Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Minh – Nghệ An

Thứ Ba 09:16 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Theo gợi ý của đoàn Chủ tịch, chúng tôi xin phép được phát biểu vào ba vấn đề:

Một là địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước. Về địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi nhất trí với dự thảo luật quy định Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động của ngân hàng và thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên do Ngân hàng Nhà nước vừa có chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và vừa có chức năng là Ngân hàng Trung ương, nên việc quy định, phân cấp trách nhiệm giữa Chính phủ và của Ngân hàng cần phải được cụ thể hơn, nhất là cần bảo đảm tính tự chủ và độc lập của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến tiền tệ.

Bên cạnh đó chúng tôi thấy việc sửa đổi ở Điều 2 của dự thảo luật về nội dung Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ thì bổ sung như vậy chúng tôi thấy không cần thiết. Về ý kiến này một vài ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng đã phát biểu. Bởi vì cơ quan ngang Bộ thì rõ ràng Luật tổ chức Chính phủ quy định rồi. Hai nữa là trong giải trình thì Ban soạn thảo cho rằng có thể có sự nhầm lẫn với các cơ quan khác của Chính phủ, nhưng thực tế không ai hiểu lầm Ngân hàng không phải là cơ quan ngang Bộ. Hơn nữa, như chúng tôi nói nội dung này đã được Luật Tổ chức Chính phủ quy định.

Thứ hai, về phân định chức năng của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ. Chúng tôi thấy việc quyết định chức năng hoạch định chính sách tiền tệ và việc phân định chức năng hoạch định chính sách tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ cần phải xuất phát từ tầm quan trọng của chính sách tiền tệ quốc gia và phải phù hợp với thể chế chính trị và chức năng của ngân hàng nhà nước. Do đó quy định cơ quan nào có quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia, Quốc hội, Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước, cần phải xuất phát từ những yêu cầu như chúng tôi đã nêu trên.

Chính vì xuất phát từ tầm quan trọng đó của chính sách tiền tệ quốc gia, nó là bộ phận quan trọng của chính sách kinh tế nhà nước và nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh, đến hoạt động kinh tế, hoạt động tài chính của nhà nước. Việc giao cho Quốc hội có thẩm quyền quyết định về chính sách tiền tệ là rất phù hợp và đó là yêu cầu để bảo đảm cho Quốc hội thực hiện chức năng quan trọng là quyết định kết hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước hàng năm cũng như trong từng thời kỳ.

Điều thứ hai cũng phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. Hiện nay chúng ta đang phải thực hiện trong khuôn khổ của Hiến pháp, việc quy định chức năng đó cho Quốc hội nó bảo đảm được yêu cầu như vậy. Vì vậy cho nên chúng tôi đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định, khẳng định Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ Quốc gia và ngân hàng Nhà nước thì có trách nhiệm giúp Chính phủ để thực hiện điều hành chỉ tiêu lạm phát như trong dự thảo luật. Còn việc dự thảo Luật quy định Quốc hội quyết định mức lạm phát định hướng trong từng thời kỳ thì quy định này trong dự thảo Luật chưa rõ ràng mà nên quy định cụ thể hơn như ý kiến của chúng tôi đã nêu trên.

Thứ ba, về lãi suất cơ bản, về vấn đề này một số đại biểu cũng đã phát biểu, tôi xin phân tích thêm ở một khía cạnh khác. Luật hiện hành quy định về lãi suất cơ bản nhưng theo dự thảo thì nội dung này đã được bỏ. Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề cần được cân nhắc bởi hai lý do như sau.

Thứ nhất, là hiện tại ngân hàng Nhà nước đang phát động vào lãi suất thông qua 3 hoạt động chủ yếu đó là lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn.

Thứ hai, là điều hòa lượng tiền trong lưu thông.

Thứ ba, là công bố lãi suất cơ bản.

Theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành thì lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh. Như vậy lãi suất cơ bản chính là lãi suất định hướng trên thị trường liên ngân hàng là một trong những mục tiêu công cụ để thực hiện chính sách tiền tệ bảo đảm Nhà nước quản lý và kiểm soát được lãi suất, không những đối với các tổ chức tín dụng, mà còn đối với các hoạt động cho vay và lãi suất trong cộng đồng dân cư. Với vai trò trách nhiệm của Nhà nước thì đây cũng là một yêu cầu rất quan trọng và nó là một thực thể đang tồn tại. Dù Nhà nước có đưa ra một lãi suất nào nói rằng để định hướng thì cũng phải có căn cứ phù hợp với các hoạt động giữa các tổ chức tín dụng với các hoạt động chung trong cộng đồng dân cư. Việc phù hợp này là phải có một mức trần, mức khung nhất định do vậy theo chúng tôi về tên gọi có thể nghiên cứu thay đổi cho phù hợp, nhưng về yêu cầu của quản lý Nhà nước, về hoạt động của ngân hàng thì việc sử dụng công cụ lãi suất định hướng mà luật hiện hành gọi là lãi suất cơ bản vẫn rất cần thiết, nhất là đối với điều kiện thực tế của chúng ta.

Mặt khác, pháp luật hiện hành của Nhà nước hiện cũng có rất nhiều văn bản luật quy định vấn đề liên quan đến lãi suất cơ bản như một số ý kiến của các đại biểu phát biểu trước tôi, tôi xin phép không nhắc lại. Với hai lý do như vậy chúng tôi thấy rằng cần phải cân nhắc để quy định lãi suất cơ bản trong dự thảo luật, không nên bỏ đi. Xin hết ý kiến.

 

Các văn bản liên quan