Trích ý kiến góp ý của đại biểuNguyễn Văn Tiên – Tiền Giang về dự thảo Luật quy hoạch đô thị

Thứ Sáu 16:26 05-06-2009

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, tôi xin có một số ý kiến ngắn như sau.

Trước hết, tôi nhất trí với Bản giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng về chỗ phân loại đô thị có lẽ chúng ta phải tuân theo những tiêu chuẩn đó vì đó là tiêu chuẩn chung, các nước trên thế giới họ đều phải dựa vào tiêu chuẩn đó. Hai điều rất quan trọng là dân số và tỷ lệ nông nghiệp. Theo tôi nghĩ sau này hướng dẫn của Chính phủ sẽ đưa ra khoảng cách nhất định, từ bao nhiêu đến bao nhiêu dân số thuộc loại này, loại kia thì sẽ cụ thể hơn, tôi nghĩ đấy là tiêu chí rất cứng.

Thứ hai về việc phân công trách nhiệm quy hoạch, chúng tôi nghĩ rằng có lẽ Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm quy hoạch và Bộ Xây dựng thẩm định là phù hợp. Bởi vì theo lý lẽ Ủy ban nhân dân các cấp có thể thuê các cơ quan quy hoạch của Bộ Xây dựng hoặc thậm trí thuê nước ngòai về làm quy hoạch cho người ta, Bộ Xây dựng sẽ thẩm định, chúng tôi nghĩ là nên theo phương án đó.

Về một số ý kiến chung, tôi rất đồng tình với ý kiến của đồng chí Phạm Thị Phương Thảo. Tôi nghĩ rằng thực tế hiện nay đô thị của mình đang phát triển và rất bức xúc, nhưng luật này ra đời, tôi đọc hết luật này thì thấy đây là Luật về thủ tục và quản lý quy hoạch đô thị. Nếu  đúng là Luật quy hoạch đô thị thì rất nhiều những vấn đề và đề bài về quy hoạch đô thị chúng ta không đề cập trong này. Theo tôi muốn giữ được nguyên tắc thì trong Điều 5 và Điều 6 về nguyên tắc quy hoạch đô thị chúng ta phải bổ sung. Theo tôi phải bổ sung hai nguyên tắc sau:

Thứ nhất là các quy hoạch đô thị phải đảm bảo bản sắc văn hóa của vùng đó. Ví dụ như Huế phải đảm bảo vùng đó hoặc là Điện Biên, Hải Phòng, Đà Nẵng, mỗi nơi có một bản sắc, giống như chị Thảo đã nói giống như thành phố của các nước.

Thứ hai, chúng ta có nên đưa những vấn đề này vào trong luật hay không. Một là chúng ta cứ tiếp tục thể hiện nhà ống hay chúng ta sống trong chung cư, cũng phải thể hiện trong nguyên tắc này. Ví dụ trong luật này chúng ta phải quy định là các đô thị đặc biệt và các đô thị loại I phải tập trung phát triển nhà chung cư là chính, thì sau này các tỉnh mới tuân theo, nếu chúng ta quy định chung chung như thế này tôi nghĩ rất khó và không đáp ứng được nội dung thực tế đang đòi hỏi.

Vấn đề thứ ba, các đại biểu Quốc hội phát biểu rất nhiều nhưng chúng tôi thấy không thấy tiếp thu và đưa vào đâu. Vấn đề lấy đất nông nghiệp để làm các khu đô thị, trong này chúng ta không đề cập một câu nào về điều đó. Ít ra chúng ta phải có điều cấm quy hoạch vi phạm và các rạch giới đỏ về đất nông nghiệp, nhưng trong này chúng ta không nói gì đến, khi các đại biểu phát biểu thì nào là đổ tội lấy đất nông nghiệp làm khu công nghiệp, khu đô thị. Nhưng luật này chúng ta không nói gì đến điều đó, chúng ta có suy nghĩ gì, đặt một nguyên tắc gì trong luật này hay không?

Vấn đề cuối cùng tôi muốn phát biểu, các đại biểu Quốc hội chúng ta đi rất nhiều nước thấy rằng các đường người ta quy hoạch thì bao giờ người ta cũng dành phần vỉa hè và phần ở giữa rất rộng để sau này mở ra giống như đường Nguyễn Chí Thanh của chúng ta. Trong luật này chúng ta có đề cập đến một nguyên tắc nào không? Tôi thấy trong Điều 63, các đồng chí có đề cập đến nguyên tắc là để dành đất, nhưng chưa rõ thì tôi nghĩ rằng chúng ta nên thiết kế một điều có 2 vấn đề. Thứ nhất là những chỉ giới, những đường mở rộng thì chúng ta phải để dành phần đất, mà phần đất đó không cho sử dụng, không được xây tạm. Đấy là vỉa hè hay đấy là khoảng cách cây xanh để sau này tận dụng lâu dài, quy hoạch bao lâu.

Vấn đề nữa, chúng tôi nghĩ có lẽ nhiều đại biểu cũng nói nhưng chúng ta cũng khó không biết ghi vào đâu. Khi chúng ta mở đường thì chúng ta phải làm như thế nào đó để khi mở đường, mở xong xây lên những chung cư hay những khu rất đẹp để tất cả mọi người được hưởng. Bây giờ theo quy hoạch thực tế chúng ta hiện nay mở rộng ra thì người ngoài bị thiệt còn người trong được lợi. Chúng ta làm thế nào để tất cả mọi người được hưởng lợi mà Nhà nước cũng có lợi, nếu trong luật này mà chúng ta không nói gì đến thì cũng là một cái khó cho những người quy hoạch sau này.

 

Các văn bản liên quan