Cần thể hiện quyền tự chủ, tính độc lập của Ngân hàng NN trong việc hoạch định và thực hiện các vấn đề về chính sách tiền tệ quốc gia

Thứ Hai 14:45 29-06-2009

Góp ý Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

                                                            TS. Lê Thị Thu Thuỷ - Khoa Luật – ĐHQGHN

 

                        Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) là ngân hàng Trung ương, là ngân hàng “mẹ” trong hệ thống ngân hàng và đồng thời là cơ quan quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực ngân hàng. Vì vậy không thể phủ nhận vai trò của định chế tài chính này trong nền kinh tế. Tổ chức, hoạt động của NHNNVN ảnh hưởng rất lớn đến tính an toàn của hệ thống ngân hàng, sự ổn định của giá trị đồng tiền, an ninh tiền tệ của một quốc gia. Luật NHNNVN cần thể hiện được quyền tự chủ, tính độc lập của ngân hàng này trong việc hoạch định và thực hiện các vấn đề về chính sách tiền tệ quốc gia (CSTTQG). Quán triệt nguyên tắc này, Dự thảo Luật NHNNVN (Dự thảo 4) cần có những sửa đổi sau đây:

            Về vị trí pháp lý của NHNNVN: có thể nói dự luật chưa có cải cách trong việc nhìn nhận vị trí của NHNNVN. Vị trí của NHNNVN bị chi phối bởi vai trò của ngân hàng Trung ương đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế của cả nước. Ngược lại, vai trò này có được phát huy hay không lại phụ thuộc vào vị trí của tổ chức này trong cơ cấu tổ chức bộ máy của Nhà nước. Từ khi thành lập cho đến nay, NHTW ở Việt Nam luôn là một cơ quan của Chính phủ, tổ chức, hoạt động của nó chịu sự điều chỉnh của Chính phủ rất lớn và phần nào đó làm giảm tính linh hoạt trong việc điều hành thực hiện CSTTQG. Hơn nữa, CSTTQG tác động tới mọi chủ thể trong nền kinh tế, hoạt động ngân hàng – lĩnh vực quản lý của NHTW là lĩnh vực nhạy cảm, nếu có sự can thiệp mạnh từ Chính phủ sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý. Ngoài ra, Việt Nam đã gia nhập WTO, các cam kết trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính không dễ được thực hiên, năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại khó được nâng cao nếu thiếu tính độc lập trong tổ chức  và hoạt động của NHTW. Do đó, nên qui định NHTW có vị trí pháp lý độc lập với Chính phủ. Có như vậy mới đảm bảo được sự linh hoạt, mềm dẻo trong điều hành thị trường tiền tệ của NHTW, đảm bảo được sự ổn định giá trị đồng tiền trong nền kinh tế.

Về mục tiêu hoạt động của NHNNVN: để tránh tình trạng rườm rà của luật, nên chăng chỉ qui định hai mục tiêu: ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Các mục tiêu còn lại như qui định trong Dự thảo là hệ quả của việc đạt được các mục tiêu nêu trên. Trong hai mục tiêu: ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng thì mục tiêu thứ hai là tiền đề cho mục tiêu thứ nhất. Ngân hàng TW là ngân hàng quản lý hoạt động NH, nên việc đảm bảo an toàn cho hoạt động của các TCTD là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Hoạt động ngân hàng có ổn định, quyền lợi của người gửi tiền có được bảo đảm, tình trạng phá sản ngân hàng được hạn chế ở mức tối đa thì mới góp phần ổn định giá trị đồng tiền trong nền kinh tế, kiềm chế lạm phát.         

            Về chính sách tiền tệ quốc gia (CSTTQG): Điều 4 Dự thảo luật chưa nêu được nội dung, mà mới chỉ đưa ra được mục đích của CSTTQG. Vậy nội dung của chính sách này là gì, khác gì so với các chính sách khác như đầu tư, chứng khoán, bảo hiểm. Bản thân CSTTQG được hợp thành những loại chính sách như thế nào chưa rõ. Ai xây dựng CSTTQG cũng không có qui định cụ thể. Đặc biệt dự luật chưa có sự đồng nhất trong việc qui định về thẩm quyền của Chính phủ và NHTW đối với việc điều hành CSTTQG. Điều 5 Khoản 2 Dự luật qui định: Chính phủ quyết định mục tiêu điều hành CSTTQG nhằm định hướng chỉ tiêu lạm phát hàng năm. Nhưng khoản 3 Điều 5 lại qui định: NHNNVN chủ động sử dụng các công cụ điều hành CSTT và các giải pháp khác để thực hiện CSTTQG. Ở đây cần nhận thấy rằng, điều hành CSTTQG trong mỗi giai đoạn cần được đảm bảo bởi những công cụ nhất định và chỉ có NHTW mới am hiểu nhất về lĩnh vực này và hoàn toàn chủ động trong việc sử dụng các công cụ đó. Thêm vào đó, mục tiêu điều hành CSTTQG trong các thời kỳ khác nhau liên quan mật thiết với việc sử dụng các công cụ đó. Vì vậy nên trao thẩm quyền cho NHTW trong việc quyết định mục tiêu và sử dụng các công cụ để thực hiện CSTTQG.

