Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mỹ Hương – TP Đà Nẵng

Thứ Ba 09:17 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin góp ý một số nội dung vào Luật ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) như sau.

Thứ nhất, về mức độ độc lập của Ngân hàng Nhà nước tôi xin phép không nêu lại vai trò và sự cần thiết của việc tăng mức độ độc lập của Ngân hàng Nhà nước trong dự thảo luật này. Tuy nhiên xét về tổng thể tôi thấy rằng mức độ độc lập của Ngân hàng Nhà nước trong dự thảo luật này còn khá hạn chế, thể hiện ở sự phụ thuộc quá nhiều vào các quan hệ hành chính và cũng có nhiều điều, khoản quy định giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định. Chẳng hạn Thủ tướng Chính phủ có thể yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh cho các tổ chức tín dụng vay vốn nước ngoài hoặc Thủ tướng Chính phủ sử dụng quyền tạm ứng cho ngân sách Nhà nước và còn nhiều quy định mang tính hành chính khác, ví dụ quy định việc mở tài khoản tại các Ngân hàng thương mại của kho bạc Nhà nước trên các địa bàn không có kho bạc Nhà nước cũng như nhiều vấn đề thu chi khác nó còn phụ thuộc rất lớn vào Chính phủ.

Tôi đồng ý rằng mức độ độc lập của Ngân hàng Nhà nước phụ thuộc vào thể chế chính trị, phụ thuộc vào năng lực của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh của nước ta hiện nay và trong yêu cầu ngày càng tăng của việc quản lý vĩ mô, đặc biệt là với vấn đề về quản lý tiền tệ và trong những năm gần đây chúng ta thấy vấn đề về thâm hụt ngân sách, vấn đề lạm phát đã trở nên rất nóng và nó là một trong những nguyên nhân lớn gây bất ổn vĩ mô. Do vậy tôi nghĩ rằng chúng ta phải đặt ưu tiên cho việc gia tăng thêm và quyết tâm hơn nữa, đẩy nhanh hơn nữa việc tăng tính tự chủ trong Ngân hàng Nhà nước. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để thể hiện vào trong luật rõ hơn quan hệ về tiền tệ giữa Ngân hàng Nhà nước với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính. Từ kinh nghiệm của các thị trường mới nổi và các nước có môi trường chính trị, thể chế chính trị gần giống với Việt Nam tôi thấy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thiết và hoàn toàn có thể có được một sự độc lập tương đối với các cơ quan tài chính và chính quyền địa phương.

Chúng ta thấy rằng một nước có thể chế chính trị gần giống Việt Nam đó là Trung Quốc thì trong Luật ngân hàng Trung ương của Trung Quốc vào năm 2003 đã cấm Ngân hàng Nhà nước cấp tín dụng cho Chính phủ trong bất kỳ trường hợp nào và không được bảo lãnh cho bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào. Trong điều kiện của Việt Nam chúng ta chưa thể bãi bỏ hoàn toàn quan hệ này thì cũng phải quy định vào trong luật một cơ chế bảo lãnh chặt chẽ hơn bằng việc xác định một hạn mức tối đa mà Ngân hàng Nhà nước được cấp tín dụng, được bảo lãnh cho Chính phủ và hạn mức này phải do Quốc hội quyết định.

Tương tự như vậy ở Điều 29 về tạm ứng cho ngân sách Nhà nước, tôi cũng đề nghị xác định trong luật quyền của Thống đốc có quyền từ chối tạm ứng cho ngân sách Nhà nước trong trường hợp việc tạm ứng này nó ảnh hưởng đến vấn đề lạm phát cho nền kinh tế và phải xác định hạn mức tạm ứng cho ngân sách Nhà nước để từng bước giảm dần sự phụ thuộc của ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, đồng thời cũng phải quy định có một chế tài cụ thể rõ ràng vào trong luật là trong trường hợp các khoản tạm ứng không được hoàn trả trong năm ngân sách thì vấn đề chế tài như thế nào?

Vấn đề thứ hai là vấn đề trách nhiệm giải trình tính minh bạch và công khai thông tin, tôi cho rằng vấn đề ưu tiên thứ hai trong lần sửa đổi lần này đó là vấn đề về trách nhiệm giải trình và về nguyên tắc mức độ độc lập nhiều hay ít và bằng một phương thức nào đi nữa thì khi chúng ta sửa đổi luật và để đảm bảo ngân hàng Nhà nước thực hiện được mục tiêu của mình thì đã chắc chắn ngân hàng Nhà nước phải được tổ chức với một cơ chế giải trình rất hiệu quả.

Thứ hai, về vấn đề công khai minh bạch về các chính sách tiền tệ phải được đặt ưu tiên và đặt đúng chỗ để tạo được động cơ cho ngân hàng Nhà nước thực hiện mục tiêu của mình và có cách để giải trình cho công chúng.

