Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông – Thanh Hoá

Thứ Ba 09:08 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin được tham gia vào 4 vấn đề của dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trước hết về lãi suất cơ bản tôi nhất trí với ý kiến của đại biểu Lê Thị Nga, vừa qua trước khi ngân hàng Nhà nước quyết định về lãi suất cơ bản thì tình hình huy động của các ngân hàng phải nói là chạy đua làm cho rối loạn cả vấn đề hoạt động của các ngân hàng và làm cho cử tri hoang mang trong vấn đề vay và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Nhưng khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định về lãi suất cơ bản thì tình hình nó đi vào ổn định và có thể nói hạ dần đến nay nó đi vào ổn định, cho nên đã có một thực tiễn về vấn đề này, nhưng tại sao trong dự thảo luật lại bỏ ra không đề cập đến. Việc không đề cập đến thì nó ảnh hưởng không những về mặt kinh tế mà ảnh hưởng về các bộ luật khác như đại biểu Lê Thị Nga đã đề cập. Cho nên đề nghị với Ban soạn thảo giải trình cụ thể lý do như thế nào mà lại đưa lãi suất cơ bản ra khỏi dự án luật. Thứ hai, chúng tôi kiến nghị Quốc hội xem xét nên đưa vấn đề này trong dự án Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi lần này.

Vấn đề thứ hai, về Khoản 1, Điều 5, dự thảo luật quy định Quốc hội quyết định mức lạm phát định hướng từng thời kỳ. Theo quy định của Hiến pháp cũng như Luật tổ chức Quốc hội thì Quốc hội quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, vai trò của Quốc hội trong vấn đề này hết sức quan trọng nhưng dự án luật đề cập đến vấn đề chung chung có định hướng từng thời kỳ như thế thì chúng tôi thấy vai trò của Quốc hội nó đang còn mờ nhạt, cho nên cần phải cụ thể hóa vấn đề này, tức là Quốc hội quyết định vấn đề gì phải quy định cụ thể trong luật chứ không thể dừng lại khái niệm là chỉ quyết định mức độ lạm phát định hướng. Nên tôi đề nghị trong quy định cũng như ý kiến của Ủy ban thẩm tra là Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm vào dự án luật. Bởi vì vừa qua hàng năm chúng ta thảo luận về vấn đề này là Quốc hội cân nhắc và quyết định chỉ tiêu này hết sức quan trọng để bên Chính phủ có căn cứ để điều hành. Chính vấn đề này liên quan đến việc ổn định giá trị của đồng tiền Việt Nam, nó tạo niềm tin cho người gửi tiền. Trước đây chúng ta cứ để thả nổi, người ta gửi vào một con trâu nhưng khi rút tiền tiết kiệm ra chỉ còn được một con gà thôi, giá trị đồng tiền bị mất giá cho nên nó ảnh hưởng đến giá cả và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, không đảm bảo được chất lượng cuộc sống. Quốc hội là đại diện cho nhân dân phải nắm rất chắc và quyết định cụ thể về vấn đề này chứ không thể để tình trạng liên tục mất giá đồng tiền, ảnh hưởng kinh tế vĩ mô cũng như ổn định cuộc sống của người dân.

Vấn đề thứ hai, Khoản 11, Điều 6 dự thảo quy định: Ngân hàng Nhà nước được sử dụng vốn pháp định do ngân sách Nhà nước cấp để góp vốn thành lập doanh nghiệp nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước. Tôi không nhất trí với nội dung này, vì không muốn ngân hàng ngày càng sa vào những vấn đề cụ thể trái với Nghị quyết Trung ương 3, Khóa IX là cần tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tập cho công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, không nên "vừa đá bóng, vừa thổi còi", vừa góp vốn vào doanh nghiệp vừa quản lý Nhà nước, như thế là không minh bạch, không rạch ròi, cho nên chỉ tập trung quản lý Nhà nước cho tốt còn chức năng góp vốn thì nên để các đơn vị khác.

Vấn đề thứ ba, về quản lý hoạt động bảo hiểm tiền gửi, dự thảo luật quy định Nhà nước thực hiện quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi, Khoản 3, Điều 2; thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Khoản 11, Điều 6. Tôi không nhất trí bổ sung quy định này vào dự thảo luật với ba lý do sau:

Thứ nhất, là bảo hiểm tiền gửi được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của gửi tiền góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Vì sự phát triển an toàn lành mạnh của hoạt động ngân hàng nên bảo hiểm tiền gửi phải hoạt động độc lập tương đối ngoài hệ thống ngân hàng Nhà nước, hơn nữa đa số các nước trên thế giới đều áp dụng mô hình bảo hiểm tiền gửi độc lập với ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai, là sau gần 10 năm thành lập bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến nay chưa có đánh giá tổng kết về những ưu, nhược điểm của mô hình tổ chức và hoạt động của bảo hiểm tiền gửi hiện nay theo quy định của Nghị định 89 ngày 1-9-1999, Nghị định 109 ngày 24-8-2005 của Chính phủ, Quyết định 218 ngày 9-11-1999, Quyết định 75 ngày 28-6-2000, Quyết định 13 ngày 18-1-2008 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó chưa có cơ sở chắc chắn để quyết định về vị trí pháp lý của bảo hiểm tiền gửi có nên thuộc ngân hàng Nhà nước hay không. Bởi vì chưa có đánh giá tổng kết tự nhiên lần này ghép vào trong đây thì không có cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn để chúng ta có thể yên tâm thống nhất.

Thứ ba, là trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ của Quốc hội Khóa XII có đề cập đến việc xây dựng dự án Luật về bảo hiểm tiền gửi nên đề nghị khi thông qua dự thảo Luật này thì chúng ta sẽ xác định vị trí pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi. Cho nên tôi đề nghị lần này không nên đưa bảo hiểm tiền gửi vào dự án Luật này. Xin cám ơn.

Các văn bản liên quan