Góp ý của đại biểu Quốc hội Bo Bo Thị Yến – Khánh Hoà

Thứ Ba 10:19 03-11-2009


Kính thưa Đoàn Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin tham gia một số vấn đề về dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Thứ nhất, về tên của dự án luật, tôi nhất trí với tên của dự án luật là Luật khám bệnh, chữa bệnh thay vì Luật hành nghề y bởi nội dung của Luật khám bệnh, chữa bệnh điều chỉnh những mối quan hệ rộng hơn và đáp ứng nhiều hơn mong muốn của các tầng lớp nhân dân trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

Thứ hai, quy định về cán bộ công chức, viên chức hành nghề y tế tư nhân. Theo tôi về việc này cần đối chiếu với quy định của Luật cán bộ, công chức về những việc cán bộ công chức không được làm theo Điều 20 của Luật cán bộ, công chức có hiệu lực từ ngày mùng 1/1/2010 và cán bộ công chức không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền. Để phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam tạo điều kiện để tiếp tục sử dụng trình độ chuyên môn, chất xám của cán bộ y tế, nhất là trong tình trạng còn thiếu nhân lực ở các bệnh viện như hiện nay. Vì vậy, tôi thống nhất với quy định như dự thảo Luật cho phép công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ, thành lập các loại cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Nhưng không được thành lập, tham gia thành lập và quản lý bệnh viện tư nhân.

Thứ hai, quy định về cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế và về cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh. Đối với việc cấp chứng chỉ hành nghề cũng như việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh tôi nhất trí với quan điểm cấp chứng chỉ một lần thay vì cấp có thời hạn 5 năm. Bởi vì việc cấp 1 lần đỡ phiền hà, tốn kém cho người hành nghề cũng như đối với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, tôi thống nhất với quan điểm của dự thảo Luật về thẩm quyền cấp mới, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 26. Tôi cũng thống nhất với quy định của dự Luật về thẩm quyền cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng phân cấp theo thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế và Sở y tế. Quy định này cũng nhằm đảm bảo tính thống nhất với việc cấp chứng chỉ hành nghề đã nêu tại Điều 26 của dự Luật. Vì thời gian có hạn cho nên tôi xin không phân tích thêm.

Ngoài các vấn đề nêu trên tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, tại Khoản 1, Điều 2, đề nghị bổ sung thêm sau đoạn "thăm dò chức năng" cụm từ "cần thiết trên cơ thể người bệnh để đánh giá tình trạng sức khỏe, xác định, chuẩn đoán bệnh" và cụm từ "phù hợp" sau "phương pháp điều trị" khoản này nên sửa lại như sau: "khám bệnh là việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám thực thể, khi cần thiết thì chỉ cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng cần thiết trên cơ thể người bệnh để đánh giá tình trạng sức khỏe. Xác định chuẩn đoán bệnh và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đã được công nhận".

Thứ hai, tại Khoản 3, Điều 2 về khái niệm người bệnh đề nghị chỉ nên quy định ngắn gọn "người bệnh là người có biểu hiện bất thường về sức khỏe" bởi có nhiều trường hợp có biểu hiện bị bệnh, nhưng người đó tự tin đến mức độ và tự điều trị mà không cần đến các cơ sở khám, chữa bệnh để chuẩn đoán bệnh và điều trị. Mặt khác cũng không phải tất cả các trường hợp cấp cứu, chữa bệnh đều do những người hành nghề y thực hiện. Ví dụ như cấp cứu, sơ cứu đột xuất do tai nạn hoặc say nắng hoặc điện giật v.v...

