15 vấn đề góp ý của Luật gia Vũ Xuân Tiền

Thứ Hai 15:24 29-06-2009

MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP Ý VÀO DỰ THẢO

LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

---------------------------

Luật gia Vũ Xuân Tiền

Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn quản lý và đào tạo VFAM Việt Nam

 

1.      Về đối tượng điều chỉnh:

a) Ngân hàng là một tổ chức tín dụng. Vậy, tại sao lại phân biệt: Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài?)

b). Luật nên điều chỉnh tổ chức, hoạt động của các TCTD và hoạt động ngân hàng của tổ chức khác, vì trên thực tế vẫn còn một số tổ chức khác không phải là TCTD thực hiện một số dịch vụ ngân hàng, chẳng hạn các quỹ tiết kiệm Bưu điện..

c). Nên đưa loại hình NHCS, NHPT vào phạm vi điều chỉnh để đảm bảo tất cả các loại hình TCTD đều chịu sự điều chỉnh chung của Luật. Luật chỉ nên giao Chính phủ căn cứ vào các quy định của Luật để quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của các NH này

2. Khoản 2 Điều 3 có quy định: “… những nội dung về thành lập, tổ chức, quản lý mà Luật này không quy định thì các quy định có liên quan của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã sẽ được áp dụng”.

Đề nghị ghi rõ những nội dung nào sẽ được áp dụng theo Luật DN, Luật HTX để tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thi hành Luật.

3. Những nội dung tại Điều 4.

a). Khoản 2 Điều 4 Ngân hàng: Đề nghị bỏ cụm từ “ Có thể” và bổ sung thêm: Ngân hàng phát triển Việt Nam.Như vậy, khoản 2 Điều 4 sẽ sửa lại là: “ Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện tất cả hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng phát triển và các loại hình ngân hàng khác.

b) Khoản 10. Giấy phép. Đề nghị bỏ Giấy phép thành lập vì việc thành lập hay không thành lập TCTD là thuộc quyền của các chủ sở hữu. Ngân hàng NN chỉ cấp Giấy phép hoạt động, đó là một trong những điều kiện kinh doanh của TCTD.

c) Tiết d, khoản 30 về Người có liên quan đề nghị bổ sung thêm đối tượng con dâu, con rể của những người này.

4. Về Điều 5. Sử dụng các thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng

“Các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính” hoặc các thuật ngữ khác…” Đề nghị làm rõ hơn về “các thuật ngữ khác” ?

5. Khoản 3 Điều 10

“3. Từ chối việc điều tra, phong toả, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”.

Về cụm từ “yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” đề nghị làm rõ: của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong điều tra, xét xử các vụ án có liên quan.

6. Điều 15. Cơ sở dữ liệu thông tin dự phòng

Đề nghị bỏ Khoản 2 Điều 15 của Dự thảo Luật và quy định rõ  Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức tín dụng không nhận tiền gửi của cá nhân, tổ chức vẫn phải xây dựng cơ sở dữ liệu dự phòng tuỳ thuộc vào quy mô tổ chức, theo hướng dẫn của NHNN.

7. Về Điều 18. Thẩm quyền cấp Giấy phép của Ngân hàng Nhà nước

NHNN không thể cấp giấy phép thành lập đồng thời là giấy phép kinh doanh cho các TCTD.Giấy phép của NHNN chỉ được coi là chứng nhận đủ điều kiện để doanh nghiệp được hoạt động trong ngành ngân hàng (trừ giấy phép mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài, mở văn phòng đại diện), còn thủ tục thành lập và cấp giấy phép kinh doanh phải được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp.

8. Về Điều 20: Điều kiện cấp Giấy phép

Tiết b, Khoản 1:  Đề nghị quy định cụ thể điều kiện đối với cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập, chủ sở hữu ngay trong dự thảo Luật vì vấn đề này liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Trường hợp không thể quy định cụ thể trong Luật đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể để phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp.

