẽ có giám sát. Nhưng trong dự án Luật này đã quy định lẫn lộn cả vấn đề thanh tra và giám sát ở trong chương đó theo chúng tôi là không được. Thanh tra là thanh tra mà giám sát là giám sát. Cho nên khi đưa vào đó thì chúng tôi cũng đề nghị là cần phải có sự xem xét lại.

Một số những vấn đề mà chúng tôi muốn thực ra cũng đã phát biểu nhiều lần từ Khóa XI đến nay, ví dụ như vấn đề lãi suất cơ bản nhưng rất tiếc chúng tôi không bao giờ được trao đổi lại xem là vì sao vẫn cứ phải quy định như vậy. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan