Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân – Tây Ninh

Thứ Ba 10:25 03-11-2009


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Cho đến giờ phút này thì hiện nay tên Luật vẫn chưa được thống nhất lắm. Nhưng tôi nghĩ rằng việc này không thực sự là lớn vì chúng ta có Luật dược thì bây giờ có Luật hành nghề y thì cũng đúng thôi nhưng Luật khám bệnh và chữa bệnh thì cũng rất dễ nghe. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý rằng nếu là tên đầy đủ thì phải là Luật khám bệnh, chữa bệnh cho người, vì con vật, gia súc, gia cầm bị bệnh thì có thú y, còn cây trồng bệnh thì cũng có bác sĩ bảo vệ thực vật. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, thật ra có một nguyên tắc là chữa bệnh cho người thì có vấn đề liên quan đến tâm sinh lý và một trạng thái tâm lý của người bệnh, sự hợp tác của người bệnh và sự hiểu cặn kẽ của người bệnh ảnh hưởng quyết định tới sự thành công của việc khám chữa bệnh. Điều đó cũng nói rằng phải quy định thật đầy đủ không phải vấn đề "lương y như từ mẫu" xong rồi chúng ta nói "từ mẫu" thì có thể lạm dụng quát mắng bệnh nhân, có thể không tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân. Và trường hợp rất phổ biến mà khi tôi đi khám bệnh thì bác sỹ không hề hỏi bệnh đó có từ bao giờ và tôi đã dùng thuốc gì để điều trị rồi, cơ địa của tôi có dị ứng với thuốc đó hay không, cứ lặng lẽ cho thuốc, khám bệnh thì hỏi là anh bị sao, tôi đau họng và nhức đầu, hỏi có sốt không, tôi nói cũng ít ít, song, thế là đưa một toa Amoxilin và vài thứ gì đấy. Tôi nghĩ rằng việc này thực sự rất nhiều cơ sở y tế vừa rồi báo chí cũng nêu như vậy. Xếp hàng từ sáng đến chiều để chờ vào khám chỉ hỏi đúng một, hai câu đưa luôn toa không hề hỏi hay tư vấn gì. Như vậy điều đầu tiên tôi muốn đề nghị là:

Không phải là vấn đề y đức chung chung mà là phải chấp hành quy trình khám chữa bệnh hay được niêm yết công khai ở nơi khám chữa bệnh, tức là người bệnh vào đấy được hỏi cái gì, được khám cái gì, được tư vấn cái gì và trong thời gian tối thiểu là bao nhiêu, quy định như vậy và người bệnh đã trả tiền. Tôi chỉ mong được đối xử một cách sòng phẳng với số tiền mình bỏ ra cũng như công mình đã tin cậy vào cơ sở y tế, chứ không nhất thiết cứ phải nói yêu thương người bệnh này nọ, cái đó không đo đếm được.

Thứ hai, tôi muốn nói đến vấn đề y đức, chúng ta kêu nhiều về vấn đề y đức, nhưng luật hóa một khái niệm đạo đức là khó. Chúng ta có thể nói cán bộ y tế nào thiếu y đức hoặc là vi phạm đạo đức nghề nghiệp nói chung ở mức độ nghiêm trọng thì cũng có thể bị kỷ luật, bị tước giấy phép này nọ. Nhưng vấn đề ở chỗ là ai và bằng cách nào chúng ta xác định được một người vi phạm y đức, ví dụ một câu nói như thế nào có thể xem là không tôn trọng bệnh nhân, ai là người phán quyết điều này. Điều này luật cũng nên mở và tôi cũng rất tán thành với chủ trương thành lập Hội đồng y khoa hoặc một tổ chức tương tự mang tính chất xã hội nghề nghiệp và hội này phải tự bảo vệ uy tín của hội mình bằng cách đưa ra những phán quyết trung thực. Bệnh nhân khi bị sai sót, bệnh viện bị khiếu nại thì đương nhiên ông giám đốc bệnh viện phải bảo vệ bác sỹ của mình và đổ cho tại khách quan ngoài ý muốn v..v.... Nhưng mà điều đấy cũng sẽ khó xảy ra nếu như có một Hội đồng y khoa tương đối độc lập sẽ phán quyết về vấn đề này và thật ra bệnh nhân cũng không tin tưởng nếu như chính bệnh viện đó lại phán quyết về cái việc khám, chữa bệnh đó là đúng hay sai, cái rủi ro đấy là nghề nghiệp hay do sai sót v.v...

Thứ hai, tôi rất quan tâm là không thể gọi một người tốt nghiệp đại học y khoa là bác sỹ được, tất cả các nước không nước nào đào tạo 5-6 năm ra là bác sỹ cả và thời gian đào tạo bác sỹ rất dài sau khi tốt nghiệp ở trường y khoa còn có một thời gian là bác sỹ nội trú hoặc thực tập tại bệnh viện thời gian dài, có nước lên tới 4 năm, 5 năm thì mới được là bác sỹ. Ở đây chúng ta quy định việc thực tập 18 tháng là quá ít là một và thứ hai nữa rằng tình trạng tốt nghiệp đại học y khoa được cấp bằng bác sỹ là rất lãng phí. Vì hiện nay có rất nhiều bác sỹ được tốt nghiệp đi làm trình dược viên trong khi đất nước chúng ta lại thiếu bác sỹ và tiền đào tạo bác sỹ này là Nhà nước vẫn phải bao cấp chứ không phải hoàn toàn cá nhân bỏ ra. Cho nên tôi đề nghị, tôi rất tán thành đại biểu trước nói là tốt nghiệp y khoa chỉ có một giấy chứng nhận là đã tốt nghiệp y khoa thôi và phải thực tập ít nhất một thời gian, tôi nói ví dụ 2 năm tại bệnh viện và thực tập tốt thì mới được trở thành bác sỹ. Còn những người đã làm trình dược viên thì mãi mãi sẽ không trở thành bác sỹ được vì không có một kinh nghiệm khám, chữa bệnh nào cả. Như vậy chúng ta mới ngăn cản được tình trạng chảy máu bác sỹ theo kiểu chỗ nào có tiền thì làm, bất kể tôi đào tạo như thế nào.

Tương tự như vậy, bác sỹ đa khoa từ Trung Quốc và từ các nước khác về cũng chưa trở thành bác sỹ ngay được, cần phải có sát hạch, đặc biệt là hệ đào tạo 5 năm ở Trung Quốc có phù hợp với chúng ta hay không. Tôi có nghe thông tin sinh viên y khoa muốn vào trường của chúng ta thi phải 27 điểm, người đó thì chỉ độ 10 điểm thôi, nhưng mà có thể đóng tiền sang Trung Quốc học 5 năm sau về, còn tốt nghiệp bác sỹ trước cả những người đồng khóa mình, rồi chúng ta nhận luôn vào cơ sở khám, chữa bệnh, rồi lập lờ giữa bác sỹ này, bác sỹ nọ thì làm sao đảm bảo được chất lượng và công bằng được. Cho nên điều này cũng phải có suy xét, ví dụ nếu học 5 năm thì phải có sát hạch và thời gian thực tập phải dài thêm một năm nữa ít nhất là như vậy, thì mới thỏa đáng và cũng cần có chương trình sát hạch rõ ràng. Không chỉ ở Trung Quốc mà nhiều nước khác họ có hệ đào tạo bằng cách đóng tiền là học, cho nên bằng cấp có thể khác nhau.

Về các vấn đề nghiêm cấm, trong này chúng ta đưa vấn đề trục lợi từ việc chỉ định thuốc, vật tư y tế sang Điều 37 quy định về nghĩa vụ. Tôi đề nghị đổi lại như tôi đã nói, phải nghiêm cấm bác sỹ trục lợi, hưởng hoa hồng từ việc chỉ định thuốc, chỉ định vật tư y tế hoặc dịch vụ xét nghiệm. Điều này rất phổ biến, cấm điều này là rất đúng vì đã có những trường hợp tố giác rằng, những loại thuốc đắt tiền bác sỹ hưởng hoa hồng 10-20%, thậm chí 30% và các trình dược viên đã móc nối với bác sỹ để kê những loại thuốc đắt tiền và bệnh nhân phải trả chi phí rất vô lý. Giá thuốc Việt Nam chúng ta đã biết là cao gần nhất thế giới ở những loại thuốc đặc trị. Quy định này phải đưa vào và chúng ta nghiêm cấm thì phải có chế tài, ví dụ bác sỹ nhận từ bao nhiêu trở lên bị phát hiện thì có thể bị khởi tố, coi đó là hành vi nhận hối lộ. Bác sỹ cũng không được quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng và quảng cáo dịch vụ y tế, điều này chúng ta lạm dụng.

Tôi đề nghị việc quảng cáo khám, chữa bệnh phải được xét duyệt, hiện nay quảng cáo các phòng khám đông y Trung Quốc rất tràn lan trên tất cả các phương tiện đều thấy và có thể lừa dối người tiêu dùng về những điều quảng cáo đó mà không được ai xét duyệt. Hay những lời cảm ơn của bệnh nhân đăng trên báo, nào là cảm ơn phòng khám tư nhân đông y đã chữa khỏi căn bệnh 20 năm không chữa được. Những điều đó là một hình thức quảng cáo lừa dối mà không được cơ quan chức năng xét duyệt. Tôi đề nghị phải đưa vào quản lý quảng cáo khám, chữa bệnh và đặc biệt không được quảng cáo như những thứ thông thường khác.

Thứ ba, chúng ta cũng phải cấm việc lợi dụng khám, chữa bệnh để xúc phạm thân thể và tinh thần của bệnh nhân. Việc này rất tế nhị nhưng tôi cũng nhận được ít nhất vài ba lời phàn nàn về việc bác sỹ lợi dụng việc khám, chữa bệnh đối với bệnh nhân nữ. Điều này nên có quy chế như thế nào để nó không xảy ra.

Cuối cùng, trường hợp rủi ro nghề nghiệp cần được bảo hiểm là hết sức có lý và cần phải được tiến hành bắt buộc chứ không phải khuyến cáo. Riêng vấn đề cấp cứu, trường hợp bệnh nhân mất khả năng chi trả v.v... thì nhà nước phải có quỹ cho việc này chứ không để người bệnh vào cấp cứu không biết thân nhân là ai, bỏ cho chết thì không được, dứt khoát phải quy định. Bệnh viện muốn cấp cứu nhưng tiền ở đâu? Cho nên cần quy định nhà nước có quỹ riêng trong việc này. Xin hết.

Các văn bản liên quan