Trích ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:59 05-06-2009
Tôi xin phép được trao đổi 4 vấn đề, ý kiến của tôi có khác với ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước để Quốc hội cân nhắc.
Thứ nhất, về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhà sản xuất băng ghi âm, ghi hình và tổ chức phát sóng thì chúng ta có nên quy định không? Theo Khoản 5, Điều 14 Hiệp định TRIPS năm 1994: quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhà sản xuất băng ghi âm, ghi hình và tổ chức phát sóng là được bảo hộ, người ta có quy định rõ thời hạn bảo hộ đối với các nhà sản xuất băng ghi âm, ghi hình là 50 năm, còn đối với tổ chức phát sóng không dưới 20 năm.
Vấn đề thứ hai, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác giả phầm mềm vi tính thì ở đây có hai vấn đề đặt ra: Thứ nhất là có được bảo hộ không? Có được bảo hộ như tác phẩm văn học không? Xin báo cáo với Quốc hội theo Điều 10 của Hiệp định TRIPS thì người ta đã quy định rõ phần mềm máy tính phải được bảo hộ như đối với tác phẩm văn học theo Công ước BERNE, cho nên chuyện này không thể tranh cãi được.
Thứ hai, ai sẽ là người chủ sở hữu, quyền sở hữu đối với phần mềm máy tính, nếu như tác giả tự sáng tạo ra phần mềm máy tính thì người đấy là chủ sở hữu. Nhưng còn nếu như tác giả làm theo đơn đặt hàng của tổ chức cá nhân thì người đặt hàng ấy là người chủ sở hữu và lúc đấy thì tác giả chỉ còn hai quyền nhân thân thôi. Thứ nhất là quyền được đứng tên, thứ hai là quyền can thiệp để cho không ai làm méo mó tác phẩm của mình đi.
Thứ ba, về quản lý Nhà nước, một số đại biểu phát biểu trước tôi có đề nghị bây giờ phần quản lý về phần mềm máy tính tức là về quyền sở hữu trí tuệ là chuyển cho Bộ thông tin và truyền thông thì chúng tôi thấy phải hết sức cân nhắc, bởi vì đối với tất cả các nước phát triển thì nó chỉ có một cơ quan phụ trách sở hữu trí tuệ. Còn ở ta giao cho ba Bộ: Bộ khoa học và công nghệ thì phụ trách phần sở hữu công nghiệp. Bộ văn hóa, thể thao và du lịch phụ trách phần quyền tác giả. Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn phụ trách quyền đối với giống cây trồng.
Bây giờ chúng ta nói là phần mềm máy tính nó thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông mà chúng ta giao cho Bộ thông tin và truyền thông thì chắc chắn là nhãn hiệu hàng hóa chúng ta phải giao cho Bộ công thương, chỉ dẫn địa lý chúng ta giao cho Bộ tài nguyên và môi trường và như thế nó sẽ xảy ra tình trạng rất nhiều cơ quan cùng quản lý lĩnh vực này thì không quản lý được. Theo tôi phải để nguyên như hiện nay. Nếu theo ý kiến của các đại biểu phát biểu trước tôi đề nghị thì riêng quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm khoa học phải giao cho Bộ Khoa học, Công nghệ, không phải Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như thế thì rất rối. Cho nên chúng tôi xin đề nghị giữ như quy định hiện nay.
Vấn đề thứ tư, tại Điều 25 Ban soạn thảo có đề nghị bổ sung một điều là giao Chính phủ quy định về sản xuất, xuất nhập khẩu, sử dụng đĩa quang trắng. Chúng tôi xin nói chỗ bổ sung này không phù hợp với nội dung của Điều 25, cho nên đề nghị cân nhắc lại. Thứ hai, tôi cũng chưa biết Chính phủ sẽ quy định như thế nào, nhưng thời gian vừa qua, cách đây khoảng 1 năm, báo cáo rộ lên phản ứng về việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có dự kiến quy định đánh thuế vào người tiêu dùng đĩa quang trắng, vì cho rằng đây là công cụ để ghi hình, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tôi cho rằng nếu quy định như vậy thì không đúng. Cho nên giao Chính phủ nhưng chúng tôi cũng phải nói trước là không thể quy định như thế được. Bởi vì nếu bây giờ chúng ta cứ nói đấy là một công cụ để vi phạm mà chúng ta đánh thuế trước, báo cáo các vị như vậy thì chúng ta sở hữu nhiều công cụ phạm tội lắm. Ví dụ, bây giờ anh ra chợ anh mua dao thì lại bị đánh thuế, bởi vì con dao đấy có khả năng để gây án, nếu thế thì không ổn. Cho nên theo tôi khi nào anh vi phạm sở hữu trí tuệ thì lúc đấy ta xử lý, chứ ta không nên chặn trước như thế.
Vấn đề cuối cùng, chúng tôi xin báo cáo Quốc hội về chuyện phạt tiền. Chúng tôi xin nói lại, nói thêm, nói kỹ, bởi vì lúc nãy chúng tôi không có thời gian. Chúng tôi xin nói như sau: Tôi muốn lấy 1 ví dụ để các vị đại biểu Quốc hội thấy quyền sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu đối với một tài sản vô hình, nó hết sức quý. Khi tôi đi Nhật, chuyện này tôi cũng xin Quốc hội thông cảm, vì đại biểu Quốc hội sống bằng lương thôi cho nên là đi Nhật thì không được trang bị máy xách tay. Cho nên tôi sang bên đấy vào cửa hàng tôi thấy có một máy xách tay cũ rất đẹp dùng tốt bán 120 USD tôi mua. Nhưng mua xong thì người chủ nói ông chưa dùng được đâu, tại sao? Vì chưa có phần mềm, tôi bảo bán cho tôi phần mềm, họ bán cho tôi phần mềm là 150 USD. Cả cái máy tính chỉ có 120 USD nhưng riêng phần mềm là 150 USD. Bây giờ nước ta, chúng ta công bố một con số ở trên báo chí là sở hữu 2 triệu máy tính mà 90% là vi phạm bản quyền phần mềm. Chúng ta nhân lên giá trị của nó là bao nhiêu. Nói như thế có phải để bảo vệ cho nhà sản xuất nước ngoài không? Thưa Quốc hội là không phải. Bởi vì các nhà sản xuất nước ngoài người ta hoàn toàn có quyền phạt mình nếu người ta kiện ra Tòa án Mỹ, Microsoft kiện ra Tòa án Mỹ, tôi cũng xin là chỗ này chúng ta không đăng báo, kiện ra Tòa án Mỹ thì nó sẽ phạt mình. Ví dụ 300 triệu USD và nó sẽ phong tỏa tài sản của mình để thực hiện quyết định của Tòa án. Nước ngoài người ta hoàn toàn có công cụ để người ta thực hiện những yêu cầu của người ta. Tôi nói điều này chính là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà sản xuất trong nước, của anh em ở trong nước. Bởi vì hiện nay có rất nhiều công ty của chúng ta sản xuất được phần mềm và xuất khẩu ở nước ngoài. Nếu chúng ta giữ mức phạt 500 triệu thì tôi xin nói là người ta sẽ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan. Bởi vì chỉ mất 500 triệu trong khi thu lãi hàng trăm nghìn, triệu USD như thế thì người ta không sợ gì cả. Cho nên chúng tôi cho là mức quy định phạt như cũ là nó hợp lý, chúng tôi xin báo cáo thêm cho Quốc hội một số ý như vậy.

Các văn bản liên quan