Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền – Hà Nội

Thứ Ba 09:15 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi tán thành nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Tuy nhiên, tôi có ý kiến khác với Ủy ban Kinh tế là chúng ta có nên xem xét, sửa đổi luật này với nội dung như vậy không.

Thứ nhất, việc sửa đổi luật này không phù hợp với các chủ trương nghị quyết của Đảng trong việc định hướng hoàn thiện Ngân hàng Nhà nước. Theo đó như anh Cao Sỹ Kiêm đã nói rồi Nghị quyết của Đảng đề cập là tổ chức lại Ngân hàng Nhà nước với cơ cấu và tính chất hoạt động như một ngân hàng Trung ương hiện đại.

Thứ hai, xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản của Ngân hàng Trung ương đối với các ngân hàng thương mại. Với chủ trương định hướng của Đảng, thì việc sửa đổi lần này đáng lẽ chúng ta phải giảm bớt các chức năng với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ ngân hàng và tăng cường các chức năng là một Ngân hàng Trung ương nếu theo đúng định hướng. Nhưng trong luật hiện hành quy định 18 nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước, dự thảo luật bổ sung thêm 10 nhiệm vụ, quyền hạn nữa. Nhưng trong 10 nhiệm vụ, quyền hạn đó thì hầu hết là nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước. Như vậy dự thảo luật đã đi sai định hướng mà Đảng đã đặt ra, nhất là những vấn đề về đại diện chủ sở hữu phần vốn của các doanh nghiệp Nhà nước tại các doanh nghiệp trực thuộc và tổ chức tín dụng, rồi việc giám sát và can thiệp vào các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm tiền gửi đang là chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính, của Ủy ban chứng khoán và các Bộ chủ quản khác, thì chúng ta lại đưa vào tăng cường thêm chức năng quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng lại khôi hài nữa là tại Điều 2, luật hiện hành quy định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan của Chính phủ. Theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ, cơ quan của Chính phủ chỉ có 2 cơ quan, đó là Bộ và cơ quan ngang Bộ thì chúng ta lại nói cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, chẳng lẽ lại có cơ quan ngang Bộ của Tòa án hay của Quốc hội à? Cho nên việc tăng cường chức năng quản lý Nhà nước và vị trí quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước là trái với chủ trương lớn của Đảng.

Thứ hai, quy định của dự thảo mâu thuẫn với các dự án luật khác là Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, như đồng chí Nga đã nói rồi, vậy chúng ta có bỏ Điều 163 tội cho vay lãi nặng không với định hướng xã hội chủ nghĩa và chúng ta sẽ xử lý như thế nào với quy định tại Điều 174 và Điều 176 của Bộ luật dân sự. Hay lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chỉ có liên quan đến các giao dịch của các tổ chức tín dụng, còn liên quan đến các giao dịch dân sự thì được điều chỉnh bằng pháp luật nào? Trong khi đó chúng ta biết tình hình thế giới hiện nay vai trò của lãi suất cơ bản đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ta cứ tưởng tượng rằng bây giờ nếu bỏ lãi suất cơ bản, bỏ cả quy định về Ngân hàng Nhà nước xác định tỷ giá hối đoái của đồng tiền Việt Nam, thì giá đô la ngày hôm nay không phải là 18, 19 mà có thể nó đã lên đến 25, 30 rồi. Vậy vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành kinh tế vĩ mô là thế nào?

Thứ ba, về thẩm quyền trong việc quyết định chính sách tiền tệ thì chúng ta lại làm lu mờ đi thẩm quyền của Quốc hội hơn nữa trong việc thực hiện chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ có rất nhiều nội hàm, trong đó có 5 nội hàm rất cơ bản thì trong này chúng ta lại bỏ quy định mà quy định này là Hiến định, không phải là luật, chúng ta lại bỏ quy định Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ, thay vào đó là Quốc hội quyết định mức lạm phát định hướng trong từng thời kỳ là cái gì? Phải chăng chính sách tiền tệ chỉ có mỗi cái này? Tôi cho rằng nếu chúng ta không sửa thêm được gì thẩm quyền của Quốc hội trong việc Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ, thì tôi đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành.

Trong dự thảo luật lại bỏ chức năng của Chủ tịch nước liên quan đến việc ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến tiền tệ, tín dụng ngân hàng. Điều này không được, tất cả những điều ước này đối với thế giới đều liên quan đến chính sách tiền tệ và đều liên quan đến việc hoạch định vĩ mô của nền kinh tế vĩ mô, cho nên chúng tôi đề nghị giữ lại.

Về hội đồng chính sách tiền tệ, tôi đề nghị:

Một, giữ nguyên như trong luật hiện hành, hai là bỏ và Hội đồng chính sách tiền tệ, tài chính tiền tệ quốc gia này sẽ được thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ là sẽ tham mưu cho Thủ tướng. Còn không thành lập Hội đồng chính sách tiền tệ trong ngân hàng, bởi vì nếu chúng ta thành lập hội đồng đó thì sẽ tạo ra một cơ chế tập thể và không rõ ràng về trách nhiệm.

Hai, Thống đốc có cả một bộ máy tổ chức của ngân hàng Nhà nước để tham mưu cho thống đốc, rồi cho nên không nhất thiết cần phải thành lập.

Ba, nó sẽ phình tùy tiện bộ máy của ngân hàng Nhà nước.

Về các biện pháp can thiệp của ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng thì trong này tôi không liệt kê ra nhiều, nhưng ít nhất là có rất nhiều những cái ví dụ trong trường hợp nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tín dụng hoặc trong trường hợp diễn biến bất thường. Tôi đề nghị tất cả những trường hợp này đều phải có tiêu chí là tiêu chí đó phải được cụ thể trong luật. Không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của ngân hàng Nhà nước. Những tiêu chí về nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống tín dụng và diễn biến bất thường và nhiều các tiêu chí khác ở trong này, tôi đề nghị là phải quy định trực tiếp ngay trong luật này những tiêu chí làm căn cứ để ngân hàng Nhà nước can thiệp vào các tổ chức tín dụng.

Cuối cùng là chế độ ưu đãi đặc thù đối với cán bộ, công chức ngân hàng Nhà nước thì tôi nghĩ rằng rất nhiều đại biểu đã phát biểu rồi, nhưng tôi thử hỏi rằng các cán bộ quản giáo làm ở những trại giam, các nhà tù với 30-40 năm và người ta ở những nơi cách đường cái hàng trăm ki lô mét thì người ta có được những chế độ ưu đãi đặc thù hay không? Hay chỉ có cán bộ ngân hàng và rất nhiều cán bộ tư pháp rồi các cán bộ khác rất đặc thù thì tôi đề nghị không nên quy định chính sách đặc thù đối với cán bộ, công chức ngành ngân hàng và được thực hiện chung theo quy định của Luật cán bộ, công chức. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan