Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Văn Kiệt – Vĩnh Long

Thứ Ba 16:40 25-05-2010

 

Kính thưa Quốc hội,

Kỳ họp thứ 7 bàn về vấn đề tiết kiệm năng lượng, cử tri cả nước đang bồi hồi, tình trạng cắt điện hiện nay trên cả nước, các nhà sản xuất, người tiêu dùng đang lo âu không biết mất điện lúc nào, sản xuất ra sao, tôi chia sẻ với đồng bào cả nước. Tôi xin phát biểu mấy vấn đề:

Thứ nhất, về tiết kiệm năng lượng hiệu quả, tôi cho là vô cùng khó khăn. Tiết kiệm hiệu quả đó là những vấn đề vô cùng khó thì trong luật chưa quy định cụ thể tiết kiệm ở mức độ nào mà đạt hiệu quả, tiết kiệm ở mức độ nào không đạt hiệu quả, thì luật cần làm rõ vấn đề này, chứ không khéo thì trở thành "hà tiện" mà hiệu quả không đảm bảo. Bởi vì điện đóng một vai trò quyết định cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước mà nếu chúng ta "hà tiện" thì kinh tế không phát triển. Đây là vấn đề khó, chúng ta tiết kiệm mà hiệu quả, vấn đề ở đây chúng ta phải thận trọng bàn để làm thế nào tiết kiệm được năng lượng mà hiệu quả kinh tế đi lên.

Do đó, tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét tiết kiệm năng lượng ở mức độ nào là hợp lý, chứ nếu không khéo thì tiết kiệm năng lượng trở thành khẩu hiệu cho toàn xã hội mà luật không khéo nó giống như nghị quyết của Chính phủ thì không hay lắm. Cho nên, tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét, nếu chúng ta có thể quy định là tiết kiệm năng lượng tỷ lệ chiếm bao nhiêu % tăng trưởng GDP thì hợp lý. Rõ ràng để mọi người, để mọi nhà, mọi cơ quan, mọi doanh nghiệp chúng ta biết, để từ đó chúng ta mới điều hòa được, chứ nếu chúng ta không quy định mức độ tiết kiệm như thế nào cho hợp lý, ví dụ 1/3 hoặc 1/6 theo tăng trưởng thì hợp lý. Cho nên, tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét thận trọng vấn đề này để chúng ta quy định nó cụ thể hơn, tránh tình trạng chung chung thế này thì trở thành khẩu hiệu, khó thực hiện. Đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai, xung quanh vấn đề Điều 39 dán nhãn năng lượng thì tôi cho đây là vấn đề mới, không biết lộ trình Chính phủ bao giờ làm, dụng cụ dùng đến nhiều lắm, có làm nổi không, nếu chúng ta không làm được là một cái kẻ hở cho kẻ xấu lợi dụng mị dân. Vấn đề tiền giả họ còn in được, huống gì dán nhãn lên phương tiện, lên dụng cụ sử dụng điện là dễ dàng. Do đó chúng ta có làm được không? làm được có quản lý được không, nếu không được sẽ tạo sơ hở để cho những người gian lận, một bộ phận nhỏ có cơ hội hại người tiêu dùng. Tôi đề nghị nên xem xét lại vấn đề này vì tiền giả họ còn làm được huống gì vấn đề này.

Xung quanh về vấn đề chính sách xã hội, đúng là vấn đề mới, trong luật cái khen, cái thưởng, cái phạt chưa cụ thể như lần này, đương nhiên anh sử dụng tiết kiệm ở mức độ nào, tôi khen thưởng anh ở mức đó, anh sử dụng quá ở mức độ nào, tôi phạt anh ở mức độ đó. Ở đây chưa cụ thể mà chỉ có Điều 41 là khuyến khích, tôi đề nghị cần xem lại và thêm điều khen thưởng đối với những người, những đơn vị, những lĩnh vực tiết kiệm năng lượng để có khen thưởng và khuyến khích họ. Đồng thời cũng làm như vậy xử lý sử dụng điện không tiết kiệm. Cũng trong luật này tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét bây giờ đúng là vấn đề này chúng ta cũng thấy cần có hướng dẫn, từ trước tới giờ chúng ta sài quen, bây giờ tiết kiệm lại, tiết kiệm bằng cách nào? tiết kiệm ra sao? tiết kiệm ở đâu? thì cũng cần phải có một người tư vấn cụ thể, mà ai tư vấn, các đoàn thể, các ngành tư vấn cho xã hội, cho các doanh nghiệp. Cho nên chúng ta quy định chung chung như thế này thì một số doanh nghiệp nhỏ và tư nhân sử dụng năng lượng cũng không biết tiết kiệm bằng cách nào, chỉ có cắt cầu giao là tiết kiệm, nói như thế không hay. Cho nên tôi đề nghị phải tuyên truyền, giáo dục tư vấn cho mọi người trong toàn xã hội biết, để chúng ta thực hiện.

Đó là hai vấn đề tôi xin phát biểu. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan