Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Nguyễn Xuân Thuyết – Vĩnh Phúc về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:18 08-06-2009

Tôi nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều các luật liên quan đến Luật xây dựng. Nội dung sửa đổi sẽ tạo nên sự thống nhất trong các hệ thống văn bản pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án xây dựng. Tuy nhiên nội dung của một số điều dự kiến sửa đổi trong dự thảo cũng còn một số vấn đề cần phải xem xét khi thông qua Quốc hội.

Vấn đề thứ nhất tôi đề nghị xem xét về điều chỉnh dự án trong Điều 40. Tôi nhất trí dự án đầu tư xây dựng được điều chỉnh với các lý do nêu trong dự thảo là cần thiết. Trong trường hợp điều chỉnh do vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì đây là lý do điều chỉnh khá phổ biến ở hầu hết các trường hợp điều chỉnh, tuy nhiên khi điều chỉnh làm cho các dự án gặp rất nhiều khó khăn, đó là chậm tiến độ thi công và phải lập lại hồ sơ, thủ tục, có thể phải duyệt đi duyệt lại rất nhiều lần vì nhiều lý do làm thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Để hạn chế được điều đó tôi đề nghị cần xem xét trường hợp vượt tổng mức đầu tư do nguyên nhân trượt giá, vì đây là nguyên nhân bất khả kháng, ngoài ý muốn của chủ đầu tư và khi đã có nguyên nhân này thì không phải một công trình mà tất cả các công trình đều có tình trạng vượt mức dự toán. Có những dự án tổng mức đầu tư tuy là vượt do nguyên nhân trượt giá, nhưng không nhiều và trong thực tế trước đây những dự án vượt tổng mức đầu tư không nhiều, chúng ta cũng không nhất thiết phải điều chỉnh dự án. Mức đầu tư vượt tổng mức đầu tư do trượt giá thì giá trị thực tế của công trình sẽ không thay đổi vì vậy không thể gọi là lãng phí được. Do vậy nên chăng trường hợp vượt tổng mức đầu tư do trượt giá nếu không quá tỷ lệ trượt giá thì không nhất thiết phải điều chỉnh lại dự án . Vì chúng ta mà điều chỉnh thì phải điều chỉnh tất cả các công trình đang xây dựng và vẫn quản lý được. Bởi vì thông qua kết toán chúng ta duyệt quyết toán, thì vẫn quản lý được, vẫn ngăn chặn được tình trạng thất thoát và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án xây dựng khi phải đối mặt với tình trạng trượt giá.

Vấn đề thứ hai, về tính khả thi của luật được sửa đổi, ta sửa Điều 54 cho gọn hơn luật cũ, nhưng không rõ ràng bằng luật đang ban hành, luật cũ. Vì Điều 54 của luật hiện hành quy định rất cụ thể các loại công trình được thiết kế , công trình nào một bước, công trình 2 bước và công trình 3 bước và ta sửa thì phải rõ hơn luật cũ, cụ thể hơn luật cũ. Nhưng chúng ta sửa thì lại không rõ bằng luật cũ, những điều được sửa trong Luật xây dựng, chúng ta sửa tổng số 7 điều thì có 6 điều chưa thực hiện ngay được. Điều 7, Điều 39, Điều 40, Điều 54, Điều 55, Điều 59 muốn thực hiện được phải chờ hướng dẫn của Chính phủ. Vậy hướng dẫn của Chính phủ ra sao và cách sửa như vậy có thể luật cũng vẫn là luật ống và người dân sẽ quen việc thực hiện với nghị định, thông tư nhiều hơn là thực hiện luật và chưa có ai phải sống và làm theo pháp luật.

Vấn đề thứ ba, về công trình dự án quan trọng trong Điều 39, tôi nhận thấy Điều 39 chỉ bổ sung một câu "có sử dụng vốn Nhà nước". Trong thực tế thì câu này không nhất thiết phải bổ sung vì Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ chúng ta chưa thông qua dự án quan trọng quốc gia nào lại không có vốn Nhà nước và cũng giống như ý kiến của Ủy ban kinh tế đúng là Điều 39 việc sửa và bổ sung là chưa bức xúc. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nên xem xét và cân nhắc đối với công trình, dự án chúng ta có vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh và công trình quan trọng để xây dựng với nước ngoài thì có điều chỉnh trong luật không? Vì hiện tại và tương lai các công trình này có thể có.

Vấn đề thứ tư, về thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án kiến trúc, Điều 55 ghi trong mục 1 không rõ loại kiến trúc đặc thù là loại công trình có những tiêu chí nào. Đối với Dự án trùng tu tôn tạo các công trình di tích lịch sử có thuộc nhóm này không? Vì đây là dự án công trình không thể áp dụng được quy định thông thường, kể cả quy trình, thủ tục, định mức xây dựng. Có nên để chủ đầu tư quyết định các công trình này không, mặc dù công trình này tuy vốn đầu tư không lớn nhưng ý nghĩa về xã hội là rất lớn.

Vấn đề thứ năm, một số vấn đề chúng ta chưa đưa vào sửa đổi nhưng rất nhiều đại biểu Quốc hội và rất nhiều cử tri mong muốn Quốc hội nên xem xét để bổ sung vào luật. Những điều cần xem xét đó là: một số luật chưa rõ ràng, tương thích trong khái niệm và các tiêu chí. Đây là yêu cầu cần sửa để làm cho nhận thức các luật pháp được thống nhất. Ví dụ, trong khái niệm giữa Luật đầu tư, Luật xây dựng đầu tư, Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật môi trường chưa thống nhất nhau, có nên thống nhất không? Tiêu chí của một số nội dung trong luật không rõ ràng đã tạo điều kiện cho một số cán bộ tùy tiện trong giải quyết công việc. Ví dụ, trong Luật xây dựng quy định là phù hợp với quy hoạch, vậy quy hoạch nào? Có phải là quy hoạch kết cấu hạ tầng kỹ thuật hay là quy hoạch sử dụng đất, hay là quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Các quy hoạch đó lại thường xuyên bị thay đổi, thậm trí là quy hoạch treo. Vậy chúng ta vận dụng thế nào

Trong Luật xây dựng chưa rõ tiêu chí cấp giấy phép xây dựng và chưa rõ ràng. Các dự án công trình cần có tiêu chí bền vững, an toàn khi xảy ra thiên tai, thảm họa như động đất, cháy nổ và lũ lụt. Đây là một bài học đắt giá với rất nhiều nước người ta đã điều chỉnh được luật. Nước ta đang đối mặt với tình hình nóng lên của khí hậu của trái đất, rất nhiều vùng nước đang bị ngập khi thủy triều lên hay mưa nhỏ là ngập, thì cần điều chỉnh vào luật.

Các văn bản liên quan