Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Đình Long – Đắc Lắk

Thứ Ba 09:10 17-11-2009

Kính thưa quý vị đại biểu,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia vào dự thảo Luật 2 vấn đề: Một là vị trí chức năng của ngân hàng Nhà nước. Hai là quyết định chính sách tiền tệ.

Một, về vị trí chức năng của ngân hàng Nhà nước tại Điều 2 dự thảo Luật quy định ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ, là ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng ngoại hối, bảo hiểm tiền gửi, thực hiện chức năng của ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước quy định tại Điều 6 gồm 28 khoản tương ứng với 28 nhóm công việc và được quy định cụ thể tại Chương III có 6 mục, 33 điều và còn nhiều chương, điều khác có liên quan đến chức năng, quyền hạn của ngân hàng Nhà nước.

Qua nghiên cứu dự thảo tôi nhận thấy hiểu theo nghĩa quy định tại Khoản 3, Điều 2 thì Ngân hàng Nhà nước vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương. Nếu hiểu theo Khoản 1, Điều 2 thì Ngân hàng Nhà nước là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như vậy chỉ có một chức năng là ngân hàng Trung ương, do đó không thể là cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan ngang Bộ được.

Tôi đề nghị quy định rõ ràng chức năng của Ngân hàng Nhà nước và chức năng của Ngân hàng Trung ương, trên cơ sở đó có quy định cơ cấu tổ chức tương ứng với chức năng của từng lĩnh vực. Có thể có Ngân hàng Nhà nước, có thể có Ngân hàng Trung ương hoặc chuyển giao toàn bộ chức năng quản lý nhà nước cho Bộ Tài chính.

Về chính sách tiền tệ quốc gia, tôi nhất trí với mục tiêu tiền tệ quốc gia quy định tại Điều 4 của dự thảo luật, nhưng về nội dung chính sách như thế nào, ai có thẩm quyền quyết định thì tôi thấy như sau:

Theo quy định tại Điều 84, Hiến pháp 92 và Điều 2 của Luật tổ chức Quốc hội quy định: "Quốc hội quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia". Điều 112 Hiến pháp và Điều 5 của Luật tổ chức Chính phủ quy định "Chính phủ thực hiện chính sách tài chính tiền tệ". Điều 9 và Điều 19 của Luật tổ chức Chính phủ quy định "Chính phủ quyết định chính sách cụ thể, các biện pháp về tài chính tiền tệ. Chính phủ thảo luật và biểu quyết theo đa số chính sách cụ thể về tài chính tiền tệ".

Như vậy theo Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ quy định chức năng, quyền hạn quyết định và thực hiện chính sách tiền tệ đã rõ. Nhưng Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành, cũng như dự thảo luật này quy định chưa rõ nội dung chính sách tiền tệ và thẩm quyền của các cơ quan. Tại Chương III dự thảo Luật quy định hoạt động của ngân hàng Nhà nước, những chính sách đó có nội dung như thế nào chưa được quy định. Tôi hiểu Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ không chỉ là quyết định mức lạm phát định hướng từng thời kỳ như Khoản 1, Điều 5 mà Quốc hội phải quyết định những chính sách đó ngay trong Luật này. Tôi xin nêu cụ thể một số điểm trong dự thảo Luật như sau.

Một, về phát hành tiền như Mục 2 Chương III dự thảo Luật cần được quy định cụ thể về căn cứ, về điều kiện để phát hành tiền kể cả việc thiết kế, in đúc, chất liệu làm tiền, mệnh giá, hình ảnh đồng tiền và phải tiến hành theo một quy định cụ thể.

Hai, là tái cấp vốn cho vay Điều 14 và Điều 27, tôi thấy phải quy định nguồn vốn của ngân hàng Nhà nước để tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng vay, trong đó cần quy định cụ thể có được phát hành tiền để tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng hay không? Khác với trước đây chỉ có một vài ngân hàng, tổ chức tín dụng Nhà nước nhưng hiện nay có hàng trăm tổ chức ngân hàng kể cả chi nhánh ngân hàng của nước ngoài ở Việt Nam, tổ chức tín dụng nào được tái cấp vốn theo Khoản 2 Điều 14 của dự thảo Luật thì tất cả đều do ngân hàng Nhà nước quy định và do đó tôi nghĩ rằng đó là nghiệp vụ hay là chính sách, cần phải xác định rõ.

Ba, về lãi suất, dự thảo Luật lần này bỏ lãi suất cơ bản và tôi nhất trí như ý kiến của đồng chí Lê Thị Nga vừa phát biểu, thay vào đó là công bố lãi suất tái cấp vốn và các lãi suất điều hành khác. Tôi thấy lãi suất tái cấp vốn chỉ có áp dụng cho các tổ chức tín dụng được vay và công bố thì cũng tốt nhưng không có ý nghĩa gì đối với xã hội. Bởi vì các tổ chức tín dụng không chỉ vay của ngân hàng Nhà nước về cho vay lại mà còn có nhiều nguồn khác và các hoạt động của nhân dân tham gia vào hoạt động tín dụng ngân hàng, do đó không có gì ràng buộc hoặc là khuôn khổ pháp lý để tuân theo cả. Còn lãi suất điều hành khác là lãi suất gì trong dự thảo luật chưa rõ. Tôi thấy bỏ lãi suất cơ bản là bỏ biện pháp kiểm soát lãi suất tín dụng của Nhà nước, cần phải có biện pháp hữu hiệu khác để thay thế hoặc không bỏ lãi suất cơ bản.

Bốn, về quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối. Điều 34 dự thảo luật quy định việc quản lý và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện theo pháp luật. Hiện nay chúng ta có Pháp lệnh ngoại hối và cũng đã được thực hiện qua nhiều năm, nhưng cũng có nhiều vấn đề Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành quy định không thể áp dụng được như pháp lệnh. Do vậy tôi đề nghị quy định đầy đủ vấn đề quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối trong luật này.

Về hoạt động ngoại hối cần quy định rõ việc sử dụng ngoại hối trên thị trường Việt Nam hiện nay như là việc mua bán hàng hóa, khách sạn, nhà hàng thanh toán bằng ngoại tệ. Đây là vấn đề không chỉ là thị trường tiền tệ mà còn là vấn đề chủ quyền quốc gia.

Về quản lý dự trữ ngoại hối, Nhà nước cũng cần quy định cụ thể nguồn hình thành ngoại hối, quỹ ngoại hối, sử dụng dự trữ ngoại hối và thẩm quyền quyết định những vấn đề đó. Đồng thời cũng phải xem vàng có phải là ngoại hối không vì nó không phải là phương tiện thanh toán quốc tế.

Năm, tỷ giá hối đoái và giá trị của đồng tiền Việt Nam không chỉ là giá trị thanh toán mà còn là uy tín quốc gia, một đất nước mà có đồng tiền thấp kém hơn cả những nước có nền kinh tế thấp hơn ta là vấn đề phải suy nghĩ, phải có chiến lược lâu dài. Trên đây là một số ý kiến tôi xin tham gia, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan