Trích ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Dũng – Đắc Lắk về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:58 05-06-2009

Tôi xin không nhắc lại những ý kiến mà các đại biểu khác đã phát biểu, tôi chỉ xin bổ sung 4 ý kiến sau đây:

Một là Điểm a, Khoản 3, Điều 3 ghi không phù hợp với đặc điểm sinh học, chỉ cần ghi hạt giống, cây giống, mô, tế bào hoặc các hoạt động khác của cây là đủ chứ không nên kể rất thừa như thân, rễ, cành ghép, mắt ghép, cây ghép, củ, quả, chồi, hoa v.v... Về Điểm b, ghi bất kỳ bộ phận nào của cây thu được từ việc gieo trồng vật liệu nhân giống. Ví dụ về củ khoai tây theo phương pháp bảo quản trong nhà như hiện nay sẽ bị thất thoát rất nhiều, tốn rất nhiều chỗ và dễ bị thoái hóa. Các nhà khoa học đã dùng kỹ thuật nuôi cấy mô để tạo ra khoai bi có hiệu quả rất cao và chỉ mong đông đảo nông dân áp dụng rộng rãi. Nếu coi đây là đối tượng quyền sở hữu trí tuệ mà phải trả tiền thì nông dân sẽ không dùng nữa.

Thứ hai, về Điểm m, Khoản 1, Điều 14 có ghi đến chương trình máy tính, ý kiến của các cử tri trong ngành công nghệ thông tin có phản ánh cho tôi biết Liên minh phần mềm doanh nghiệp quốc tế gọi tắt là BSA ước tính tỷ lệ vi phạm bản quyền phản ánh phần mềm ở Việt Nam năm 2007 là 85%, điều này có nghĩa là trong năm 2007 có đến 85% phần mềm được sử dụng ở Việt Nam là các phần mềm bất hợp pháp, giá trị bán lẻ của các phần mềm bị ăn cắp ước tính là 200 triệu đô la Mỹ trong năm 2008. Điều này cho ta thấy rõ mức độ nghiêm trọng ảnh hưởng của ăn cắp bản quyền phần mềm tới ngành công nghiệp phần mềm. Trong khi đó mức phạt thực tế dừng ở mức không quá 15, 20 triệu đồng, làm cho tính răn đe rất thấp, đề nghị việc ăn cắp bản quyền phải được xử lý nghiêm ở mức 50, 500 triệu đồng. Chúng ta nhớ rằng Điều 61 ở Hiệp định Trips trong Hiệp định WTO mà chúng ta đã kí kết ghi rõ phải có chế tài hình sự đối với mọi hành vi ăn cắp bản quyền được thực hiện ở cấp độ kinh doanh hay buôn bán là cấp độ đối ngược lại với cấp độ sử dụng vào mục đích cá nhân.

Ý kiến thứ ba về Khoản 2, Điều 34 ghi rõ quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ 75 năm nhưng trong thực tế tôi thấy trên truyền hình rất nhiều tác phẩm phim tài liệu chỉ ghi vẻn vẹn một câu: "Trong phim có sử dụng tài liệu của các đồng nghiệp" như vậy có đúng với luật này hay không?

Điểm cuối cùng, về Điều 157 chỉ ghi quyền bảo hộ đối với giống cây trồng mà không hề đả động gì đến giống vi sinh vật - một đối tượng ngày càng quan trọng trong kỷ nguyên công nghệ sinh học. Trong thực tế các chế phẩm của viện chúng tôi mang các vi sinh vật có hiệu lực cao để xử lý rác đô thị, xử lý phân bón vi sinh vật, sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu v v ...đều bị phân lập để đưa vào các chế phẩm sản xuất ở các công ty tư nhân.

Điều 160 chỉ ghi tính khác biệt của giống cây trồng mà không ghi tính khác biệt của giống vi sinh vật. Mà tính khác biệt của giống vi sinh vật phải được xem xét qua phân tích ADN không ghi vào luật thì tình trạng ăn cắp chủng vi sinh vật có hoạt tính cao sẽ tiếp tục tái diễn khắp nơi mà không có cách gì ngăn chặn.

 

Các văn bản liên quan