Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng – Đắc Lắk

Thứ Ba 16:28 25-05-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi chỉ xin phép được bổ sung một ý kiến nhỏ. Đó là theo tôi một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính là vì nguồn năng lượng hóa thạch của chúng ta không nhiều như chúng ta nhầm tưởng và chỉ một thời gian nữa sẽ cạn kiệt. Mặc dù Quốc hội sẽ quyết định một luật là Luật khoáng sản, nhưng theo tôi vẫn cần bổ sung vào luật này dù chỉ là một đoạn ngắn.

Chúng ta biết rằng các nhà khoa học địa chất cho biết nguồn tài nguyên dầu khí có khả năng thu hồi của các bể trầm tích Đệ Tam của ta là 4.300 triệu tấn tính theo dầu quy đổi. Trong đó lượng phát hiện là 1.208 triệu tấn và trữ lượng có khả năng thương mại là 814,7 triệu tấn. Đến ngày 02/9/2009 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khai thác được 300 triệu tấn dầu quy đổi. Với sản lượng khai thác như hiện nay với khoảng 20 triệu tấn dầu quy đổi thì chắc chắn 30 năm nữa chúng ta sẽ cạn kiệt dầu khí.

Về than cũng vậy. Hiện nay các đồng chí lãnh đạo ngành than cho biết chúng ta sẽ phải nhập khẩu mỗi năm khoảng 8 triệu tấn than vào năm 2012, nghĩa là chỉ 2 năm nữa mà thôi. Thậm chí có khi có tiền cũng không mua được than như các đồng chí đó nhận xét. Dự kiến năm nay chúng ta xuất khẩu 10 triệu tấn than trong khi nhu cầu than là 37 triệu tấn. Nhưng nhu cầu than sẽ tăng lên 94 triệu tấn vào năm 2015 và 308 triệu tấn vào năm 2025. Như vậy năm 2015 chúng ta phải nhập 34 triệu tấn than, năm 2025 nhập 228 triệu tấn than. Đây là lý do quan trọng để không những phải sử dụng tiết kiệm và hiệu quả mà còn phải có những biện pháp đột phá để tìm kiếm thêm các nguồn dầu khí, các nguồn than mới, trong đó có mỏ than ngầm nằm dưới lòng phía sâu đồng bằng sông Hồng, một tài nguyên có nên khai thác hay không hiện đang còn ý kiến rất trái ngược nhau.

Về tiết kiệm xăng, dầu không thể không gắn liền với việc cải thiện hệ thống giao thông hiện nay. Tôi rất lo ngại với việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam mà một nhà khoa học nước ngoài gần đây bình luận là một kim tự tháp công nghiệp sẽ làm cạn kiệt nguồn tiền để sửa chữa, nâng cấp các phương tiện giao thông đường bộ và đường sắt hiện tại. Việc tắc nghẽn giao thông làm từng đoàn xe nối nhau dừng lại nhưng vẫn phải nổ máy chính là một sự lãng phí rất lớn trong khi giá xăng, dầu đang dự tính tăng cao. Cải tiến ngăn ngã tư nhằm tạo dòng xe không tắc nhưng vì làn đường quá hẹp nên khi có một xe quay ngang ra là chắn luôn cả hai đầu. Lãng phí xăng, dầu từ những chuyện nhỏ như vậy có ai xem xét đến hay không?

Khí sinh học biogas là một tiềm năng lớn đối với một nước sản xuất nông nghiệp truyền thống như nước ta, nhưng phải tiến hành có quy hoạch khoa học, chặt chẽ nếu không khí mêtan sẽ bay hết qua các nắp bể sai quy cách như nhiều nơi đang làm và lại trở nên lãng phí rất lớn về kinh phí xây dựng. Hơn nữa khi chăn nuôi đi vào tập trung thì không thể phát triển rộng rãi các bể khí sinh học một cách quá rộng rãi như mong muốn của nội dung luật này. Trong các nguồn năng lượng tái tạo tại sao luật không đề cập đến nguồn địa nhiệt tức là năng lượng lấy từ nhiệt năng của lòng đất và tại sao không đề cập đến năng lượng thuỷ triều, đó là một ưu thế của một nước có bờ biển dài đến 3260 km, một điều kiện thiên nhiên thuận lợi không dễ lúc nào cũng có được một bờ biển chạy dọc suốt đất nước từ Bắc đến Nam. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan