Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan – TP Hà Nội

Thứ Ba 09:18 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Bản thân tôi rất mong muốn chúng ta sửa Luật Ngân hàng Nhà nước để làm sao khắc phục được những điểm yếu vừa qua trong hoạt động chính sách tiền tệ của quốc gia. Tôi rất mong muốn vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước làm sao bảo đảm được hoạt động của hệ thống ngân hàng, vừa đảm bảo là các mạch máu chính cũng như các mao mạch của một cơ thể để thu hút hoạt động tiền tệ tập trung, chuyển dần tình trạng kinh tế mang tính tiền mặt của chúng ta hiện nay sang kinh tế hoạt động tập trung, giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng.

Thực trạng hiện nay tình trạng kinh tế của chúng ta đang rất nặng về tiền mặt, chúng ta làm thế nào để giải quyết được tình trạng hiện nay. Điều đó sẽ giúp cho chúng ta giải quyết được một phần nạn tham nhũng, cũng như việc thất thu. Tôi đề nghị vai trò ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo cải cách được tình trạng trên, phải đảm bảo điều hành lãi suất có chiến lược, có hệ thống, không để tình trạng như vừa qua các ngân hàng tùy tiện nâng lãi suất làm rối loạn thị trường tiền tệ, đảm bảo quản lý thị trường ngoại hối tập trung, tránh để hệ thống tiền tệ ngoại hối chợ đen. Thực trạng hiện nay còn hình thành chợ đen ngay trong hệ thống ngân hàng. Vậy vai trò điều tiết của Ngân hàng nhà nước như thế nào để giải quyết được tình trạng đó, đảm bảo cân đối vĩ mô làm cơ sở điều tiết kinh tế vĩ mô khác.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước hiện nay vẫn có nhiều điểm chung chung, thiếu cụ thể và chưa đủ mạnh. Rất nhiều điểm vẫn để Thủ tướng Chính phủ quy định. Tôi xin đóng góp một số ý kiến cụ thể vào các điều, khoản như sau:

Vấn đề thứ nhất là phân định thẩm quyền, chức năng thì tôi đồng tình với bản thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế là nên để Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ quốc gia quy định chỉ tiêu mức lạm phát định hướng của từng thời kỳ và từng năm. Còn Chính phủ điều hành và thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia đã được Quốc hội thông qua.

Về Hội đồng chính sách tiền tệ thì tôi đồng ý với đại biểu Quyền vừa phát biểu là chúng ta cũng nên cần thành lập một hội đồng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên hội đồng chính sách tiền tệ này không nên trực thuộc ngân hàng Nhà nước mà nên trực thuộc Chính phủ,

Vấn đề thứ ba, về lãi suất cơ bản tôi đồng ý với đại biểu Nga, đại biểu Cuông và các đại biểu khác. Chúng ta không nên bỏ mục quy định về lãi suất cơ bản và đề nghị phải quy định rõ vai trò cũng như chức năng của lãi suất cơ bản để làm căn cứ cơ sở như thế nào trong việc hoạt động tín dụng, quy định rõ cho các tổ chức tín dụng sử dụng lãi suất cơ bản để làm căn cứ cho hoạt động tín dụng, tránh trường hợp là cho vay nặng lãi.

Vấn đề tiếp theo là vấn đề tạm ứng trong ngân sách Điều 29, hiện nay tình trạng tạm ứng ngân sách đang rất cao cho đến hiện nay phải đến 50 nghìn tỷ. Cho nên tôi đề nghị cần phải quy định rõ, chặt chẽ hơn điều này là bắt buộc phải hoàn trả trong năm và phải quy định cụ thể từng trường hợp nào được tạm ứng và mức tối đa không quá bao nhiêu % tổng chi ngân sách Nhà nước trong năm.

Vấn đề tiếp theo là vấn đề công khai minh bạch thông tin báo cáo từ Điều 38 đến Điều 43. Hiện nay thực ra Quốc hội của chúng ta chưa nhận được một báo cáo hay một thông tin gì riêng của Ngân hàng Nhà nước đối với vấn đề cân đối kinh tế vĩ mô. Và chúng ta là cơ quan làm luật, nếu muốn ban hành các luật, các cơ chế chính sách vĩ mô thì chúng ta cần biết được tình trạng kinh tế của chúng ta như thế nào, tình trạng cân đối vĩ mô của chúng ta như thế nào. Nhưng cho đến hiện nay tôi chưa nhìn thấy một báo cáo nào của Ngân hàng Nhà nước về cân đối vĩ mô. Tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo luật một điều quy định báo cáo hàng năm cho Quốc hội về tình trạng cân đối vĩ mô và tình trạng hoạt động chính sách tiền tệ, kết quả hoạt động của chính sách tiền tệ trong năm để đại biểu Quốc hội thấy được tình trạng cũng như biết được tình hình tiền tệ quốc gia để có những ý kiến đóng góp sang những cơ chế chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Vấn đề tiếp theo là quy định sử dụng dự trữ ngoại hối Nhà nước Khoản 3, Điều 35. Quy định việc sử dụng dự trữ ngoại hối Nhà nước cho các nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quy định. Tôi đề nghị không nên để như thế này, chúng ta đưa vấn đề này theo quy định của Quốc hội, tôi đề nghị đổi thành là: Việc sử dụng dự trữ ngoại hối cho các nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và quy định rõ, như thế nào thì được gọi là "nhu cầu đột xuất, cấp bách", không nên dùng từ "đột xuất" chung chung như vậy. Bởi vì một tình trạng vừa qua chúng ta đã lấy dự trữ ngoại hối 1 tỷ đồng đề dùng cho gói kích cầu mà không thông qua Quốc hội. Do vậy, nếu chúng ta để chung chung như thế này thì Chính phủ có thể sử dụng dự trữ ngoại hối này để làm những việc đột xuất mà chính Quốc hội cũng không biết, chúng ta không biết. Cho nên chúng tôi đề nghị sử dụng phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và phải quy định rõ như thế nào là đột xuất, như thế nào là cấp bách.

Vấn đề tiếp theo là Điều 45, vốn pháp định của Ngân hàng Nhà nước, vốn pháp định do Ngân hàng Nhà nước cấp nhưng lại quy định mức do Thủ tướng Chính phủ quy định. Tôi đề nghị phải Quốc hội quy định hoặc ít nhất là do Thường vụ Quốc hội quy định. Bởi vì đã là ngân sách Nhà nước thì phải được Quốc hội quy định.

Vấn đề tiếp theo là các quỹ của Ngân hàng Nhà nước, tôi đề nghị bỏ Mục c về các quỹ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Điều 48.2 mức trích lập quỹ không nên để Thủ tướng Chính phủ quy định. Việc này cần phải được quy định rõ trong luật.

Kính thưa Quốc hội, trên đây là một số ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan