Trích ý kiến của đại biểu Dương Kim Anh – Trà Vinh về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:49 05-06-2009

Qua thực tế cho thấy sau khi Luật sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành đã cơ bản đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, nhận thức của người dân nhất là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã được nâng lên. Tuy nhiên tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn xảy ra do nhiều nguyên nhân như ý thức chấp hành pháp luật yếu kém, năng lực của cơ quan thi hành pháp luật còn hạn chế. Mặt khác một số quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện nay qua thực tế thi hành đã bộc lộ những bất cập. Vì vậy, để giải quyết những tồn tại, bất cập như giải thích của Tờ trình về pháp luật và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tôi nhất trí với Tờ trình của Chính phủ là phải sửa đổi, bổ sung một số điều khoản hiện đang chưa tương thích với luật pháp quốc tế cũng như chưa phù hợp với thực tế đang gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Về một số điều, khoản trong dự luật tôi có ý kiến như sau:

Thứ nhất, về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan quy định ở Điều 27 và Điều 34. Dự luật sửa đổi cho thấy hướng kéo dài thời hạn bảo hộ thay vì 50 năm lên 75 năm đối với loại hình tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này để nhằm tạo sự bình đẳng giữa công dân, tổ chức Việt Nam với công dân, tổ chức các nước có quan hệ điều ước với Việt Nam. Đồng thời bảo đảm lợi ích của các chủ thể trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở nội dung này tôi thống nhất ý kiến của đại biểu Phan Trung Lý và đại biểu Nguyễn Minh thuyết.

Về vai trò của cơ quan, tổ chức Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động giám định quy định ở Điều 201. Khoản 2 dự thảo quy định chỉ có tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật mới được hoạt động giám định sở hữu trí tuệ. Tôi tán thành quy định này, bởi nếu cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ quản lý cả hoạt động giám định sở hữu trí tuệ thì không thể thực hiện hoạt động giám định sở hữu trí tuệ. Nếu vừa quản lý lại vừa thực hiện hoạt động giám định thì không đảm bảo tính khách quan, tính minh bạch. Khi đánh giá, kết luận những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ rất cần những kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cao. Do vậy, tôi rất đồng tình với nội dung giải thích về lý do sửa đổi, bổ sung của điều luật này là để tận dụng nguồn lực chuyên gia và kinh nghiệm chuyên môn. Cơ quan Nhà nước phải thành lập tổ chức sự nghiệp độc lập cùng với các tổ chức tư nhân ngoài Nhà nước đảm bảo các điều kiện quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động dịch vụ giám định về sở hữu trí tuệ. Còn những quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ giao thẩm quyền cho Chính phủ là hợp lý.

Về điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 154. Tại Khoản 1 dự thảo điều luật này quy định doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ có tư cách pháp lý độc lập được thành lập và hoạt động hợp pháp theo pháp luật của Việt Nam. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng quy định như vậy sẽ thu hẹp phạm vi các tổ chức được kinh doanh dịchh vụ đại diện sở hữu công nghiệp và không thống nhất với Luật luật sư về quyền chi nhánh, tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam, chi nhánh, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Theo tôi dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp không chỉ là dịch vụ pháp lý mà còn là loại dịch vụ đặc thù, độc lập, mang bản chất kỹ thuật khi hành nghề phải đáp ứng các điều kiện cần thiết theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ và pháp luật về khoa học, công nghệ.

Hơn nữa, dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp không nằm trong cam kết mở cửa thị trường dịch vụ. Đây là một lợi thế để chúng ta bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp và thị trường trong nước một cách hợp pháp bằng pháp luật.

Còn Luật luật sư là một trong số ít các nghĩa vụ Việt Nam đã cam kết trong lộ trình mở cửa thị trường dịch vụ. Điều gì Việt Nam đã cam kết trong lộ trình mở cửa thì chúng ta phải nghiêm túc thực hiện, còn điều gì không nằm trong cam kết thì chúng ta phải tính toán, tìm biện pháp nào tốt nhất, hữu hiệu nhất để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và thị phần trong nước.

Vì theo tính toán của các ngành chức năng thì thị trường dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp ở nước ta hiện nay có tới 45% thị phần là khách nước ngoài. Có nghĩa là công ty luật nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam, mà chỉ mở Chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện nhưng vẫn được cung cấp dịch vụ này thì các tổ chức Việt Nam sẽ mất 45% thị phần nêu trên, đó là chưa kể phải chia sẻ thị phần với các khách hàng trong nước.

Với những suy nghĩ như vậy nên tôi thấy quy định tại Khoản 1, Điều 154 sửa đổi, bổ sung là hợp lý. Chỉ có những tổ chức có tư cách pháp lý độc lập mới được hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp, còn các đơn vị không có tư cách pháp lý độc lập như chi nhánh, Văn phòng đại diện thì chỉ hoạt động với danh nghĩa của các tổ chức mà mình trực thuộc. Quy định như vậy là phù hợp với Luật sở hữu trí tuệ và không cản trở việc thực hiện với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Về hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 214, Khoản 4 điều này tôi thống nhất phương án thay thế cơ chế xác định mức phạt riêng là từ 1 - 5 lần giá trị hàng xâm phạm bằng cơ chế chung theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đến 500 triệu đồng. Về lý do tôi thống nhất với phân tích của đại biểu Vũ Thị Phương Anh của Quảng Nam, cho nên tôi không phân tích thêm.

Các văn bản liên quan