Trích ý kiến của đại biểu Vũ Hồng Anh – TP Hà Nội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:39 05-06-2009

Trước hết tôi xin bày tỏ quan điểm đồng tình với nội dung Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật. Bên cạnh đó tôi xin trao đổi một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất về thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan Điều 27 và Điều 34, tôi đề nghị giữ nguyên thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan là 50 năm như quy định của luật hiện hành vì những lý do sau đây:

Một là, khi xây dựng quyền sở hữu trí tuệ năm 2005, Quốc hội đã cân nhắc kỹ đến thời hạn bảo hộ quyền tác giả trên các khía cạnh. Trong đó có sự phù hợp với chuẩn mực quốc tế để mở đường cho chúng ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Sự phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, sự cân bằng hài hòa giữa quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả với quyền hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của công chúng, việc xác định thời hạn bảo hộ 50 năm không những phù hợp với chuẩn mực quốc tế, Công ước BERNE và Hiệp định TRISP, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước, mà còn đảm bảo cho tác giả hưởng thù lao xứng đáng cho hoạt động sáng tạo của mình, góp phần đảm bảo cho tác giả yên tâm đầu tư trí tuệ, công sức cho hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Mặt khác, thời hạn này còn đảm bảo được quyền hưởng thụ văn hóa của công chúng. Ở nước ta hiện nay hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn với mức thu nhập còn thấp, điều kiện hưởng thụ văn hóa, tác phẩm nghệ thuật còn hạn chế. Do vậy việc xác định thời hạn bảo hộ 50 năm còn đảm bảo cho một bộ phận đông đảo nhân dân sớm được tiếp cận với những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị. Hơn nữa, chính quần chúng là nguồn cảm hứng sáng tạo cho những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao.

Hai là quan điểm cho rằng Luật sở hữu trí tuệ quy định thời hạn bảo hộ trong nước là 50 năm sẽ gây ra thiệt thòi trước tiên cho các tác giả và nhà sản xuất Việt Nam là không thuyết phục. Bởi lẽ thời hạn bảo hộ 50 năm quy định trong Luật sở hữu trí tuệ là thời hạn mà Nhà nước bảo hộ đối với tác phẩm nghệ thuật do người Việt Nam sáng tạo trong phạm vi đất nước chúng ta. Thời hạn này không liên quan đến yếu tố nước ngoài. Trong trường hợp liên quan đến yếu tố nước ngoài thì sẽ áp dụng quy định của Điều ước mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết. Ví dụ, tác phẩm văn hóa nghệ thuật mà tác giả là người Việt Nam lưu hành trên đất nước Mỹ, hoặc ngược lại tác phẩm của người Mỹ lưu hành trên đất nước Việt Nam sẽ đương nhiên được bảo hộ 50 năm theo quy định của Hiệp định BTA. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Khoản 3, Điều 5 Luật sở hữu trí tuệ quy định là trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. Như vậy việc giữ nguyên thời hạn bảo hộ không gây ảnh hưởng đến quyền tác giả, quyền liên quan của tác giả, nhà sản xuất Việt Nam trong mối quan hệ với các nước khác.

Việc sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ lần này đặt ra một vấn đề cần nghiên cứu làm rõ hơn là yêu cầu và phương pháp nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Câu hỏi đặt ra là có nhất thiết phải nâng tầm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong nước lên tầm quốc tế theo điều ước song phương, đa phương trong khi điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước còn đang ở mức thấp hơn so với điều kiện của các nước khác.

Vấn đề thứ hai, về tăng thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Tôi cho rằng những lý lẽ mà Ban soạn thảo đưa ra là chưa hoàn toàn thuyết phục. Bởi lẽ nếu là lý do để tránh sự tồn đọng hồ sơ thì có thể khắc phục bằng biện pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ. Nếu để đảm bảo tránh trường hợp bị các nước kiện, phải hủy bỏ văn bằng chứng, chỉ đã cấp do thực hiện quyền ưu tiên theo Công ước Pari thì với mức 18 tháng đối với sáng chế và 9 tháng đối với nhãn hiệu, kiểu dáng thì cũng không khắc phục được tranh chấp xảy ra sau này vì thời hạn cấp bằng, chứng chỉ ở các nước quy định khác nhau, một số đại biểu trước đã nêu những ví dụ, tôi có thể nêu thêm ở Singapo quy định đối với sáng chế là 36 tháng, một số nước không quy định thời gian cụ thể. Đối với nhãn hiệu và kiểu dáng thì Nhật Bản là 12 tháng, Trung Quốc là 2 năm. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình rõ hơn lý do thay đổi thời hạn và mức thời hạn hợp lý.

Thứ ba, về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao ở Điều 26 và Điều 33. Tôi tán thành với quan điểm chia các trường hợp thành 2 loại theo mục đích sử dụng thương mại và công cộng. Theo đó, đối với trường hợp thứ nhất là phải trả nhuận bút, còn đối với trường hợp thứ hai thì không phải trả nhuận bút. Tuy nhiên đối với trường hợp phải trả nhuận bút, tôi đề nghị cần bổ sung vào luật điều khoản quy định nguyên tắc thỏa thuận làm cơ sở cho việc thương lượng với các bên, cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tại tòa án khi có tranh chấp phát sinh.

Thứ tư, vấn đề bổ sung quy định về xử lý vi phạm hành chính ở Điều 214, dòng cuối cùng Điều 14, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2008 quy định trong trường hợp luật quy định mức tiền phạt tối đa khác với quy định của điều này thì áp dụng theo quy định của luật. Như vậy việc quy định bổ sung vào dự luật này mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm Luật sở hữu trí tuệ là hoàn toàn phù hợp với pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành, cơ sở để xác định mức tiền phạt là mức độ và tính chất của hành vi vi phạm pháp luật, Khoản 2, Điều 14 pháp lệnh. Trong khi đó Khoản 4, Điều 214 dự thảo đề nghị căn cứ vào giá trị hàng hóa để ấn định mức tiền phạt. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chỉnh sửa để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cuối cùng, vấn đề liên quan đến thủ tục. Khoản 1, Điều 75 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định về các trường hợp xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn, tức là thông qua tại một kỳ họp quy định như sau:

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, thì việc ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội có thể được thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn. Tuy nhiên tôi cho rằng việc sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ lần này lại không nằm trong hai trường hợp nói trên. Vì vậy đề nghị Quốc hội cân nhắc có nên thông qua dự thảo luật này trong một kỳ họp hay không.

 

Các văn bản liên quan