Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Phương Anh – Quảng Nam

Thứ Ba 16:42 25-05-2010

Kính thưa Quốc hội!

Qua nghiên cứu Báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo luật lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi tới các đại biểu, chúng tôi nhận thấy tất cả các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội cũng đã được tiếp thu. Qua nghiên cứu tôi thấy khác với nhiều dự án luật khác. Về nội hàm tôi thấy vẫn như vậy, nhưng về thiết kế lại các điều khoản thì đã có thiết kế dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, để góp phần hoàn chỉnh luật lần này tôi xin có một số ý kiến như sau.

Thứ nhất, về Điều 39, dán nhãn năng lượng. Tôi rất quan tâm đến vấn đề dán nhãn năng lượng. Bởi hiện nay các nước đang gặp phải một số khó khăn trong vấn đề dán nhãn. Tức là người ta có hai loại nhãn theo nghị định mà mình đưa ra, tức là nhãn so sánh và nhãn tiêu chuẩn thì tôi thống nhất hai loại nhãn này. Tuy nhiên, trên thực tế thì rất khó., Khó ở điểm là hiện nay các nước gặp phải vấn đề là trong cùng một nhà máy hoặc một xí nghiệp ví dụ như đã có khoảng hai dây chuyền công nghệ cũ và nhập thêm hai dây chuyền công nghệ mới. Như vậy, lộ trình đưa ra sản phẩm hàng hóa cùng một loại ra thị trường để dán nhãn khi chúng ta xác định tiêu chuẩn này thì khâu công tác kiểm tra rất khó khăn. Khi chúng tôi tham quan thực tế thì gặp phải vấn đề này.

Ở Điều 39 tôi thấy Khoản 4 đã quy định trách nhiệm của Bộ Công thương. Chúng tôi được biết hiện nay Bộ Công thương được Chính phủ giao nhiệm vụ là đầu mối trong việc quản lý và đưa ra các tiêu chuẩn quy định cũng như các trình tự thủ tục liên quan tới sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, nếu thiết kế khoản này như thế này thì rất trùng lắp trong trách nhiệm của Bộ Công thương, vì trong Điều 45 chúng ta đã quy định trách nhiệm của Bộ Công thương. Nếu để cho gọn lại thì khoản này chúng ta chỉ cần quy định là "Bộ Công thương có trách nhiệm tham mưu về lộ trình dán nhãn" sau đó hướng dẫn qua điều kia, như vậy đọc dễ hiểu hơn và khi đưa vào cuộc sống thì người dân bình thường có thể đọc hiểu được.

Khoản 1 của Điều 39 là "phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng đưa ra thị trường phải được dán nhãn năng lượng". Theo tôi như vậy chưa đầy đủ so với luật. Phải là "phương tiện, thiết bị sử dụng tiết kiệm năng lượng thì mới dán nhãn" chứ nếu sử dụng năng lượng không mà chúng ta đưa ra dán nhãn và ghi như vậy thì cũng rất khó cho các cơ sở kinh doanh sản xuất sau này.

Về Điều 32, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Khoản 1, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là cơ sở có mức sử dụng năng lượng hàng năm lớn theo tiêu chí do Chính phủ quy định. Chúng tôi biết khi Ban soạn thảo ghi như thế này là rất khó để định ra một định nghĩa chính xác cho cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Như hiện nay tôi biết các nước người ta có tiêu chí này thì chúng ta cũng phải có một mức quy định cụ thể và tôi thống nhất với đại biểu Hà của Hà Nội, tức là Điều 32 này xem như có thể chuyển Khoản 1 về Điều 3 về giải thích từ ngữ thì phù hợp hơn. Bởi vì khi đọc Bộ luật người ta cầm vào là biết ngay cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là cơ sở như thế nào chứ đọc mãi đến Điều 32 nhưng cũng là Chính phủ quy định chứ chưa giải thích rõ ràng về cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm này.

Về Điều 41, ưu đãi đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì tôi thống nhất các Điểm a, b, c vì rất rõ về các ưu đãi đó. Tuy nhiên, ở Điểm d hướng các ưu đãi khác theo quy định của luật này về pháp luật có liên quan, tôi thấy đây là một điểm còn rất mở, một số luật trước đây như là công nghệ cao sẽ gặp khó khăn trong việc hướng các ưu đãi khác này. Cho nên cơ quan quản lý nhà nước khi duyệt các ưu đãi khác này là cũng sẽ có vấn đề dễ nảy sinh tiêu cực ở đây, nếu chúng ta biết trước rồi mà chúng ta không chỉnh sửa để nảy sinh ở đây thì lỗi thuộc về những người có quyết định thông qua luật này.

Chúng tôi có một ý kiến, khi chúng ta ưu đãi cho nhập khẩu những thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các doanh nghiệp thì phải khuyến khích tuyên truyền vận động sâu rộng trong toàn thể nhân dân là người ta mua sản phẩm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đó. Và khi người dân mua sản phẩm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả này thì cũng cần phải có một giá ưu đãi, tôi thống nhất giá ưu đãi đó cần phải có để khuyến khích.

Về Điều 8, các hành vi bị nghiêm cấm có 4 khoản, tôi thống nhất tuy nhiên theo tôi các hành vi bị nghiêm cấm cũng phải bổ sung thêm một khoản nữa, đó là đối với những cơ quan được phân công thẩm định, kiểm tra, đo lường sản phẩm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả này vì một lý do nào đó mà công bố sai thì cũng phải có trách nhiệm, phải nghiêm cấm trong hành vi này, chứ nếu không nghiêm cấm thì cũng rất khó trong vấn đề xử lý. Và chúng ta biết rằng hiện nay lợi ích của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì tất cả mọi người đều biết, nhưng thực hiện nó như thế nào là hết sức khó khăn không chỉ riêng chúng ta mà tất cả các nước hiện nay cũng gặp khó khăn trong việc sử dụng này. Như một số đại biểu trước tôi đã phân tích vấn đề tiết kiệm và tiết kiệm hiệu quả hiện nay còn rất nhiều lo lắng bởi vì hiệu quả với điều kiện giá thành phải thấp, chất lượng phải cao cho các sản phẩm đầu ra. Chúng tôi đề nghị Điều 6 đối với các khoản về chiến lược, quy hoạch và kế hoạch sản xuất sử dụng năng lượng. Đối với Khoản b là dự báo cung cầu năng lượng phù hợp với chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch hài hòa cân đối giữa các quy hoạch ngành than, dầu khí, điện lực và các quy định năng lượng khác, theo chúng tôi trong quy hoạch này cần phải kết hợp gắn kết với bảo vệ môi trường hiện nay.

Tại kỳ họp trước, khi thảo luận dự án luật này tôi có phát biểu 4 nội dung và đã được Ban soạn thảo tiếp thu 3 nội dung còn nội dung cuối chúng tôi chưa thấy đưa vào nhưng ý kiến này trùng với đại biểu Xuân tại Tây Ninh, đó là vấn đề về khai thác trung chuyển cũng như nghiên cứu về việc dự trữ năng lượng, tôi nghĩ cần phải khái quát để đưa vào luật một câu như vậy các đại biểu Quốc hội sẽ yên tâm hơn khi thông qua luật này. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan