Trích ý kiến của đại biểu Trần Văn Tấn – Tiền Giang về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:38 05-06-2009

Kính thưa Quốc hội, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, tôi có ý kiến cụ thể như sau.

Một, về giới hạn quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 7, tôi thống nhất cần bổ sung quy định về bảo hộ sáng chế mật đối với các sáng chế thuộc bí mật Nhà nước nhằm bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật quốc phòng của Việt Nam, đồng thời là cơ sở pháp lý cần thiết để hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực này.

Hai, về thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan được quy định tại Điều 27 và Điều 34, tôi đồng ý việc sửa đổi theo hướng kéo dài thời gian bảo hộ tới 75 năm đối với loại hình tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh là 75 năm để cân bằng lợi ích giữa các loại hình, phù hợp với xu thế chung trên thế giới, khuyến khích lao động sáng tạo. Đồng thời khắc phục sự đối xử bất bình đẳng giữa công dân, tổ chức Việt Nam với công dân, tổ chức các nước có quan hệ với điều ước của Việt Nam.

Các quyền liên quan như quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất, bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng theo Tờ trình của Chính phủ là để tạo ra sự cân bằng của nhóm quyền liên quan đối với nhóm quyền tác giả. Nhưng Điều 4.4 Hiệp định BTA quy định trong trường hợp thời hạn bảo hộ của tác phẩm không được tính theo nguyên tắc đời người, thời hạn bảo hộ là 75 năm. Như vậy theo quy định của Hiệp định BTA chỉ áp dụng đối với quyền tác giả mà không áp dụng đối với quyền liên quan nên tôi đề nghị giữ nguyên quy định thời hạn bảo hộ đối với quyền liên quan như luật hiện hành.

Ba, về thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 119, tôi đề nghị không sửa đổi theo hướng kéo dài thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp như dự thảo. Thời gian thẩm định sáng chế từ 12 tháng lên 18 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý từ 6 tháng lên 9 tháng kể từ ngày công bố, mà giữ nguyên theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 với những lý do như sau:

Một là cần phải nhìn nhận và đánh giá đúng thời gian thực tế giải quyết công việc hành chính. Việc thẩm định nội dung để chứng nhận sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý là công việc khó khăn phức tạp và thời gian quy định như Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 là đã tính tới đến yếu tố phức tạp của lĩnh vực đăng ký sở hữu công nghiệp và so với thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực khác thì thời gian này là rất dài. Việc sửa đổi theo hướng tăng thời gian xử lý đơn như dự thảo là một bước lùi trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Hai là việc cấp bằng sáng chế, chứng nhận nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cần phải kịp thời nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu. Nếu các cơ quan cấp phép quá tải trong giải quyết công việc thì Nhà nước cần có cơ chế chính sách đảm bảo nguồn lực con người, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong quy trình tiếp nhận giải quyết đơn một cách khoa học và hợp lý hơn.

Ba là về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao và các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận được quy định tại Điều 26 và Điều 33. Theo tôi quy định như dự thảo nhằm bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan, khuyến khích động viên các nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa học, mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động sáng tạo, sáng tác. Nhưng trên thực tế xảy ra nhiều trường hợp không thỏa thuận được về mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác thì xử lý như thế nào?

Theo quy định Điều 11bis Công ước Berne trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thì mức thù lao do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Hơn nữa theo thông lệ quốc tế khi không đạt được thỏa thuận thì mức nhuận bút, thù lao sẽ do Chính phủ quy định tùy thuộc vào loại hình tác phẩm, nội dung và phạm vi sử dụng tác phẩm. Do đó tôi đề nghị bổ sung vào cuối quy định của Khoản 1 Điều 26 và Khoản 1 Điều 33 với nội dung quy định như sau. Trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận thì mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Ý kiến thứ năm, về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính được quy định tại Điều 211. Tại Điểm a, Khoản 1, quy định hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gây hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội và Điểm b, khoản 1, quy định hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hành vi cạnh tranh không lành mạnh được thực hiện một cách cố ý. Theo tôi hành vi vi phạm được quy định tại Điểm a và b chưa thống nhất và không phân biệt rõ hành vi cụ thể. Điểm a xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chỉ dựa trên yếu tố hậu quả, Điểm b xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chỉ dựa trên yếu tố lỗi và cùng lúc quy định hai hành vi vi phạm hành chính khác nhau. Do đó tôi đề nghị quy định tại Điểm a và b cần phải thành 3 điểm a, b, c đồng thời phân biệt rõ từng trường hợp vi phạm bị xử phạt hành chính như sau.

a - Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do cố ý.

b - Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do vô ý gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội.

c - Hành vi cạnh tranh không lành mạnh do cố ý.

Và chuyển các Điểm c, d thành d, đ.

Các văn bản liên quan