Trích ý kiến góp ý của đại biểu Nguyễn Thị Khá – Trà Vinh về dự thảo Luật quy hoạch đô thị

Thứ Sáu 16:25 05-06-2009

Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quy hoạch đô thị. Sự cần thiết ban hành luật chuyên ngành càng cụ thể, càng chi tiết, càng dễ thực hiện trong cuộc sống nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đất nước, tránh chồng chéo, lập lại trật tự, kỷ cương lâu dài, bảo đảm các yếu tố cần thiết của một đô thị tương lai văn minh, sạch đẹp, có những chính sách đầu tư phù hợp với từng loại đô thị.

Về Điều 4 phân loại đô thị, cơ bản tôi nhất trí với giải trình và quy định trong dự thảo luật. Trên thực tế việc xây dựng và phát triển đô thị ở nước ta còn nhiều bất cập, quy mô đô thị rất đa dạng, nhiều đô thị có phạm vi hành chính khá rộng dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý, đầu tư còn dàn trải nên việc phân loại đô thị có tính nguyên tắc là cần thiết nhằm nâng cao trách nhiệm của địa phương các cấp trong việc quản lý và đầu tư.

Tôi đề nghị thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I, thành phố trực thuộc tỉnh là đô thị loại II và loại III, không phải là loại I. Nếu thành phố trực thuộc Trung ương cũng có loại I, thành phố trực thuộc tỉnh cũng có loại I là chưa phù hợp, khó phân biệt, nhầm lẫn. Nếu xét thấy thành phố trực thuộc tỉnh có tiêu chí gần như thành phố trực thuộc Trung ương thì cần đầu tư thêm khi đủ điều kiện thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Chính phủ quy định chi tiết việc phân loại và cấp quản lý hành chính đô thị phù hợp từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Về Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng Điều 6, cơ bản tôi nhất trí như dự thảo và đồng ý theo sự giải trình của đại biểu Phạm Phương Thảo - Thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng có chức năng tư vấn, tham mưu được thành lập theo quy định của Chính phủ khi cần thiết với yêu cầu quản lý và phát triển của từng địa phương, từng thời kỳ là phù hợp. Không nên quy định cứng nhắc cụ thể trong luật tránh tốn kém, chồng chéo khi chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả.

Về trách nhiệm và tổ chức lập quy hoạch đô thị qua nghiên cứu và thực tiễn trong quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị trong thời gian qua, dự thảo đã đưa ra hai phương án. Tôi chọn phương án 2 với lý do để tạo tính chủ động và thực tiễn của các cấp lãnh đạo kể cả đô thị loại đặc biệt nên giao thẩm quyền lập quy hoạch cho Ủy ban nhân dân cấp đó để họ chủ động mời các tổ chức cá nhân, các chuyên gia, các nhà tư vấn trong và ngoài nước tham gia theo quy định của Chính phủ chỉ định tư vấn hay thi tuyển tư vấn. Vì chính quyền đô thị là người nắm vững đầy đủ, sâu sắc, toàn diện cả về thực trạng, triển vọng, yêu cầu phát triển đô thị gắn liền quy hoạch đô thị với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Họ có thể tổ chức tham quan, nghiên cứu mô hình một số nước tiên tiến, văn minh, có các tiêu trí tương tự có thể áp dụng được. Và khi cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch đô thị như Chương IV quy định, họ cũng sẽ chủ động kịp thời đề xuất, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo quy định như dự thảo luật. Bộ xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định từ nhiệm vụ quy hoạch đến nội dung đồ án quy hoạch do đó cũng sẽ bảo đảm sự thống nhất giữa quy hoạch chung các đô thị này với định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị của Quốc gia. việc thẩm định sẽ mang tính khách quan phản biện và là cơ sở quan trọng giúp Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt quy hoạch các đồ án này, tránh trường hợp vừa phối hợp lập quy hoạch vừa thẩm định thiếu khách quan.

Về đồ án quy hoạch phân khu Điều 30 cơ bản tôi nhất trí như dự thảo luật đồ án quy hoạch phân khu được duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư trong đô thị lập quy hoạch chi tiết nhưng tôi đề nghị chỉ nên quy định lập đồ án quy hoạch phân khu đối với đô thị trực thuộc Trung ương mà không nên quy hoạch áp dụng cho tất cả các loại đô thị từ loại 2 trở xuống, gây tốn kém khó khăn chưa thật cần thiết mà chỉ nên quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết.

Các văn bản liên quan