Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vi Trọng Lễ – Phú Thọ

Thứ Ba 16:41 25-05-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản tán thành với dự luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi xin có hai ý kiến ngắn:

Ý kiến thứ nhất, về Điều 5 quy định chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Khoản 6 có quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chương trình mục tiêu Quốc gia. Về ý kiến này, đại biểu Phúc của Bình Thuận đã có ý kiến nhưng đại biểu Phúc chỉ nói đây là chương trình dài hạn hay ngắn hạn, nhưng ý kiến của tôi, tôi đề nghị Quốc hội nên cân nhắc lại xem chương trình này có thực sự là chương trình mục tiêu Quốc gia hay không và chương trình này đã thực sự cần thiết và cấp bách hay không? So với các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo đó là những chương trình hết sức cấp bách mà chúng ta đang thực hiện. Quốc hội cũng đang yêu cầu Chính phủ cần rà soát lại các chương trình mục tiêu Quốc gia để lược bớt đi. Hiện nay chúng ta có 10 chương trình mục tiêu quốc gia, nếu mỗi một dự án luật Quốc hội chúng ta lại quyết một chương trình mục tiêu quốc gia thì không biết là đất nước chúng ta sẽ có bao nhiêu chương trình và đâu là chương trình hết sức cấp bách. Tôi cho rằng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một chương trình thực hiện rất dài hơi và cần có thời gian để chúng ta tuyên truyền giáo dục và thuyết phục. Bản thân dự án luật này cũng chỉ mang tính về quy định nguyên tắc chính sách, chiến lược quy hoạch về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mà nhiều đại biểu Quốc hội trước tôi đã phát biểu cũng chưa có chế tài cụ thể vào trong dự án luật này. Chính vì thế tôi cho rằng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một chương trình cần phải làm dài hạn và chúng ta không nên quyết định đây là một chương trình mục tiêu quốc gia, trong quá trình thực hiện nếu thấy cần thiết, nếu thấy cấp bách thì Chính phủ có thể quy định đó là chương trình mục tiêu quốc gia. Đó là ý kiến thứ nhất.

Thứ hai, về Điều 41 theo gợi ý của Đoàn thư ký. Tại Khoản 1 và Khoản 2 có nói đến ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân đầu tư các sản phẩm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí từ chương trình mục tiêu, cụ thể hỗ trợ về thuế xuất, nhập khẩu, đất đai, vay vốn ngân hàng và các ưu đãi nói chung khác. Tôi đồng ý. Tuy nhiên về trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước đối với chất lượng và giá cả các sản phẩm do các tổ chức, cá nhân này bán ra thị trường như thế nào thì trong luật chưa nói đến, kể cả một số Nghị định kèm theo cũng chưa nói đến trách nhiệm của bộ, ban, ngành nào để quản lý chất lượng cũng như sản phẩm được ưu đãi của Nhà nước để sản xuất ra những sản phẩm này. Phải chăng giá bán sản phẩm cũng sẽ theo giá thị trường. Chúng ta biết hiện nay một bóng đèn compact là một bóng đèn sử dụng tiết kiệm năng lượng giá bán của nó cao gấp 5-7 lần so với một bóng đèn tròn nhưng chất lượng rất kém. Thời gian sử dụng và hiệu quả tôi cho không thể bằng bóng đèn tròn chỉ 4000-5000 đồng thôi. Như vậy chúng tôi cho rằng sự ưu đãi của Nhà nước ở đây không đi liền, nói cách khác là không có sự ràng buộc về quản lý chất lượng cũng như giá cả sản phẩm khi đưa ra thị trường để tiêu thụ. Như vậy nó sẽ không mang lại tính hiệu quả của sự ưu đãi. Cho nên chúng tôi đề nghị nên thiết kế lại điều này hoặc một điều khác nói về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng cũng như giá thành sản phẩm của các loại sản phẩm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được ưu đãi như thế này. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan