Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Mai – TP Hải Phòng

Thứ Ba 09:24 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản tôi nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế về dự thảo luật sửa đổi Luật Ngân hàng và tôi xin có hai ý kiến cụ thể xin được tham gia đóng góp vào dự thảo luật sửa đổi Ngân hàng như sau:

Vấn đề thứ nhất, tôi ủng hộ quan điểm Ban soạn thảo là không nên đưa Hội đồng chính sách tiền tệ vào luật, vì thực tế cho thấy chúng ta nếu mà đưa một tổ chức tư vấn liên ngành trở thành một thiết chế theo luật định thì như vậy nó sẽ hạn chế tính chủ động, tính chịu trách nhiệm của thống đốc ngân hàng, đồng thời nó cũng không phù hợp với xu hướng cải cách hành chính của nước ta.

Vấn đề thứ hai, chúng tôi đặc biệt quan tâm đó là nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước, Điều 6, có thể nói đây là một điều có rất nhiều bổ sung, nhiều khoản quy định mới so với luật hiện hành với 28 khoản, thì trong này có một nội dung mà chúng tôi thấy cũng được bổ sung đó là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý về nợ công. Quan điểm của chúng tôi, tôi cho rằng đối với Luật quản lý nợ công mà Quốc hội Khóa XII của chúng ta mới thông qua thì có 4 nhiệm vụ mà theo luật thì quy định rất rõ ràng cho Ngân hàng Nhà nước.

Một, phải thực hiện ủy quyền của Chủ tịch nước, Chính phủ với vai trò đại diện chính thức của người vay để đàm phán ký kết các khoản vay với các tổ chức tiền tệ quốc tế.

Nhiệm vụ thứ hai phải thẩm định phương án vay lại vốn vay .

Thứ ba, hướng dẫn đăng ký các khoản vay nước ngoài, các khoản vay nước ngoài của các tổ chức tín dụng đã được Chính phủ bảo lãnh.

Thứ tư, phối hợp với Bộ tài chính trong một số công việc khác. Như vậy đối với lĩnh vực quản lý nợ công thì trong Điều 6 của Luật sửa đổi ngân hàng được quy định vào hai khoản:

Một là Khoản 20 và 21, tôi cho rằng đối với hai khoản 20 và 21 này trong dự luật sửa đổi thì tôi thấy Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu, cân nhắc và quan điểm của tôi là nếu thể hiện nhiệm vụ về quản lý nợ công của ngân hàng chỉ với hai điều khoản này chưa thể hiện hết được tinh thần mà luật quản lý nợ công của chúng ta vừa thông qua. Vì theo dự luật sửa đổi thì Khoản 21, là Ban soạn thảo đưa toàn bộ nhiệm vụ đầu tiên trong Điều 12 của Luật quản lý nợ cộng, đưa toàn bộ, đưa nguyên si quy định vào Khoản 21, nhưng Khoản 20 lại quy định rất chung chung với nhiệm vụ quản lý, thì việc này chúng tôi cho là nói chưa thật rõ ràng minh bạch. Theo tôi nếu trong nhiệm vụ quy định về nhiệm vụ quyền hạn của ngân hàng Nhà nước nếu quy định rõ ràng, theo hướng rõ ràng cụ thể minh bạch thì quan điểm của tôi phải thể hiện rất rõ ràng nhiệm vụ của ngân hàng đã được Luật quản lý nợ công thông qua và quy định. Xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan