Góp ý của Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm – Thái Bình

Thứ Ba 09:14 17-11-2009

Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi đánh giá rất cao Ban soạn thảo đã có tổng hợp ý kiến rất rộng rãi, đã có chuẩn bị tài liệu rất nhiều và đã có những thông tin quốc tế rất đầy đủ. Tôi rất đồng tình với nội dung thẩm định của Uỷ ban Kinh tế đã nêu vấn đề cần thảo luận và đang nổi lên rất chính xác và có địa chỉ, đồng thời quan điểm xử lý giải quyết rất rõ ràng, dứt khoát. Những nội dung sửa đổi lần này trên cơ sở những chuẩn bị như thế, có tốt hơn, sửa được nhiều điều hơn so với lần sửa năm 2003. Nhưng so với tinh thần các Nghị quyết đặc biệt là Nghị quyết đại hội X và Thông báo của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngân hàng năm 2010 đến 2020 với những nội dung chủ yếu chỉ đạo khi sửa luật này. Trong Nghị quyết Đại hội X có nêu sửa đổi Luật ngân hàng Nhà nước theo hướng nâng dần trách nhiệm và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Trong Thông báo của Bộ Chính trị cũng nói tổ chức lại Ngân hàng Nhà nước với cơ cấu và thiết chế như một Ngân hàng Trung ương hiện đại, hoạt động theo cơ chế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nếu theo hai tinh thần đó thì việc sửa lần này của chúng ta tiến bộ chưa được bao nhiêu, kể cả trong việc giải quyết tinh thần theo Nghị quyết cũng như giải quyết những mắc mớ, trục trặc tồn tại trong việc điều hành chính sách tiền tệ vừa qua, kể cả về phía Quốc hội, về phía Chính phủ và về phía Ngân hàng Nhà nước. Nhưng với một thực tế hiện nay chúng ta đang phải đối phó là cuộc khủng hoảng tài chính lan sang suy giảm kinh tế thế giới đã tác động rất nhiều vào nền kinh tế đất nước chúng ta và tạo nên một xu thế trên thế giới cũng như các quốc gia trong đó có chúng ta là phải kiểm soát chặt chẽ hơn, phải có sự quản lý tốt hơn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, qua cuộc chống lạm phát và suy giảm kinh tế vừa qua của đất nước chúng ta, việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là điều hành của Chính phủ đã có những quyết sách, đã có những chỉ đạo tương đối tập trung, sát và hiệu quả đối với thực thi chính sách tiền tệ. Hai thực tế đó cho nên tôi nhận thức mặc dù Nghị quyết chúng ta nêu một đường dài như thế nhưng tình hình thực tế đòi hỏi chúng ta phải có bước đi thận trọng hơn. Cho nên việc sửa những nội dung lần này chúng tôi thấy như thế là hợp lý và chúng ta cũng chỉ tiến ở mức như thế thôi. Chắc chắn rằng sẽ còn những lần sửa tiếp để tiến tới đạt được những tinh thần của nghị quyết và giải quyết triệt để những trục trặc mắc mớ trong điều hành của chúng ta. Từ phân tích đó chúng tôi thấy những vấn đề soạn thảo của dự thảo lần này cơ bản được và hợp lý, còn 4 vấn đề nổi lên của Ủy ban Kinh tế nêu ra chúng tôi thấy phải được nghiên cứu một cách rõ hơn, sâu hơn và tốt hơn vì đây là lần thông qua lần đầu, còn một thời gian để chúng ta chuẩn bị cho thông qua việc quyết định. Tinh thần giải quyết những vấn đề nổi lên mà Ủy ban Kinh tế đã đề ra theo tôi phải đạt được hai mục tiêu và xử lý việc này cũng phải đạt được hai mục tiêu:

Một, là tiến nhanh, tiến gần, tiến sát việc thực hiện các nghị quyết Đại hội X và thông báo của Bộ chính trị về chiến lược ngân hàng.

Thứ hai, phải giải quyết một cách cơ bản và có thể là triệt để thì càng tốt những mắc mớ, giật cục không thông thoáng trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay, kể cả việc phân công, phân nhiệm, kể cả việc trách nhiệm, thời hạn. Từ phân tích đó tôi xin đề nghị tư tưởng chỉ đạo của 4 vấn đề và nội dung cần chuẩn bị tiếp của 4 vấn đề mà Ủy ban kinh tế đã nêu lên, kể cả làm rõ, kể cả bổ sung, kể cả chỉnh sửa lại câu chữ.

Thứ nhất, địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước, theo tôi trong tình hình hiện nay ghi như thế là hợp lý, nhưng đề nghị làm rõ và cụ thể quyền hạn trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định sức mua đồng tiền.

Thứ hai, là sức mua đồng tiền phải được phân định rõ là sức mua của đồng tiền không thể tính bằng năm, nó có thời hạn trung hạn, dài hạn tùy theo tình hình của chúng ta đặt ra, khống chế và yêu cầu chỉ đạo. Chúng ta cần có định hướng, phân hạn quyền hạn cho các cơ quan làm định hướng cũng như giao cho các cơ quan thực thi điều hành cụ thể có nội dung, có mức độ và quyền hạn. Vì sức mua của đồng tiền không ai có thể tính năm nay thế này, sang năm thế khác, ngay mà còn có rất nhiều chính sách, rất nhiều yếu tố, rất nhiều điều kiện chi phối để tạo ra sự ổn định hay không ổn định của sức mua đồng tiền.

Vấn đề thứ hai, phân định quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ. Trên cơ sở phân tích của Ban dự thảo cũng như của Uỷ ban Kinh tế, tôi thấy việc chỉnh sửa lần này phải tách được vai trò lập pháp của cơ quan Quốc hội, vai trò điều hành của Chính phủ và vai trò tham mưu thực hiện của Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt phải rất chú ý đến quyền hạn, trách nhiệm, điều kiện để Ngân hàng Nhà nước đảm bảo thực thi, tham mưu cũng như triển khai cụ thể, khi có những định hướng đã được quyết định.

Một điểm nữa, trong luật lần này có một điểm mới là quyền hạn của Hội đồng quản trị độc lập, nên làm rõ tiêu chuẩn, mức độ và phạm vi của đơn vị này.

Vấn đề thứ ba, về quản lý của Ngân hàng Nhà nước về mua bán ngoại tệ, quản lý nhân sự, tạm ứng tiền cho ngân sách v.v.... Tất cả những vấn đề về nghiệp vụ, những vấn đề có tính chất cụ thể, tôi đề nghị khi đưa vào luật chú ý nêu rõ phạm vi, nêu rõ quyền hạn và điều kiện của Ngân hàng Nhà nước theo tinh thần nới lỏng ra, kiểm soát chặt.

Vấn đề thứ tư, về bảo hiểm tiền gửi, nếu không đưa ra ngoài luật này quy định về tiền gửi vì chúng ta có Luật bảo hiểm tiền gửi đã được ghi trong chương trình và sẽ được trình Quốc hội trong thời gian tới. Cần phải ghi vào đây một điều, nên ghi điều ấy gọn lại theo chức năng quản lý của nhà nước về những vấn đề bảo hiểm tiền gửi, hoạt động có liên quan đến việc thực thi chính sách tiền tệ để đảm bảo tính chất và vai trò quản lý. Tất cả những nội dung nghiệp vụ, những vấn đề cụ thể nên nhường cho Luật Bảo hiểm. Xin hết.

Các văn bản liên quan