Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Lê Văn Tâm – TP Cần Thơ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:24 08-06-2009

Về việc sửa đổi các luật liên quan đến xây dựng cơ bản, cơ bản tôi đồng tình với các văn bản đề nghị sửa đổi. Có mấy điểm tôi đề nghị xem xét và bổ sung thêm như sau.

Ở Điều 40a của Luật đầu tư về giám sát, đánh giá đầu tư dự án về xây dựng các công trình, Điểm a là đối với các dự án sử dụng 30% vốn của Nhà nước trở lên, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện giám sát, đánh giá toàn bộ quá trình đầu tư theo nội dung và các chỉ tiêu đã được phê duyệt. Tôi nhất trí với quan điểm này, nhưng ở đây tôi đề nghị một điểm Ban soạn thảo, Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung thêm. Tôi thấy nhiều dự án luật đặt vấn đề trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cũng như giám sát của nhân dân, nhưng riêng Luật đầu tư và đấu thầu tôi thấy nói không cụ thể, nhất là những công trình thuộc nhóm C, những công trình có liên quan đến đời sống của nhân dân hoặc liên quan đến hoạt động của dân cư đề nghị nên bổ sung vấn đề giám sát của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân, không chỉ riêng của các cơ quan Nhà nước. Bởi vì thời gian vừa qua có những công trình chất lượng không đảm bảo, nhân dân không được tham gia. Đấy là ý kiến thứ nhất.

Ý kiến thứ hai về sửa đổi Điều 43 quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình thì ở đây có đề nghị một điểm giao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp công bố các định mức chỉ tiêu kinh tế kĩ thuật và các thông tin liên quan để chủ đầu tư tham khảo làm căn cứ xác định chi phí đầu tư. Như nhiều đại biểu tôi không đồng ý điều này, tôi vẫn đề nghị Nhà nước thực hiện hướng dẫn phương pháp lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm về vấn đề đầu tư xây dựng thực hiện công bố định mức các chỉ tiêu này và đề nghị trong văn bản quy định là phải hàng tháng là vì nó có sự biến động, sự thay đổi về vấn đề giá cả, về vấn đề thị trường thì không có nghĩa các cơ quan thẩm định này ngồi chờ nửa năm hoặc một năm mói chỉnh một lần, như thế là không phù hợp. Tôi đề nghị giao cho các cơ quan có thẩm quyền trách nhiệm hàng tháng điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế kĩ thuật. Đấy là vấn đề thứ hai.

Vấn đề thứ ba về sửa đổi Điều 54 các bước thiết kế xây dựng công trình, trong đó có một điểm thứ ba tôi đề nghị là bỏ bớt đoạn: "có thể thực hiện theo nhiều bước" mà xây dựng đoạn thứ ba như thế này: "tùy theo quy mô, tính chất và mức độ phức tạp của công trình cụ thể thiết kế xây dựng công trình do người quyết định đầu tư quyết định các bước thiết kế khi phê duyệt dự án" bởi vì các bước thiết kế từng loại công trình là do Chính phủ quy định. Nhân đây tôi xin có một ý kiến như thế này đề nghị Ban soạn thảo và Chính phủ xem xét. Tôi thấy trong thời gian vừa qua nói chung tất cả các công trình đều tiến hành chậm và thực sự không chặt chẽ, có rất nhiều vấn đề tiêu cực, người ta nói trong này từ 5, 10, 15% tiêu cực. Do vậy tôi đề nghị Chính phủ quy định rõ về các bước trình tự thủ tục của nhóm A thế nào, nhóm B thế nào và đặc biệt là nhóm C nên mạnh dạn phân cấp cho các địa phương và nên mạnh dạn giao trách nhiệm cho chủ đầu tư. Bởi vì hiện nay những công trình chỉ vài trăm triệu mà xây dựng cơ bản là 30 - 40 thủ tục, không công trình nào có thể một vài tháng mà xong về mặt thủ tục. Điều này là điều tôi nghĩ là không đơn giản và cũng không thể nào khắc phục tiêu cực, nếu như vẫn giữ kiểu giải quyết cũ. Cho nên tôi đề nghị nên xem lại về việc phân cấp và đồng thời mạnh dạn giao trách nhiệm cho chủ đầu tư những công trình thiết kế đơn giản thì nên giao cho địa phương thực hiện có hiệu quả hơn. Còn nếu như các trình tự này thì nó không đảm bảo. Tôi cũng cảm nhận khi sửa điều luật này thì có rút được thời gian hay không, tôi cũng chưa đánh giá được, tôi nghĩ rằng cũng chưa ổn về vấn đề rút được thời gian.

Bởi vì trong 8 điều sửa của Luật xây dựng này có 7 điều giao cho Chính phủ, mà giao cho Chính phủ thì Ban soạn thảo không đưa văn bản cho đại biểu là sửa như thế nào? Hướng như thế nào. Thành thử ra đây chỉ nói về mặt quan điểm, còn cụ thể thế nào thì không biết. Cho nên tôi nghĩ rằng rút ngắn được hay không tôi nghĩ rằng chưa có căn cứ.

Điểm cuối cùng tôi đề nghị về vấn đề chỉ định thầu của Luật đấu thầu. Ở điểm thứ 3 tôi đề nghị trước khi thực hiện chỉ định thầu, các gói thầu quy định theo điểm b, c, d, đ Khoản 1 điều này "dự toán đối với các gói thầu phải được phê duyệt theo quy định và đảm bảo áp dụng hình thức chỉ định thầu là hiệu quả hơn đấu thầu". Gọi là đảm bảo thì đảm bảo như thế nào thì rất khó hiểu. Do vậy tôi đề nghị bỏ chữ "đảm bảo áp dụng hình thức chỉ định thầu là hiệu quả hơn đấu thầu" mà ghi vào đây cụ thể là "dự toán các gói thầu phải được phê duyệt theo quy định và việc chỉ định thầu phải đảm bảo tính minh bạch, công khai và hiệu quả của gói thầu". Nghĩa là tất cả các gói thầu được chỉ định phải theo một trình tự công khai minh bạch thì mới đảm bảo về mặt hiệu quả chứ không có nghĩa là không công khai minh bạch mà chắc chắn hiệu quả, tôi nghĩ là không có cơ sở.

Các văn bản liên quan