Về bảo hiểm tiền gửi: dự Luật NHNNVN đưa bảo hiểm tiền gửi thuộc phạm vi quản lý của NHNNVN. Điều này làm hạn chế tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta đang xây dựng Luật BHTG phù hợp với thông lệ quốc tế và khẳng định vị thế, vai trò của cơ quan BHTG trong việc giám sát, cảnh báo rủi ro cho các TCTD. Hoạt động của tổ chức BHTG có những đặc thù nhất định như hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia BHTG, chi trả BHTG, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Nếu để NHNNVN quản lý BHTG sẽ làm mờ nhạt mục tiêu của BHTG (bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền,  cảnh báo rủi ro và đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng), không phát huy được vai trò của tổ chức này trong nền kinh tế, không đảm bảo được sự linh hoạt trong hoạt động của mình (bởi sự hạn chế về thẩm quyền). Luật pháp các nước đều có qui định về BHTG trong một đạo luật riêng và xác định cơ quan BHTG là một cơ quan độc lập với NHTW (Ví dụ ở Mỹ).

            Về giải thích từ ngữ:  khái niệm hoạt động ngân hàng không nên đưa vào Luật NHNNVN vì đã có trong Luật các TCTD. Hoặc nếu qui định trong Luật NHNNVN thì bỏ qui định về vấn đề này trong Luật các TCTD.

            Khái niệm giấy tờ có giá thể hiện hình sự hoá các quan hệ dân sự trong nền kinh tế. Không nên qui định giấy tờ có giá là “bằng chứng” mà chỉ nên xác định đây là cơ sở xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với chủ sở hữu giấy tờ có giá đó.

            Về hoạt động của NHNN:

            Hoạt động tái cấp vốn: Dự luật đã có sự mở rộng đối tượng được cấp (cho cả các TCTD khác không phải là ngân hàng). Điều này đảm bảo sự bình đẳng giữa các loại hình TCTD trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng “mẹ”khi cần thiết. Tuy nhiên, dự luật không qui định cụ thể về tái cấp vốn cho các TCTD này và cũng không qui định về thẩm quyền của Chính phủ hướng dẫn. Vậy việc qui định như vậy mang tính chất “nửa vời”, vừa cho vừa không và không có hướng dẫn cụ thể thì qui định này chỉ là trên “giấy”, không thể đi vào cuộc sống. Tình trạng làm luật kiểu này rất phổ biến ở Việt Nam.

 Về góp vốn, mua cổ phần của NHNNVN: có thể nói việc mở rộng hoạt động của NHNNVN đối với hoạt động này xuất phát từ thực trạng khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ, lan toả sang các nước Châu Âu trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, mục tiêu hoạt động của NHNNVN là phi lợi nhuận. Đây là cơ quan quản lý về hoạt động ngân hàng. Trong khi đó, việc góp vốn, mua cổ phần là hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Do vậy Luật NHNNVN nên có qui định cụ thể hơn về hoạt động này, ví dụ nên đưa ra một tỷ lệ nhất định để góp vốn, thành lập doanh nghiệp và cơ chế kiểm soát nguồn vốn đầu tư.

Về thanh tra, giám sát ngân hàng nên cho vào chương III (Hoạt động của NHNNVN) vì thanh tra, giám sát ngân hàng là hoạt động rất quan trọng của NHNNVN, có mối liên hệ mật thiết với các hoạt động khác. Tương tự như vậy, kiểm toán nội bộ nên đưa vào chương II – Tổ chức của NHNNVN để tạo sự tập trung trong qui định về cùng một vấn đề.

            Trên đây là một số ý kiến cá nhân về dự thảo Luật NHNNVN.

Các văn bản liên quan