Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Nguyễn Vinh Hà – Kon Tum về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:26 08-06-2009

Tôi xin tham gia đóng góp một số ý kiến vào dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Qua những phân tích đánh giá trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và qua thực tế quá trình thực hiện cũng cho thấy hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản được ban hành bởi nhiều cơ quan khác nhau, ở những thời điểm khác nhau, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng còn chồng chéo và không còn phù hợp, thiếu tính thống nhất về các nội dung về khái niệm đã dẫn tới việc hiểu và áp dụng pháp luật còn khác nhau. Với việc ra đời hàng loạt các văn bản quy định về đầu tư xây dựng cơ bản ở đủ mọi cấp, mọi ngành cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp để gây nên sự chậm trễ khi tiến hành thủ tục đầu tư. Vì vậy việc rà soát sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản là nhu cầu tất yếu và cấp thiết hiện nay. Về những nội dung sửa đổi bổ sung cụ thể trong các luật như sau:

Thứ nhất về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xây dựng, sửa đổi Điều 40 điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên, tôi nhất trí như trong dự thảo luật sửa đổi là quy định theo hướng phân cấp cho chủ đầu tư được phép tự quyết định điều chỉnh dự án, trừ một số nội dung quan trọng phải báo cáo lên người quyết định đầu tư để quyết định vì thực tế hiện nay trong quá trình triển khai thực hiện các dự án cũng đã có rất nhiều trường hợp phải điều chỉnh do các yếu tố khách quan, đồng thời tôi cũng thống nhất với việc không quy định điều chỉnh trong trường hợp có biến động bất thường của giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu v.v.... Ngoài sự giải thích trong Tờ trình của Chính phủ thì tôi cũng xin nói thêm, nếu quy định vào trong luật những quy định này và tạo điều kiện cho chủ đầu tư sẽ có tâm lý ỉ lại và chờ đợi điều chỉnh, dẫn đến làm giảm mạnh hiệu quả quản lý của Nhà nước và giảm hiệu quả đầu tư của dự án. Còn nếu trong trường hợp có biến động thì Chính phủ sẽ có những điều hành cụ thể như hiện nay.

Về bổ sung Điều 40a, giám sát đánh giá dự án đầu tư xây dựng công trình, việc giám sát đánh giá đầu tư tất cả các dự án đầu tư xây dựng công trình là một trong các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đầu tư nói chung. Tuy nhiên tùy theo tính chất nguồn vốn yêu cầu và nhiệm vụ giám sát của Nhà nước là khác nhau, Chính phủ quy định theo hướng đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước thực hiện giám sát chặt chẽ tất cả các khâu trong quá trình đầu tư. Nhưng đối với dự án của tư nhân thì chỉ thực hiện giám sát một số khâu liên quan đến việc thực hiện quy hoạch chính sách chung. Tuy nội dung giám sát đánh giá đầu tư thì cũng đã có quy định trong Nghị định 12 năm 2009 của Chính phủ nhưng cũng cần được quy định trong luật để đảm bảo hiệu lực pháp lý thi hành.

Thứ hai, về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đấu thầu, về sửa đổi bổ sung các điều liên quan đến phân cấp trong đấu thầu cụ thể là sửa đổi Điều 60 và bổ sung các Khoản 13, 14, 15 ở Điều 61 thì chủ đầu tư là người trực tiếp quản lý và thực hiện dự án, do vậy là người có lợi ích sát thực nhất từ sản phẩm đầu ra của gói thầu. Đi đôi với việc phân cấp cho chủ đầu tư, dự thảo luật có quy định chặt chẽ để tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát và trách nhiệm về quá trình lựa chọn nhà thầu cho chủ đầu tư là cần thiết để ràng buộc hơn nữa trách nhiệm của chủ đầu tư đối với chất lượng dịch vụ và tư vấn hàng hóa và công trình.

Bên cạnh đó cũng cần gắn liền với trách nhiệm của chủ đầu tư thì cũng phải có chế tài để xử lý vi phạm cụ thể. Do đó tôi cũng đề nghị với Ban soạn thảo xem xét bổ sung vào dự thảo luật về chế tài xử lý vi phạm.

Thứ ba, sửa đổi bổ sung một số điều của Luật doanh nghiệp, cụ thể là Điểm a, Khoản 2, Điều 70, tôi cũng không tán thành với quy định của dự thảo luật về thời hạn đăng ký lại doanh nghiệp theo Luật đầu tư là kéo dài thời hạn từ 2 năm lên 5 năm. Với những hạn chế, bất cập về các vấn đề này thì các đại biểu trước tôi cũng đã phân tích rõ, tôi không nói thêm.

Thứ tư là sửa đổi, bổ sung Điều 19 và Điều 22 của Luật bảo vệ môi trường, môi trường là vấn đề rất bức xúc, đồng thời việc đánh giá tác động môi trường là điều kiện "cần" để phê duyệt dự án vì nó gắn liền với sự lựa chọn địa điểm đầu tư. Vì vậy nếu cho phép đánh giá tác động môi trường sau, mà các thủ tục khác đã xong nhưng đến khâu đánh giá tác động môi trường lại không đạt yêu cầu thì sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức của chủ đầu tư. Bên cạnh đó có thể dẫn đến chủ đầu tư có thể tìm đủ mọi cách tác động để được duyệt việc đánh giá tác động môi trường. Ta chưa thể nói đến như Tờ trình của dự thảo luật cho rằng miễn sao được phê duyệt trước khi khởi công dự án, trong khi luật hiện hành quy định rất chặt chẽ như vậy, mà vẫn còn nhiều sự việc vi phạm xảy ra. Do đó quy định như dự thảo luật là quá nới rộng sẽ không thể kiểm soát được, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét lại quy định này, có nên sửa đổi hay chưa.

Vấn đề tiếp theo là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhà ở và Luật đất đai. Tôi cũng tán thành với việc cần sửa đổi hai luật này để thống nhất cấp một giấy vì đây là một vấn đề rất bức xúc và được cử tri cả nước quan tâm. Tuy nhiên tôi đề nghị khi thực hiện việc đổi hai giấy thành một giấy, chúng ta cũng không nên gây phiền hà và gây khó khăn cho dân hay là thu tiền của dân, mà Nhà nước sẽ lo chi tiền cho việc sửa đổi này.

Các văn bản liên quan