Trích ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Luật – Kiên Giang về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:59 05-06-2009

Tôi tán thành với nhiều nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ cũng như nhiều nội dung nêu trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ. Sau đây tôi xin phép phát biểu một số ý kiến về một số vấn đề.

Ý kiến thứ nhất về vấn đề kéo dài thời hạn bảo hộ đối với một số đối tượng thuộc quyền tác giả và quyền liên quan trong dự thảo có nêu. Tôi cũng tán thành với nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tôi xin phân tích thêm một ý như sau.

Thứ nhất, nếu như căn cứ vào Khoản 3, Điều 5 của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định là trong trường hợp Điều ước quốc tế có quy định khác, thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó. Nếu chúng ta căn cứ vào điều này để cho rằng không cần thiết phải sửa luật để kéo dài thêm thời hạn cho phù hợp với thỏa thuận trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, chúng tôi thấy sẽ có một điểm bất hợp lý. Thứ nhất không phải mọi tác phẩm của chúng ta đều có sức mạnh phổ biến lưu hành trên lãnh thổ của Hoa Kỳ mà trong thực tế hiện nay các tác phẩm văn hóa nghệ thuật và nhiều tác phẩm khác của các tác giả là công dân Hoa Kỳ thì lại có sức lan tỏa phổ biến rất rộng rãi trên thế giới và trên lãnh thổ nước ta. Nếu trong thời hạn bảo hộ, theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và cũng như trong thời hạn bảo hộ theo Luật sở hữu trí tuệ hiện hành mà chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan có các tranh chấp mà yêu cầu Tòa án giải quyết thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng có xung đột pháp lý.

Ý thứ hai là trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có quy định về nguyên tắc đối xử quốc gia hay còn gọi là Quy chế đối xử tối huệ quốc . Nước ta cũng đã có pháp lệnh về đối xử quốc gia cũng đều quy định rõ nguyên tắc này. Nếu như công dân Hoa Kỳ có tác phẩm lưu hành taị Việt Nam được bảo hộ theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là 75 năm còn chúng ta không kéo dài, tác phẩm của nước Việt Nam ở trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian bảo hộ có tranh chấp kiện ra Tòa án thì Tòa án áp dụng như thế nào? Chúng tôi cũng xin nêu đây là một vấn đề có liên quan đến quy chế pháp lý, cũng như nước thứ ba là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới cũng viện dẫn và các điều ước về quy chế đối xử quốc gia để yêu cầu các cơ quan tư pháp Việt Nam xử lý thì chúng ta giải quyết như thế nào? Cho nên, chúng tôi cũng tán tàn với đề xuất như trong Báo cáo của Chính phủ về đề xuất kéo dài thời gian thẩm định nội dung đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Ngoài nhiều nội dung của các vị đại biểu ủng hộ theo phương án đề xuất của Chính phủ, tôi cũng tán thành xin không nhắc lại, tôi chỉ xin phát biểu và xin được báo cáo với Quốc hội một điểm là bản chất của quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và một số đối tượng khác chỉ được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong thực tế hiện nay thủ tục để đăng ký đơn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thông thường đối với tổ chức, cá nhân trong nước thì nộp theo pháp luật trong nước, người ta còn gọi là đăng ký quốc gia. Đối với các đơn đăng ký quốc tế theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên thì thông thường gọi là đăng ký quốc tế. Đăng ký quốc gia hay quốc tế đều phải tuân theo các thủ tục do pháp luật và các điều ước quốc tế quy định.

Cho nên kể từ thời điểm mà Cục sở hữu trí tuệ nhận đơn đăng ký cho đến khi xem xét cấp văn bằng bảo hộ phải tuân theo các quy định hết sức chặt chẽ, có thời gian và có trình tự, thủ tục. Ví dụ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ một giải pháp được công nhận là sáng chế phải đảm bảo 3 điều kiện cần và đủ đó là tính mới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp. Như vậy không chỉ giới hạn trong lãnh thổ nước ta mà trên phạm vi quốc tế, ví dụ trong lĩnh vực chế tạo máy, một cá nhân, tổ chức có đơn xin đăng ký để được cấp bằng bảo hộ độc quyền sáng chế trong lĩnh vực này thì Cục sở hữu trí tuệ phải tra cứu tất cả các sáng chế đã được cấp hoặc các đơn đã đăng ký trên thế giới.

Như vậy muốn xác định một quy trình, một thời hạn để xác lập quyền bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với từng đối tượng dài hay ngắn thì không thể theo ý chí chủ quan của chúng ta được, vì thủ tục cấp bằng là một quy trình cũng tương tự như xét xử một vụ án hình sự, dân sự ở Tòa án thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân theo các trình tự, thủ tục, trong đó có thời gian.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc và tôi ủng hộ phương án như Tờ trình của Chính phủ. Còn ý kiến cho rằng chúng ta đúng, chúng tôi rất chia sẻ và tán thành với yêu cầu phải tăng cường năng lực của đội ngũ làm công tác thẩm tra để đề xuất cấp văn bằng bảo hộ ở Cục sở hữu trí tuệ, nhưng muốn có một chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực để thẩm định nội dung các đơn đăng ký thì chúng ta không thể ngày một, ngày hai có được và phải có thời gian lộ trình nhất định đó là yếu tố hay ta còn nói là tiềm lực con người, yếu tố nhân lực rất quan trọng cho nên chúng tôi thấy tán thành đề xuất như trong Tờ trình của Chính phủ.

Sang vấn đề thứ ba là vấn đề dịch vụ sở hữu công nghiệp, tôi tán thành với nhiều ý kiến của các vị đại biểu như Điều 154 của dự thảo xin không nhắc lại.

Ý thứ tư, về giám định sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 201 của dự thảo. Tôi xin được báo cáo với Quốc hội, qua theo dõi nghiên cứu từ thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân đối với các vụ án hành chính liên quan đến các khiếu nại về việc từ chối và cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cũng như xét xử các vụ án về hàng giả trong đó có yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cũng như các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp theo trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. Thực tiễn các cơ quan tiến hành tố tụng thông thường yêu cầu các cơ quan tiến hành giám định, nhưng trong thời gian vừa qua tổ chức giám định của chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng thông thường phải yêu cầu Cục bản quyền tác giả hoặc Cục sở hữu trí tuệ có văn bản thẩm định lại trước khi các cơ quan tiến hành xét xử.

 

Các văn bản liên quan