Thứ ba, tại Điều 6, các hành vi bị nghiêm cấm nên chuyển cụm từ "không có giấy phép hoạt động" ở Khoản 3 lên trước cụm từ "vượt quá phạm vi chuyên môn kỹ thuật được ghi trong giấy phép hoạt động". Vì giấy phép hoạt động là cơ sở pháp lý cho cơ sở khám, chữa bệnh được hoạt động hợp pháp. Ngoài ra việc khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động là vi phạm nghiêm trọng hơn việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn kỹ thuật được ghi trong giấy phép hoạt động. Vì thế nếu thiết kế như điều luật nêu tại Khoản 3, Điều 6 của dự thảo sẽ không phù hợp, làm giảm nhẹ tính chất quan trọng vốn có của hành vi vi phạm nói trên. Đề nghị Khoản 3 được quy định lại như sau: cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động hoặc vượt quá phạm vi chuyên môn kỹ thuật được ghi trong giấy phép hoạt động.

Thứ tư, để thực hiện nghiêm Luật khám bệnh, chữa bệnh cần có thêm một khoản mới quy định về các hành vi bị nghiêm cấm mà luật này chưa liệt kê hết. Tôi đề nghị bổ sung thêm một khoản mới là Khoản 15, Điều 6 như một khoản quét là: các hành vi khác bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo quyền được khiếu nại của công dân đề nghị bổ sung thêm một khoản mới là Khoản 3, Điều 7 về quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế là được khiếu nại về các vấn đề có liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh.

Thứ sáu, tại Khoản 4, Điều 18 về điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam có quy định không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh. Là một bác sỹ cần phải tu dưỡng về y đức và phù hợp với Luật cán bộ, công chức và Luật phòng, chống tham nhũng, khi cán bộ, công chức trong thời gian 1 năm bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên, thì không được đề bạt chức vụ cao hơn và bị nâng lương trễ từ 6 tháng đến 1 năm khi đến thời kỳ nâng lương theo niên hạn. Do vậy tôi đề nghị không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh.

Thứ bảy, về Điều 24 xác nhận quá trình thực hành, tôi cũng đồng ý với phân tích về xác nhận quá trình thực hành của đại biểu Phan Thị Thanh Hương - Đoàn Bình Định, tuy nhiên tôi xin góp ý thêm. Quy định thời gian thực hành tại điểm a, Khoản 2 là 18 tháng đối với bác sỹ đa khoa, bác sỹ chuyên khoa, y sỹ đa khoa, chuyên khoa, theo tôi chưa phù hợp giữa các ngành nghề đào tạo và loại hình đào tạo là đại học và trung cấp. Do vậy tôi đề nghị quy định thời gian thực hành của bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa là 36 tháng và y sĩ đa khoa, chuyên khoa là 18 tháng, điều này cũng phù hợp với Điểm d Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 43 "điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám, chữa bệnh phải có thời gian hành nghề khám, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng".

Thứ tám, tại Mục 2, thẩm quyền hồ sơ cấp mới, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề của Chương III người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tôi đề nghị sửa lại tên đề mục 2 cho gọn hơn là "thủ tục cấp mới, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề" vì thủ tục đã bao gồm cả việc quy định về thẩm quyền hồ sơ. Điều 28 của dự thảo luật là thủ tục cấp mới, cấp lại chứng chỉ hành nghề, tôi đề nghị sửa lại tên điều này là "thời hạn giải quyết cấp mới, cấp lại chứng chỉ hành nghề" vì nội dung chủ yếu đề cập đến thời gian giải quyết đồng thời tại điều này không cần quy định nơi nhận hồ sơ là Bộ Y tế và Sở Y tế vì thẩm quyền giải quyết quy định thuộc cơ quan nào thì đương nhiên cơ quan đó nhận hồ sơ.

Tương tự cũng tại Mục 2, Chương IV, Điều 47 của dự thảo luật là thủ tục cấp mới, cấp lại hoặc điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tôi đề nghị sửa lại tên điều này như sau: "thời hạn giải quyết cấp mới, cấp lại hoặc điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" vì nội dung chủ yếu đề cập đến thời gian giải quyết. Đồng thời tại điều này cũng không cần quy định nơi nhận hồ sơ là Bộ Y tế và Sở Y tế vì thẩm quyền giải quyết quy định thuộc cơ quan nào thì đương nhiên cơ quan đó nhận hồ sơ.

Trên đây là những đóng góp ý kiến của tôi đối với dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan