Trích ý kiến của đại biểu Phan Trung Lý – Nghệ An về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:40 05-06-2009

Chúng tôi tán thành với nhiều nội dung nêu trong Tờ trình của Chính phủ và đặc biệt là trong Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của điều của Luật sở hữu trí tuệ. Chúng tôi thấy Luật sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua trong thời gian qua đã góp phần rất tích cực vào việc thực hiện các quy định trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và để giúp Việt Nam thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO. Nhưng cũng vì bức bách khi gia nhập WTO do đó nhiều quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ thời gian qua đã tỏ ra không đáp ứng được thực tế và cũng nhiều quy định không phù hợp với quy định của các điều ước quốc tế. Do đó chúng tôi tán thành lần này phải sửa đổi, bổ sung. Nhưng chúng tôi cũng có một số ý kiến cụ thể để hoàn chỉnh dự thảo luật này.

Trước hết về thời hạn bảo hộ quyền tác giả ở Điều 27, chúng tôi tán thành ý kiến của đại biểu Vũ Hồng Anh vừa phát biểu và chúng tôi thấy rằng không thể lập luận như trong Tờ trình của Ban soạn thảo về việc kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả quy định tại Khoản 2, Điều 27 với lý do để bảo đảm bình đẳng giữa công dân Việt Nam và Hoa Kỳ và để theo xu thế chung của thế giới.

Theo chúng tôi vấn đề chính ở đây phải xác định các Điều ước quốc tế quy định bắt buộc chúng ta phải thực hiện như thế nào và ở đây báo cáo với Quốc hội là Công ước BERNE hoặc Hiệp định TRIPS quy định hiện hành của luật Việt Nam thì thời hạn bảo hộ 50 năm theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam thì đã vượt quá các quy định hiện hành của Công ước BERNE và Hiệp định TRIPS. Ở đây Công ước BERNE và Hiệp định TRIPS thì quy định thời hạn bảo hộ chỉ 25 năm hoặc 50 năm, cao nhất 50 năm. Nhưng ở Việt Nam thì tất cả các loại ở trong này chúng ta đều đã bảo hộ đến 50 năm. Bây giờ lại đề nghị kéo lên đến 75 năm, tức là gấp rưỡi quy định hiện hành của các công ước quốc tế. Theo chúng tôi không thỏa đáng nhất là điều kiện Việt Nam hiện nay khi mà chúng ta đang tận dụng tất cả các quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho đất nước phát triển.

Vấn đề nữa liên quan đến Hoa Kỳ, BTA thì BTA quy định bảo hộ không dưới 75% nhưng nếu chúng ta thực hiện quy định này thì chúng ta cũng chỉ thực hiện với Hoa Kỳ và cùng lắm thì thực hiện với 148 nước còn lại của Tổ chức thương mại thế giới, chứ không lý gì chúng ta lại đưa quy định này vào thực hiện chung cho hơn 200 quốc gia hiện nay trên thế giới. Do đó chúng tôi đề nghị không nên kéo dài thời hạn này.

Về thời hạn bảo hộ quyền liên quan ở Điều 34 cũng vậy, xin báo cáo với quý vị quy định bảo hộ về quyền liên quan tại Điều 34 thì hiện nay cũng đã vượt quá quy định hiện hành của các công ước quốc tế. Đấy là Công ước BURN hoặc Hiệp định TRIPS. Ở đây, ví dụ Công ước BURN hoặc TRIPS thì đều quy định hoặc 20 năm hoặc cao nhất là 50 năm thì Việt Nam hiện nay cũng đã quy định là 50 năm, không lý gì mà chúng ta lại phải kéo dài lên 75 năm. Nếu nói về Hoa Kỳ thì trong Hiệp định thương mại Việt - Mỹ không quy định vấn đề này. Do đó chúng tôi đề nghị là không kéo dài thời hạn bảo hộ đối với quyền liên quan quy định tại Điều 34 từ 50 năm lên 75 năm.

Vấn đề thứ ba, chúng tôi đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính tương thích của pháp luật nước ta với pháp luật quốc tế, các quy định của Điều ước quốc tế, nhưng đồng thời để tạo điều kiện cho pháp luật nước ta trở thành hành lang phát triển của đất nước và chúng tôi thiết tha đề nghị hiện nay sửa đổi lần này là chúng ta chủ yếu rà soát để nâng các vấn đề lên, nâng các quy định lên ngang tầm hoăc quá mức quy định của quốc tế. Có một loại vấn đề nữa là hiện nay trong các quy định của pháp luật Việt Nam ở thời kỳ 2005 - 2006, chúng tôi rà soát thì thấy có nhiều quy định vượt quá quy định của pháp luật quốc tế, chúng tôi đề nghị rà soát để xem lại những quy định này. Ở đây có rất nhiều quy định, ví dụ những quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ hoặc các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đặc biệt ở đây các quy định liên quan đến biện pháp hải quan cũng như biện pháp hình sự quy định cho pháp luật nước ta. Hiện nay theo chúng tôi là quá nghiêm khắc, quá cứng rắn so với yêu cầu của pháp luật quốc tế. Ví dụ như biện pháp kiểm soát biên giới và đình chỉ thông quan thì trong TRIPS hoặc trong BTA chỉ yêu cầu các biện pháp này áp dụng với các hành vi nhập khẩu thôi, nhưng nhập khẩu thì có thể đình chỉ kiểm soát biên giới hoặc đình chỉ thông quan trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu cố tình làm giả nhãn hiệu và sao chép tác phẩm quy mô thương mại, chứ không phải với tất cả các trường hợp hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu. Mặc dù trong BTA và trong TRIPS có khuyến khích rằng : Các quốc gia có thể quy định các biện pháp tương ứng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhưng họ không bắt buộc phải áp dụng biện pháp này đối với hàng hóa xuất khẩu nhưng Việt Nam quy định tất cả những vấn đề này cho cả xuất khẩu và nhập khẩu. Như vậy sẽ gây rào cản rất quan trọng đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta, ví dụ như trong quy định của Bộ luật hình sự cũng vậy. Chúng tôi đề nghị trong Bộ luật hình sự cũng rà soát lại.

Thứ nhất phải sửa đổi như ý kiến một số chuyên gia đã nói và đặc biệt là các tổ chức quốc tế cũng đã có ý kiến là sửa đổi làm sao phù hợp với quy định của công ước quốc tế về một vấn đề ở đây là mục đích thương mại và quy mô thương mại. Ta quy định là mục đích thương mại nhưng quốc tế quy định là quy mô thương mại, vấn đề này chúng tôi đề nghị rà soát lại nhưng quan trọng hơn tức là quốc tế, các điều ước quốc tế cũng chỉ quy định đối với những hành vi cố tình giả mạo nhãn hiệu hàng hóa và xâm phạm quyền sở hưu trí tuệ với quy mô thương mại còn ta thì quy định tất cả các hành vi như vậy không phù hợp.

 

Các văn bản liên quan