Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo – Kiên Giang

Thứ Ba 09:12 17-11-2009

Kính thưa Đoàn Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Trong 7 chương 69 điều của dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước thì tôi cơ bản đồng tình với 5 chương tức là từ Chương III cho đến Chương VII. Riêng Chương 1 và Chương II tôi xin có một số ý kiến như sau:

Trước hết, nói đến một văn bản quy phạm pháp luật trong một đạo luật thì cần phải tuân thủ tính hợp hiến, hợp pháp thống nhất đồng bộ, không chồng chéo, không phủ định lên nhau. Đối với dự án này tôi thấy là cần phải xem xét lại như quy định tại Điều 5 của dự thảo trái với Hiến pháp. Cho nên tôi đề nghị là phải sửa lại như đề nghị của cơ quan thẩm tra đó là Ủy ban Kinh tế chứ không thể để như dự thảo.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến tổ chức bộ máy tức nói địa vị pháp lý của ngân hàng nếu quy định như tại Điều 2 thì cũng không phù hợp. Bởi lẽ nếu như trong Nghị quyết của Quốc hội về các cơ quan của Chính phủ, thành viên của Chính phủ là bộ, cơ quan nganh bộ chưa có ngân hàng thì soạn thảo như dự thảo luật này là đúng. Nhưng tại Nghị quyết của Quốc hội Khóa XII, sau khi lập bộ lại, đã xác định Chính phủ có bao nhiêu bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó có ngân hàng, tại Điều 2 chúng ta lại xác định lại thì sẽ chồng chéo, thừa.

Một điểm nữa là tính đồng bộ, nguyên tắc về tính thống nhất ở đây là không đảm bảo yêu cầu, hiện nay bộ và các cơ quan ngang bộ sau khi được xác định trong Nghị quyết của Quốc hội rồi, thì được thể hiện ở các nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ trong đó, đặc biệt là về tổ chức bộ máy, nhưng ở đây Luật ngân hàng lại ăn cả hai mang, vừa ở văn bản này, vừa ở văn bản kia. Để có thể nói tất cả những gì có lợi nhất cho ngân hàng là được thu hút vào đây, như vậy là cũng không đúng nguyên tắc xây dựng pháp luật, cũng như công bằng chung của xã hội cho nên đề nghị phải xem lại. Theo tôi có thể bỏ hết Chương II, luật này đúng nghĩa của nó chỉ là Luật hoạt động về ngân hàng, chứ không phải có cả tổ chức và hoạt động ngân hàng. Sau quy định ở Điều 2 thì đến Điều 9 nói về tổ chức của ngân hàng và lại xác định lại địa vị của thống đốc ngân hàng ở Điều 10, cán bộ công chức ở Điều 11, tầm cỡ như Điều 11 chỉ là nghị định của Chính phủ. Đó là vấn đề thứ nhất tôi đề nghị phải nghiên cứu để chỉnh sửa, hoàn thiện lại, theo tôi nên bỏ hết quy định ở Chương II.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến bảo hiểm tiền gửi, cũng như đại biểu Lê Văn Cuông đoàn Thanh Hóa phát biểu, tôi xin khẳng định lại bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính đặc biệt được Chính phủ thành lập với mục đích là để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện nay với hơn 10 triệu người cần được bảo hiểm về tiền gửi thì việc này phải hết sức coi trọng. Một vấn đề quan trọng trong bảo hiểm tiền gửi ở đây liên quan đến tính minh mạch của các ngân hàng, vì vậy cho nên tổ chức này phải độc lập, chứ không thể nào nằm vào trong ngân hàng. Nhưng hiện nay trong dự thảo này thuộc ngân hàng như một công ty, một doanh nghiệp của ngân hàng như vậy không phù hợp. Hiện nay trên thế giới thì hầu như không còn mô hình bảo hiểm tiền gửi thuộc ngân hàng Trung ương, cho nên tôi đề nghị phải đưa phần quy định về bảo hiểm tiền gửi ra khỏi dự án Luật này. Và đề nghị sớm cho triển khai Luật bảo hiểm tiền gửi theo chu trình xây dựng Luật pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan