Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry – Bạc Liêu

Thứ Ba 16:34 25-05-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bởi vì tôi nhận thấy trong Báo cáo giải trình này đã có chỉnh lý và tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của chúng tôi tại các kỳ họp trước. Tôi rất phấn khởi khi thấy kèm theo dự án luật này, về phía Chính phủ đã có 3 nghị định rất chi tiết, tôi hy vọng sau khi luật này có hiệu lực thì có thể sớm đi vào cuộc sống. Đối với đóng góp ý kiến lần này theo sự gợi ý của chủ toạ, tôi xin đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau:

Trước hết, về đối tượng áp dụng tại Điều 2 có quy định luật này áp dụng đối với tổ chức hộ gia đình, cá nhân sử dụng năng lượng tại Việt Nam. Tôi nhận thấy nếu quy định như thế này chưa phù hợp với phạm vi điều chỉnh ở Điều 1 quy định không chỉ vấn đề sử dụng năng lượng, mà còn bao gồm các chính sách, biện pháp nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hay nói cách khác đây là quản lý Nhà nước. Hơn nữa nội dung của luật này cũng đã đề cập ở hai chương như ở Chương X và Chương XI. Chương X quy định về biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chính vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm và bổ sung vào Điều 2 đối tượng áp dụng, đó là quản lý Nhà nước trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Vấn đề thứ hai, về nguyên tắc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đề cập tại Điều 4, tôi nhận thấy 3 nguyên tắc được đề cập trong Điều 4 này còn rất chung chung, khó hình dung hơn cả 5 nguyên tắc trình lần trước. Tôi không tìm thấy nội dung cụ thể trong nguyên tắc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề gì. Vì vậy cần khẳng định thêm trong Điều 4: "Mọi tổ chức, cá nhân khi sử dụng năng lượng phải có ý thức tiết kiệm, nhằm tổn hao năng lượng tối đa" Hoặc khi quy hoạch cấu trúc xây dựng đô thị hoặc thiết kế xây dựng phải có đánh giá về sự tác động đảm bảo quy hoạch thiết kế xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giống như công tác phòng, chữa cháy trong xây dựng.

Vấn đề thứ ba, về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các dự án đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước quy định tại Điều 29. Tại Điều 29 quy định chủ đầu tư xây dựng dự án mới, cải tạo cơ sở hạ tầng, công trình xây dựng có sử dụng nguồn vốn của Nhà nước phải thực hiện nghiêm quy định tại luật này và các quy định của luật khác có liên quan về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tôi nhận thấy nếu quy định như thế này là điều đương nhiên, khi luật này có hiệu lực, tất cả mọi tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước đều phải tuân thủ nghiêm đối với dự án luật này. Chính vì vậy tôi đề nghị đối với điều này cần nên viết lại cho cụ thể hơn thì mới khả thi. Tôi xin thiết kế lại: "Chủ đầu tư dự án mới, cải tạo cơ sở hạ tầng công trình xây dựng có sử dụng nguồn vốn Nhà nước phải thiết kế xây dựng, lắp đặt thiết bị v.v... đảm bảo việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các giai đoạn thực hiện dự án"

Vấn đề thứ tư, về ưu đãi đối với hoạt động năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Điều 41, tôi đồng tình với ý kiến của các vị đại biểu phát biểu trước, để sử dụng năng lượng tiết kiệm có hiệu quả cần phải có chính sách ưu đãi, nhưng quy định ở điều này còn rất chung chung. Tại Điểm 1 theo quy định của luật, dự án Nhà nước sẽ được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí. Tôi nghĩ nếu quy định như thế này rất khó phân biệt dự án nào được hỗ trợ một phần, dự án nào được hỗ trợ toàn bộ, rất khó áp dụng ở trong thực tiễn. Chính vì vậy, tôi đề nghị nếu như vậy thì chúng ta bỏ phần này đi bởi vì phần này cũng có quy định ở tại Điểm c, Khoản 2 phần này có một đoạn khẳng định về vấn đề này, hơn nữa chính sách này nên để trong nghị định để có những danh mục, những danh mục, dự án như thế nào thì chúng ta hỗ trợ một phần, những danh mục dự án như thế nào thì chúng ta hỗ trợ toàn bộ, nói cụ thể hơn là quy định ở trong luật này không phù hợp. Nên tôi đề nghị bỏ và quy định vấn đề này vào trong nghị định của Chính phủ. Tôi nghĩ như thế sẽ phù hợp hơn.

Vấn đề nữa là đối với Khoản 2 về ưu đãi thuế và đất tại Điểm a, Điểm b. Theo tôi Ban soạn thảo cần làm rõ việc ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng như vấn đề sử dụng đất. Bởi vì hiện nay đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu với thu nhập doanh nghiệp đến hạn thì những quy định này chủ yếu là chúng ta nhằm thu hút đầu tư, chứ không phải là chính sách ưu đãi cho năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nếu chúng ta có những khuyến khích riêng về vấn đề này, tôi nghĩ trong nghị định hoặc nếu được thiết kế vào trong này thì cần khẳng định là thuế này chúng ta được ưu đãi mức tỷ lệ bao nhiêu %, trong thời gian bao lâu đến hạn, có như vậy khi luật có hiệu lực rồi thì mới có thể áp dụng thực hiện được ở trong thực tiễn.

 

Vấn đề thứ năm, về Điều 43 về dịch vụ tư vấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở tại Khoản 1 có đề cập đến kiểm toán năng lượng. Tôi cho rằng nếu kiểm toán năng lượng thực hiện chức năng của mình theo yêu cầu của các cơ sở sử dụng năng lượng để khảo sát, phân tích đánh giá thực hiện thực trạng hoạt động tiêu thụ năng lượng tại các cơ sở do các cơ sở này đề xuất để nhằm tìm ra giải pháp thực hiện năng lượng tiết kiệm thì có thể xem đây là dịch vụ được. Nhưng nếu quy định như tại Điều 34 để thực hiện công tác này để nhằm cho công tác quản lý Nhà nước thì tôi e là kết quả này không khách quan. Chính vì vậy, tôi đề nghị riêng đối với dịch vụ về kiểm toán năng lượng thì Nhà nước mình cần có quy định, có chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này đặc biệt hơn và đồng thời kèm theo đó cũng có chính sách quản lý chặt chẽ hơn, thì khi mà chúng ta yêu cầu bắt buộc những cơ sở này kiểm toán về năng lượng thì kết quả này mới khách quan được. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan