Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Nguyễn Vinh Hà – Kon Tum về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:27 08-06-2009

Tôi xin có một số ý kiến để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

Thứ nhất, tôi rất băn khoăn việc sửa đổi Điều 48 của Luật đất đai và Điều 1 của Luật nhà ở liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (giấy đỏ, giấy hồng). Bởi vì tại Điểm 2 Mục 2 của Nghị quyết 07 năm 2007 của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2008 đã khẳng định thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên cơ sở Luật đất đai giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện và phần đấu đến năm 2010 cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tất cả các loại đất trong phạm vi cả nước. Tuy vậy đến nay Chính phủ mới trình Quốc hội vấn đề này trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản là quá chậm, trong khi tên của loại giấy chứng nhận, phạm vi cấp giấy chứng nhận và cơ quan làm đầu mối để cấp giấy chứng nhận vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Quan trọng hơn, theo tôi đây không phải là những vấn đề cực kỳ bức xúc, ảnh hưởng mạnh mẽ và quyết định tới hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay. Vì vậy không cần thiết phải đưa vào phạm vi sửa đổi bổ sung của dự án luật này.

Tôi đề nghị Đoàn Chủ tịch có thể gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về các vấn đề nói trên, trên cơ sở đó báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.

Thứ hai là các góp ý trực tiếp vào luật, tôi xin góp ý vào hai vấn đề chủ yếu là Luật bảo vệ môi trường và Luật xây dựng. Đối với Luật bảo vệ môi trường sửa đổi hai điều là Khoản 2 Điều 19 về thời gian lập báo cáo, đánh giá tác động môi trường và Khoản 4 Điều 22 là thời gian phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Về vấn đề này, tôi cũng đồng ý với nhiều ý kiến phát biểu trước tôi và tôi xin phát biểu thêm như sau. Theo tôi dự kiến sửa đổi như vậy là không ổn, vì quy định như vậy có nghĩa là tất cả các dự án đã được cấp đăng ký đầu tư hoặc là giấy phép đầu tư, tức là địa điểm xây dựng và khai thác đã được quyết định. Chủ đầu tư chỉ còn làm thủ tục xin giấy phép khai thác, xin giấy phép xây dựng để khởi công xây dựng. Còn việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được làm sau khi có giấy phép đầu tư.

Quy định như vậy là trái với bản chất của việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vì báo cáo đánh giá tác động môi trường là công cụ để quản lý môi trường, mang tính dự báo và phòng ngừa. Nhiệm vụ của báo cáo đánh giá tác động môi trường là xem xét, cân nhắc các vấn đề xung quanh hai nhóm đối tượng. Đối tượng gây ra tác động là các dự án và đối tượng bị tác động là các thành phần môi trường xung quanh. Báo cáo đánh giá tác động môi trường có nhiệm vụ quan trọng nhất là để giúp cho các nhà lãnh đạo, các cơ quan lựa chọn được dự án đầu tư, lựa chọn các địa điểm các dự án đầu tư sao cho phù hợp nhất về vấn đề môi trường. Vì vậy nếu, quy định như dự thảo thì vấn đề đặt ra là nếu khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường mà thấy địa điểm không phù hợp thì việc hủy bỏ dự án sẽ gây thiệt hại như thế nào cho nhà đầu tư và các bên liên quan, liệu điều đó có khả thi trong tình hình kinh tế đất nước ta hiện nay hay không.

Về Luật xây dựng, tôi có một số ý kiến như sau.

Điều 7 Luật xây dựng hiện hành với 5 điều khoản quy định về năng lực hành nghề và năng lực hoạt động xây dựng nhưng không phải là những điều kiện cụ thể mới chỉ là làm rõ các khái niệm. Vì vậy, theo tôi chi tiết như Điều 7 mới trong dự thảo là cần thiết, tuy nhiên tôi đề nghị cần làm rõ với 6 điều kiện về năng lực quy định tại Khoản 1 thì đã đủ hay chưa. Khoản 3 quy định: tổ chức chuyên môn đào tạo hợp pháp và xác nhận năng lực hành nghề xây dựng cho các cá nhân, tổ chức nào, cần phải có quy định cụ thể hơn. Trong Khoản 3 cũng quy định trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định có phải là ngoại lệ không và có nên quy định ở trong luật hay không.

Đối với Khoản 2, Điều 39 tôi hoàn toàn nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về việc chưa nên sửa đổi Khoản 2, Điều 39.

Điều 40 thì phải điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng có sử dụng 30% vốn Nhà nước theo tôi nội dung quy định tại các Điểm a, b, c Khoản 1, điều này thực chất chỉ là cụ thể hóa các điều kiện cần quy định quyền điều chỉnh tại Khoản 1, Điều 40 của Luật xây dựng hiện hành. Do đó, có thể sửa đổi hoặc không sửa đổi cũng được. Nhưng vấn đề mấu chốt là sửa đổi, bổ sung tại điều này trường hợp điều chỉnh dự án mà không thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu và không vượt quá tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư hủy quyết định. Vấn đề này tôi hoàn toàn tán thành để đảm bảo sự linh hoạt cho chủ đầu tư khi thực hiện dự án. Tuy nhiên, đề nghị trong văn bản dưới luật thì cần lưu ý trường hợp dự án có sử dụng vốn nước ngoài mà vốn Nhà nước Việt Nam chiếm 30% trở lên thì các điều kiện đối với nguồn vốn nước ngoài có bị ràng buộc gì hay không. Ngoài ra để đảm bảo chặt chẽ và tránh lợi dụng tôi đề nghị giữ lại quy định tại Điều 40 hiện hành về người quyết định điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Vấn đề cuối cùng, tôi thấy dự án luật sửa đổi này chỉ sửa đổi 9 điều, trong đó sửa đổi liên quan đến 6 luật và gần 100 điều cụ thể. Tuy nhiên, tôi đếm ở trong dự án luật đã có 13 vấn đề cần giao cho Chính phủ quy định, trong đó có một vấn đề rất quan trọng mà các đại biểu đều biết là thuật ngữ để hiểu thống nhất trong luật này thì vẫn giao cho Chính phủ. Vì vậy, tôi rất phân vân và tôi đề nghị nếu có thể thì đề nghị Quốc hội thông qua luật này với tư cách là luật thông qua ở 2 kỳ họp hoặc trường hợp nếu phải thông qua trong kỳ họp này thì thời hiệu của luật này không phải là 1/8/2009 mà có thể là đầu năm 2010.

Các văn bản liên quan