Thứ ba, phải đảm bảo một định nghĩa rất rõ ràng về chính sách tiền tệ, tôi đồng ý với ý kiến đại biểu Hồng Anh - Hà Nội, đại biểu Kiêm, và đại biểu Quyền. Hiện nay với quy định của dự thảo luật thì rõ ràng chính sách tiền tệ quy định trong luật chưa đảm bảo tính chặt chẽ. Về vấn đề giải trình trách nhiệm, tôi tán thành với ý kiến của Ủy ban kinh tế tức là quy định như dự thảo là chưa rõ ràng và chưa chặt chẽ, hầu như chưa có quy định cụ thể nào về trách nhiệm giải trình đối với Quốc hội, trong khi ngân hàng Nhà nước theo tinh thần của dự thảo luật này đã có tính tự chủ cao hơn rất nhiều so với luật hiện hành thì nó phải đi đôi với việc tăng cường trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Nhà nước trước Quốc hội tôi đề nghị bổ sung quy định là Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo với Quốc hội về tình hình tài chính hàng năm, giải thích về hoạt động kinh doanh và tài sản của ngân hàng, về những vấn đề liên quan đến tiền tệ và quản lý tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước phải trình bày bằng văn bản về hoạt động điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động giám sát thị trường tài chính mỗi năm một lần cho Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và nộp báo cáo khi có yêu cầu. Ngoài ra để đảm bảo cơ chế giám sát kịp thời đề nghị quy định là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo định kỳ hoặc theo yêu cầu phải có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội về công tác điều hành chính sách tiền tệ trong giới hạn chức năng và thẩm quyền được giao phó.

Về vấn đề minh bạch và công khai thông tin thì tại Khoản 2, Điều 40 của dự thảo Luật cũng chỉ quy định những nội dung thông tin công bố mà chưa quy định rõ phương thức công bố, chưa quy định thời gian công bố và chưa quy định rõ cụ thể các loại báo cáo phải công bố ra công chúng. Tôi đề nghị Ban soạn thảo phải xem xét nghiên cứu thêm các vấn đề này.

Thứ tư, về việc ngân hàng Nhà nước được sử dụng vốn pháp định do ngân sách Nhà nước cấp để góp vốn thành lập doanh nghiệp thì về vấn đề này tôi đồng ý với một số đại biểu phát biểu trước tôi, đồng ý với đại biểu Cuông ở Thanh Hóa. Tôi bổ sung thêm lập luận của mình:

Thứ nhất là về mặt bản chất Ngân hàng Nhà nước là một tổ chức phi lợi nhuận có chức năng điều tiết thị trường tiền tệ và đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính. Việc thành lập doanh nghiệp Nhà nước thuộc Ngân hàng Nhà nước sẽ dẫn đến sự can thiệp trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước vào các hoạt động kinh tế của Nhà nước. Hơn nữa Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý hành chính thuần túy, theo tôi hiểu thì nay lại được phép thành lập doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp thì rõ ràng là không đúng và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Tôi đề nghị Quốc hội phải hết sức cân nhắc để bỏ quy định tại Khoản 11 Điều 6 của dự thảo Luật.

Vấn đề cuối cùng là việc mua cổ phần của các tổ chức tín dụng, tức là Khoản 13 Điều 6 của dự thảo luật quy định: "Ngân hàng Nhà nước quyết định áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng mà vi phạm và có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống". Vấn đề này tôi cũng đồng ý với đại biểu Quyền ở đoàn Hà Nội, tức là phải xác định rất rõ cụ thể các tiêu chí như thế nào là nguy cơ, như thế nào là nghiêm trọng để trên cơ sở đó Ngân hàng Nhà nước phải áp dụng theo các tiêu chuẩn, tiêu chí đó để thực hiện các biện pháp xử lý của mình.

Hai nữa tôi đề nghị trong dự thảo quy định những biện pháp can thiệp của Nhà nước chỉ dừng ở mức độ can thiệp hành chính mà không can thiệp liên quan đến các vấn đề về vốn. Tức là cụ thể hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện các hoạt động tái cấp vốn đối với các ngân hàng hoặc cho vay, hỗ trợ đối với các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, nhằm khôi phục hoạt động bình thường của tổ chức tín dụng và tránh bị đổ vỡ. Tuy nhiên, theo trong dự thảo luật thì việc mua cổ phiếu của các tổ chức này, tính rủi ro nó cao hơn nhiều và lúc mua lại cổ phần thì rõ ràng Ngân hàng Nhà nước đã trở thành chủ sở hữu của các tổ chức tín dụng mà đang có mức độ rủi ro rất cao như vậy. Đối với những vấn đề này tôi cho rằng Chính phủ phải can thiệp, phải xem xét về ngân sách để mua lại cổ phần của các tổ chức này phải do Quốc hội thông qua.

Kinh nghiệm trong đợt khủng hoảng vừa qua cũng cho thấy tại các nước phát triển thì trong trường hợp hệ thống tài chính của các nước này bị tác động và bị có nguy cơ đổ vỡ thì Chính phủ phải có một trách nhiệm giải trình đối với Quốc hội. Quốc hội là người thực hiện xem xét cân nhắc việc thông qua đối với quyết toán ngân sách để mua lại các tổ chức tín dụng có mức độ tín nhiệm tín dụng đã bị hạ thấp rất nhiều trong tình hình mà kinh tế tài chính bị khủng hoảng. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan