Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Tiến Dũng – Hà Tĩnh

Thứ Ba 16:35 25-05-2010

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin tham gia một số ý kiến, trước hết theo gợi ý của Đoàn thư ký tôi thấy quy định tại các Điều 32, 33, 39, 41 những nội dung quy định này rất cần thiết và chúng tôi đồng tình. Nhưng chúng tôi chỉ xin đề nghị để thực hiện được những quy định tại 4 điều này thì tại hướng dẫn của Chính phủ và của các ban ngành liên quan cần phải cụ thể hóa để đảm bảo tính khả thi của những quy định tại bốn điều nói trên.

Tôi xin tham gia thêm một số ý kiến, chúng tôi có nhận xét mặc dầu luật rất mới, rất khó, Kỳ họp thứ 6 có rất nhiều ý kiến nhưng Ban soạn thảo và các cơ quan thẩm tra đã có cố gắng tiếp thu và đến bây giờ phải nói là dự án đã hoàn thiện và cơ bản chúng tôi đồng tình với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vì vậy để hoàn thiện dự án này phần chúng tôi xin tham gia một số ý:

Chúng tôi vẫn còn phân vân, chúng tôi thấy dự thảo luật này quy định không ít điều vẫn còn có dáng dấp nó giống như một nội dung của một chương trình hành động quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm có hiệu quả. Vấn đề này ý kiến anh Hải ở Hưng Yên đã đề cập nhưng tôi xin nói thêm là trong nhiều điều của luật mà chúng ta có thể cụ thể được, nhưng mà còn có những quy định quá chung chung, còn mang tính chất quy trình, qui phạm kỹ thuật hơn là qui phạm pháp luật. Mang tính kêu gọi, vận động hơn là quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ và hậu quả pháp lý của việc không thực hiện tiết kiệm năng lượng và sử dụng có hiệu quả và những chế tài để đảm bảo thực thi quy định trong luật này. Tôi lấy một ví dụ trong số rất nhiều điều như Điều 26 có quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động dịch vụ và Điều 27 trong hộ gia đình. Ở đây dùng nhiều thuật ngữ như hạn chế, thực hiện, tăng cường khuyến khích xây dựng nếp sống mới, thói quen trách nhiệm hạn chế tối đa thúc đẩy vận động và áp dụng đồng bộ v.v...

Tôi thấy ở đây những từ này văn phạm không phải là văn phạm pháp lý, để khẳng định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của những người, của những đối tượng được điều chỉnh trong luật này. Cho nên việc tiếp thu và sửa điều này cũng là một việc rất khó nhưng chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại và cần phải sửa đổi chỗ nào mà sửa được thì chúng ta sửa, để làm thế nào quy định được các hành vi như thế nào thì có thể được coi là sử dụng năng lượng lãng phí và không tiết kiệm, không hiệu quả. Đồng thời phải quy định rõ hơn trách nhiệm đối với những hành vi đó và có một hình thức xử lý, những chế tài để xử lý những vi phạm đó, những quy định của pháp luật. Nếu không làm được việc đó chắc chắn sẽ hạn chế tính khả thi của luật này trong thực tiễn cuộc sống. Trong lúc chúng ta đang rất cần một chiến lược tiết kiệm năng lượng.

Vấn đề thứ hai, tôi xin đề cập về một số nội dung cụ thể.

Chúng tôi xin đề cập tại Chương VII quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các dự án đầu tư, trong các cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Quy định như thế này là đúng nhưng chúng tôi thấy chưa đủ. Mặc dù chúng ta có từ Chương II đến Chương VI quy định tiết kiệm trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông v.v...Nhưng ở đây tôi chỉ nói về các doanh nghiệp có dự án đầu tư, các cơ quan sử dụng. Ở đây chúng ta có ngoài doanh nghiệp nhà nước sử dụng ngân sách nhà nước chúng ta có các thành phần kinh tế khác ngoài quốc doanh có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng không đơn thuần là vốn của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài mà nhiều doanh nghiệp có cổ phần trong đó, trong đó có phần vốn nhà nước và trong đó có phần vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, còn các phần vốn khác huy động từ các nguồn khác. Chúng ta quy định như thế này thì sẽ không chặt chẽ cho nên chúng tôi thấy là đúng, nhưng chưa đủ đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỗ này có chỉnh lý, làm thế nào để có quy định chặt chẽ hơn trong vấn đề này. Bởi vì chúng ta đang khuyến khích các thành phần kinh tế nhân dân liên kết, góp vốn đầu tư, cổ phần hóa v.v. cho nên chúng ta phải quy định cho rõ trong điều này.

Ý thứ hai chúng tôi muốn tham gia là về khấu trừ. Đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan thẩm tra cần rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất trong văn bản luật này và thống nhất trong một số thuật ngữ chung cho các văn bản luật khác. Chúng tôi lấy thí dụ như tên chương của Chương XI và trong các Điều 44, Điều 45, Điều 46 có chỗ thì chúng ta ghi là "trách nhiệm quản lý Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả ..." chỗ thì "quản lý Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả". Gần đây chúng tôi thấy một số dự án luật đã trình và sắp trình cũng đã có những chỗ như thế này. Theo chúng tôi đề nghị nên xem xét và thống nhất mà lâu nay chúng ta vẫn dùng là có chương, có mục "quản lý Nhà nước" về cái gì đó, ví dụ quản lý Nhà nước về thi hành án dân sự, quản lý Nhà nước về nuôi con nuôi, quản lý Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả v.v. Có như vậy thì các văn bản luật chúng ta mới đảm bảo được sự thống nhất kể cả về các ngôn từ pháp lý mà thường xuyên được dùng, thì nó đảm bảo chặt chẽ và dễ hiểu cho các đối tượng điều chỉnh để thực thi pháp luật.

Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan