Một số ý kiến của Luật gia Vũ Xuân Tiền

Thứ Hai 15:26 29-06-2009

VÀI Ý KIẾN GÓP Ý VÀO DỰ THẢO 4

LUẬT NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

----------------------------------------

                                                         Luật gia Vũ Xuân Tiền Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội

Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn quản lý và đào tạo

   VFAM Việt Nam

 

I-                  NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Trước khi nêu những ý kiến góp ý cụ thể vào từng điều, khoản của dự thảo luật, xin được nêu hai vấn đề tổng hợp có ý nghĩa quan trọng hơn cả, đề xuất ý kiến và đề nghị hội thảo trao đổi, Ban soạn thảo cho ý kiến giải thích.

Vấn đề thứ nhất: Vì sao chúng ta không xây dựng một Luật Ngân hàng Trung ương Việt Nam mà vẫn duy trì một Ngân hàng nhà nước Việt Nam “lưỡng tính” như từ trước đến nay?

Ở rất nhiều quốc gia như Trung Quốc,  Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hà Lan, Mexico… đều có Ngân hàng Trung uơng. Ngân hàng Trung ương khác với Ngân hàng Nhà nước ở sự độc lập khá cao với Chính phủ, đó là sự  Độc lập thể chế; Độc lập chức năng; Độc lập tài chính; Độc lập nhân sự. Đặc biệt quan trọng là, việc Ngân hàng Trung ương cấp tài chính trực tiếp cho Chính phủ và các cơ quan công quyền ảnh hưởng trực tiếp đến cung tiền cơ sở, tạo ra những rủi ro lạm phát nghiêm trọng và do vậy cần phải cấm thực hiện.  Chẳng hạn, Điều 29, Luật Ngân hàng nhân dân Trung Quốc quy định: “Ngân hàng nhân dân Trung Quốc không được cung cấp dịch vụ thấu chi cho Chính phủ hoặc bảo lãnh trái phiếu cho Chính phủ và các giấy tờ có giá khác của Chính phủ”. Điều 30 Luật Ngân hàng nhân dân Trung Quốc quy định:“Ngân hàng nhân dân Trung Quốc không được cho chính quyền địa phương và các cơ quan chính phủ các cấp vay tiền…”. Như vậy, nếu hình thành một Ngân hàng trung ương độc lập, việc quản lý chi tiêu công sẽ minh bạch hơn. Ở nước ta trong những năm vừa qua, việc chi tiêu công đã và đang lãng phí, thiếu minh bạch một cách nghiêm trọng. Điều đó được thể hiện qua các báo cáo đã công bố của Kiểm toán Nhà nước qua các năm. Vì vậy, xin đề nghị, xây dựng một Luật  Ngân hàng Trung ương Việt Nam theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Vấn đề thứ hai: Mối quan hệ giữa Ngân hàng nhà nước với Ủy ban giám sát tài chính quốc gia như thế nào?

Uỷ Ban giám sát tài chính quốc gia Việt Nam (UBGSTCQG) được thành lập theo QĐ số 34/2008/QĐ-TTg ngày 03/3/2008 và Quyết định số 79/2009/QĐ-TTg ngày 18/5/2009 của Thủ Tướng Chính Phủ ban hành Qui chế tổ chức và hoạt động của UBGSTCQG đã ghi:UBGSTCQG “có chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ Tướng Chính Phủ trong việc điều phối hoạt động giám sát TTTC quốc gia (NH, CK, BH); giúp TTCP giám sát chung TTTC quốc gia, giám sát hợp nhất hoạt động của các tập đoàn tài chính, giám sát điều kiện được cấp phép hoạt động của các TCTD, tổ chức tài chính hoạt động trong lĩnh vực NH,CK,BH”;..... Với chức năng, nhiệm vụ và vị như vậy, UBGSTCQG là gì trong vai trò “giám sát tài chính quốc gia”? Nêu mối quan hệ giữa Ngân hàng NN và Ủy ban giám sát tài chính quốc gia không được ghi nhận trong Luật NHNN thì khi thực hiện chức năng giám sát, UBGSTCQG có vi phạm luật NHNN không?

II-              NHỮNG GÓP Ý CỤ THỂ

Căn cứ dự thảo 4 Luật NHNN, xin có những góp ý cụ thể sau:

1: Khoản 1 Điều 2 Dự thảo Luật ghi: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Thế nào là Cơ quan ngang Bộ? Cơ quan ngang Bộ khác với cơ quan thuộc Chính phủ ở những điểm nào? Cho đến nay, trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta chưa thấy văn bản nào quy định về cơ quan ngang Bộ. Cơ quan nganh Bộ chỉ là thuật ngữ nói hàng ngày, không phải là ngôn ngữ pháp luật. Đề nghị không sử dụng thuật ngữ này trong văn bản Luật.

2. Điều 4 dự thảo Luật quy định như sau:

“Chính sách tiền tệ quốc gia là một bộ phận của chính sách kinh tế của Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”

Quy định tại Điều 4 quá chung chung vì chỉ nói về tầm quan trọng của Chính sách tiền tệ quốc gia, do đó, có thể bỏ điều này cũng không ảnh hưởng gì. Đề nghị quy định rõ:

-         Chính sách tiền tệ quốc gia là gì?

-         Chính sách tiền tệ quốc gia có những nội dung gì?

-         Ngân hàng nhà nước Việt Nam có trách nhiệm như thế nào trong việc xây dựng Chính sách tiền tệ quốc gia?

3: Điều 5 dự thảo quy định về quyết định và tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia như sau:

1. Quốc hội quyết định định hướng chỉ tiêu lạm phát hàng năm, giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia để đạt định hướng chỉ tiêu lạm phát.

2. Chính phủ quyết định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia nhằm thực hiện định hướng chỉ tiêu lạm phát hàng năm.

3. Ngân hàng Nhà nước xây dựng định hướng chỉ tiêu lạm phát hàng năm để Chính phủ trình Quốc hội quyết định; triển khai các định hướng, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, chủ động sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ và các giải pháp khác để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, đạt định hướng chỉ tiêu lạm phát đã được Quốc hội quyết định.

Đề nghị thay khoản 2 trong dự thảo trên bằng đoạn sau đây trong Điều 3 Luật NHNN hiện hành:

“Chính phủ xây dựng dự án chính sách tiền tệ quốc gia, mức lạm phát dự kiến hàng năm trình Quốc hội quyết định ; tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; quyết định lượng tiền cung ứng bổ sung cho lưu thông hàng năm, mục đích sử dụng số tiền này và định kỳ báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội; quyết định các chính sách cụ thể khác và giải pháp thực hiện”.

4. Đề nghị xem lại quy định tại khoản 1 Điều 11 cần làm rõ: Thống đốc NHNN là quan chức cấp nào? Nếu NHNN là cơ quan ngang bộ của Chính phủ thì phải quy định: Thống đốc NHNN là quan chức ngang Bộ trưởng và ngang với các thành viên của Chính phủ?

5. Về Điều 12:

a) Khoản 1 Điều 12 quy định: “ 1. Việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước về nguyên tắc thực hiện theo các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức”.

Đề nghị bỏ cụm từ “về nguyên tắc”. Nếu có cụm từ này, có nghĩa là, trong thực tế có thể không thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức?

b) Khoản 2 Điều 12 quy định “Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế tuyển dụng, chế độ đãi ngộ, sử dụng cán bộ, công chức của Ngân hàng Nhà nước phù hợp với hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng trung ương”.

Đề nghị làm rõ hơn cụm từ “phù hợp với hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng trung ương”. Phải chăng, các cán bộ, công chức của NHNN vừa là công chức lại vừa không phải là công chức? Phải chăng cần có cơ chế đặc thù đối với cán bộ, công chức của NHNN?

6. Về Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện  chính sách tiền tệ quốc gia

a). Khoản 1 Điều 13, Đề nghị sửa lại là “Thống đốc Ngân  hàng Nhà nước điều hành các công cụ chính sách tiền tệ nhằm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia.

b). Khoản 2 Điều 13 đề nghị quy định rõ hơn nhiệm vụ của NHNN trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Nếu quy định như dự thảo, NHNN chỉ có một nhiệm vụ là “báo cáo  Chính phủ” thì quá đơn giản và không đúng. Cần làm rõ: Nếu mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia không thực hiện được như: giá trị đồng tiền không ổn định, không kiểm soát được lạm phát, dẫn đến không ổn định kinh tế vĩ mô thì ai chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào?

7.Về Điều 21 Phát hành tiền giấy, tiền kim loại

Đề nghị quy định rõ:  Phát hành tiền giấy, tiền kim loại theo những nguyên tắc nào? Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định việc phát hành  để tránh tình trạng in tiền để tiêu khi thu – chi khi ngân sách bị thiếu

 8. Điều 30. Tạm ứng cho Ngân sách nhà nước

Đề nghị không sử dụng từ tạm ứng mà phải là cho vay và bỏ cụm “Trường hợp khoản tạm ứng không được hoàn trả trong năm ngân sách, Bộ Tài chính có trách nhiệm báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định”. Quy định dự thảo là quá dễ dãi trong việc ứng tiền để tiêu, tạo ra sự đã rồi để UBTV Quốc hội xử lý).

9 Điều 33. Tổ chức, quản lý, giám sát các hệ thống thanh toán

1. Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc quản lý, giám sát nhằm bảo đảm các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế vận hành an toàn, hiệu quả.

2. Ngân hàng Nhà nước tổ chức, quản lý, vận hành hệ thống thanh toán liên ngân hàng.

Khoản 2 Điều này có thừa không? Vì hệ thống thanh toán liên ngân hàng nằm trong “Các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế” tại khoản 1. Nếu hệ thống thanh toán liên ngân hàng có những đặc thù riêng thì cần quy định cho đặc thù riêng đó, chẳng hạn, sự kết nối trong hệ thống thanh toán giữa các ngân hàng với nhau phải thực hiện theo nguyên tắc nào? Phải đáp ứng những yêu cầu gì?

10. Về Quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước

a). Khoản 1 Điều 37: Đề nghị xem lại: Vàng do NHNN quản lý có được coi là ngoại hối không vì  Vàng ở quốc gia nào cũng là vàng với các tiêu chuẩn như nhau.

b). Khoản 3 Điều 37: Đề nghị xem lại: Quốc hội hay Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng Dự trữ ngoại hối Nhà nước? 

11. Về Điều 42. Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động thông tin

Đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 42 về nội dung công bố kịp thời cho công chúng  “e) Các dự báo quan trọng liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như: Lãi suất tiền vay, tỷ giá hối đoái, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng…”.

12. Đề nghị sửa lại Điều 44 như sau:

Điều 44. Thống kê, phân tích, dự báo tiền tệ 

44.1 Ngân hàng Nhà nước tổ chức thống kê, thu thập thông tin về kinh tế, tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong và ngoài nước;

44.2. Nghiên cứu, phân tích và dự báo diễn biến tiền tệ nhằm xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia và cung cấp thông tin cho hoạt động sản xuất kinh doanh;

13. Điều 58. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

Khoản 1 Điều 58 cần làm rõ:

- Nếu Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng là cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước thì hoạt động của chính NHNN ai sẽ thanh tra, giám sát? Có hay không tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi với quy định này?

- Vì vậy, đề nghị có thêm một điều khoản quy định về quan hệ giữa NHNN với Ủy ban giám sát tài chính quốc gia.

                                                  ---------------------------------------------

Các văn bản liên quan