9. Về Điều 22: Thời hạn cấp Giấy phép

Quy định 360 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, NHNN cấp Giấy phép hoặc từ chối cấp Giấy phép cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là quá dài, có thể làm mất thời cơ kinh doanh hoặc chịu tác động của những nhân tố bất khả kháng dẫn đến không thành lập được TCTD, do đó đề nghị quy định tối đa đến 6 tháng.

10. Về Điều 23: Lệ phí cấp Giấy phép

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép phải nộp một khoản lệ phí cấp Giấy phép bằng 1% vốn điều lệ hoặc vốn được cấp.

- Quy định trong Dự thảo Luật là chưa phù hợp với Pháp lệnh phí và lệ phí (mức thu phí do Chính phủ quy định)

- Vốn điều lệ của TCTD thường rất lớn (vài trăm đến nghìn tỷ đồng) do đó quy định lệ phí cấp giấy phép 1% vốn điều lệ là rất lớn. Vì vậy, đề nghị có quy định về mức lệ phí bằng 1% vốn điều lệ hoặc vốn được cấp nhưng không quá 500 triệu đồng.

11. Về Điều 50: Điều kiện, tiêu chuẩn đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng

Tiết c khoản 2, đề nghị bổ sung thêm 2 đối tượng có liên quan là con dâu, con rể...

12. Về Điều 51: Chấp thuận danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng

Đề nghị bỏ quy định về chấp thuận vì điều đó tạo ra cơ chế  xin – cho; các tổ chức tín dụng chỉ phải báo cáo danh sách và hồ sơ cuae những người được bầu, bổ nhiệm. NHNN có quyền kiểm tra và đình chỉ việc thực hiện với những trường hợp không đủ điều kiện;

13. Về Điều 103. Góp vốn, mua cổ phần

6. Ngân hàng thương mại không được mua, nắm giữ cổ phiếu của các tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp nắm giữ cổ phiếu theo quy định tại điểm b khoản 2, điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều này; hoặc trường hợp nắm giữ cổ phiếu do xử lý nợ hoặc nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước để xử lý tổ chức tín dụng gặp khó khăn có nguy cơ đổ vỡ. Trong trường hợp nắm giữ cổ phiếu do xử lý nợ, ngân hàng thương mại phải bán số cổ phiếu này trong vòng 06 tháng kể từ ngày xử lý tài sản bảo đảm là cổ phiếu. 

Đề nghị xem lại quy định này vì theo thông lệ và kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới hiện nay thì các ngân hàng thương mại vẫn có quyền mua và nắm giữ cổ phiếu của các TCTD khác và việc mua và nắm giữ các cổ phiếu này là nhằm phân tán rủi ro và kiểm soát rủi ro của các ngân hàng thương mại. Có thể quy định giới hạn số vốn NHTM sử dụng để mua, nắm giữ cổ phiếu của các TCTD khác.

14. Điều 126. Những trường hợp không được cấp tín dụng

Khoản 4, 5, 6, 7 Điều 126 Về các hạn chế cấp tín dụng liên quan đến lĩnh vực chứng khoán: Đề nghị không quy định cấm tuyệt đối, những ngân hàng có hệ thống kiểm soát rủi ro tốt có thể cho vay theo tỷ lệ tính trên quy mô vốn, quy mô tài sản và do Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Thống đốc NHNN quy định cụ thể cho từng thời kỳ.

15. Điều 153. Tổ chức lại tổ chức tín dụng

Theo Điều này, NHNN là cơ quan cho phép hợp nhất, sáp nhập, mua lại các TCTD. Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp cấm sáp nhập, mua lại trong trường hợp doanh nghiệp sau sáp nhập có thị phần trên 50%. Trong trường hợp rơi vào trường hợp cấm nếu trên, doanh nghiệp muốn sáp nhập, mua lại phải xin phép của cơ quan có thẩm quyền. Điều 25 Luật Cạnh tranh quy đinh hai cơ quan có thẩm quyền là Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) và Thủ tướng Chính phủ. Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đề nghị cân nhắc về mối quan hệ giữa Luật Các TCTD và Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp về cơ chế hợp nhất, sáp nhập, mua lại.

                                                ----------------------------------------

Các văn bản liên quan