Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Anh – TP Hà Nội

Thứ Ba 09:11 17-11-2009

Kính thưa Đoàn Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi bày tỏ quan điểm sự cần thiết phải sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng như bày tỏ sự nhất trí đối với nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Để góp phần hoàn thiện dự án luật, tôi xin có một số ý kiến góp ý sau đây:

Thứ nhất, về chính sách tiền tệ quốc gia Điều 4 dự án luật. Quy định như Điều 4 dự án luật mới chỉ làm rõ được mục đích của chính sách tiền tệ quốc gia nhằm ổn định giá trị đồng tiền góp phần ổn định kinh tế vĩ mô chứ chưa làm rõ chính sách tiền tệ quốc gia là một bộ phận của chính sách kinh tế Nhà nước là gì, vì vậy dẫn đến việc không thống nhất giữa Điều 4 và Điều 5 của dự án luật. Điều 4 quy định chính sách tiền tệ quốc gia là một bộ phận chính sách kinh tế của Nhà nước, trong khi đó Điều 5 với tiêu đề quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia và chỉ đề cập đến mức lạm phát và chỉ tiêu lạm phát. Theo quy định của Điều 4 thì chính sách tiền tệ quốc gia không chỉ đơn thuần là mức lạm phát và chỉ tiêu lạm phát mà phải có nội dung rộng hơn. Chính sách tiền tệ quốc gia gắn liền với hoạt động phát hành tiền tệ kiểm soát việc lưu thông tiền tệ trên thị trường, nội dung và chính sách tiền tệ bao gồm các biện pháp bảo đảm cung ứng tiền tệ cho nền kinh tế, kiểm soát lạm phát nhằm ổn định giá trị đồng tiền và góp phần ổn định kinh tế. Vì vậy tôi đề nghị sửa lại Điều 4 như sau: Chính sách tiền tệ quốc gia, một bộ phận của chính sách kinh tế của Nhà nước và các biện pháp bảo đảm cung ứng kiểm soát việc lưu thông tiền tệ trên thị trường nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, Điều 5 với tiêu đề là thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, quy định như dự án luật không bảo đảm cho Quốc hội thực hiện đúng quyền hạn như Hiến pháp năm 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001 đã quy định. Khoản 4, Điều 84 Hiến pháp năm 1992 quy định là Quốc hội quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, để tránh trùng lặp dự án luật có thể không nhắc lại quy định của Hiến pháp, tuy nhiên cần phải cụ thể hóa thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia của Quốc hội, đồng thời cần phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước khác như Chủ tịch nước, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Như tôi đã trình bày phần 1, nói một cách ngắn gọn chính sách tiền tệ quốc gia là những biện pháp kiểm soát lượng tiền lưu thông trên thị trường thì có hai phương pháp kiểm soát.

Một, là kiểm soát việc phát hành tiền và hai là kiểm soát thông qua việc ấn định chỉ tiêu giám sát việc kết quả thực hiện chỉ tiêu như chỉ tiêu lạm phát, chỉ tiêu tăng trưởng GDP, chỉ tiêu về cán cân thu chi ngân sách v.v.... Theo quy định pháp luật hiện hành của nước ta, Quốc hội quyết định các biện pháp thuộc công thức thứ hai, điều này cũng phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới. Vì vậy Quốc hội cần phải quyết định định mức và chỉ tiêu lạm phát không phải chỉ trong từng thời kỳ mà phải là hàng năm. Cho nên tôi đề nghị Ban soạn thảo sửa lại tiêu đề của Điều 5 là quyết định và tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia như quy định tại Điều 3 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 và cũng sửa lại nội dung của Điều 5 theo hướng giữ nguyên như quy định của Điều 3 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1997 và có bổ sung thêm quyền hạn, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thứ ba, về vị trí, chức năng của Ngân hàng Nhà nước thì như ý kiến của đại biểu Trần Đình Long đã phát biểu trước tôi, tôi không nhắc lại.

Thứ tư, về lãi suất, Khoản 1, Điều 15 của dự án luật tôi nhất trí với ý kiến của các đại biểu phát biểu trước tôi là đại biểu Nga, đại biểu Cuông thì cần bổ sung thêm về quy định lãi suất cơ bản và lý do thì đại biểu Nga đã phân tích hết sức sâu sắc nên tôi không đề cập đến nữa. Tuy nhiên, tôi đề nghị Ban soạn thảo, cần phải làm rõ các loại lãi suất điều hành khác là những loại lãi suất nào? Có phải là lãi suất thị trường mở, lãi suất liên ngân hàng hay là lãi suất thanh toán bù trừ, quy định như dự án luật sẽ không bảo đảm yêu cầu tăng cường khả năng giám sát của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động Ngân hàng Nhà nước, mặt khác không đảm bảo cho các tổ chức tín dụng, khả năng chủ động trong quan hệ với Ngân hàng Nhà nước cũng như trong quan hệ với khách hàng.

Thứ năm, về chính sách đối với cán bộ công chức của ngành ngân hàng, Điều 11 của dự án luật tôi đề nghị không đưa điều này vào trong dự án luật, bởi lẽ cũng như cán bộ công chức khác trong các ngành, các lĩnh vực khác của nền kinh tế, của đời sống xã hội thì ngoại trừ lực lượng vũ trang, công an và quân đội thì cán bộ Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải được đối xử bình đẳng như các cán bộ trong các ngành, lĩnh vực khác theo quy định của Luật cán bộ, công chức. Được đưa vào dự án Luật quy định này sẽ tạo tiền lệ cho các dự án Luật khác có những quy định không thống nhất với quy định của Luật cán bộ, công chức.

Cuối cùng ở Điều 69 hướng dẫn thi hành thì tôi đề nghị để bảo đảm phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bỏ quy định là hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của luật này để đáp ứng những yêu cầu quản lý Nhà nước. Xin cám ơn. Xin hết.

Các văn bản liên quan