Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Quang Hải – Hưng Yên

Thứ Ba 16:27 25-05-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý khá đầy đủ những ý kiến của đại biểu Quốc hội và nhân dân trong việc xây dựng dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Qua nghiên cứu thì tôi thấy có một số ý kiến tham gia cụ thể như sau.

Một là sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang xây dựng một chiến lược dự trữ về sử dụng năng lượng. Từ bên ngoài quốc gia thì việc xây dựng một luật tiết kiệm sử dụng năng lượng có hiệu quả, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay và cho cả mai sau. Phạm vi điều chỉnh là những quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chính sách, biện pháp thúc đẩy quyền và nghĩa vụ của tổ chức hộ gia đình và cá nhân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Tuy nhiên, theo nhận xét của tôi thì luật này ta còn thiếu khá nhiều các yếu tố cần và đủ về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm chế tài trong việc buộc các tổ chức, cá nhân thực hiện năng lượng tiết kiệm hiệu quả, có khá nhiều điều chỉ mang tính hoạch định chính sách, khuyến khích mà thiếu xác định trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ đặc biệt các chế tài được đưa ra là quá ít. Cho phép chúng tôi nghĩ đến luật này sẽ đi vào cuộc sống chậm hơn và hiệu quả sẽ ít hơn nếu thiếu một nghị định đầy đủ của Chính phủ với các yếu tố cụ thể được đưa vào đầy đủ với trách nhiệm và các chế tài đặt ra.

Về một số điều cụ thể tại Điều 32, Chương VIII quy định về chế độ sử dụng năng lượng trọng điểm do Chính phủ quy định, trong đó thì giao cho Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh hàng năm căn cứ vào các tiêu chí xác định, các cơ sở sử dụng trọng điểm năng lượng tiết kiệm hiệu quả và xác định danh sách sử dụng đó. Tuy nhiên tôi xin hỏi tiêu chí đó là gì? tại sao không đưa tiêu chí đó vào ngay trong luật để làm căn cứ cho Chính phủ xác định thay cho việc giao cho Bộ công thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh xác định thì hiệu quả sẽ có thể cao hơn, tính thực thi sẽ tốt hơn.

Tại Điều 33 quy định quản lý về năng lượng tại cơ sở thực hiện chế độ kiểm toán năng lượng bắt buộc 3 năm một lần, đây là một điều hết sức cần thiết, nhưng cơ sở lý luận để xác định khi kiểm toán bắt buộc đối với năng lượng tiết kiệm hiệu quả 3 năm một lần là gì? tại sao không phải là 2 năm, tại sao không phải là 4 năm, tại sao không phải là 1 năm? Đối với cơ quan Nhà nước thì việc thực hiện các việc kiểm toán bắt buộc là một điều có thể được áp dụng một cách thực thi và hết sức cần thiết. Nhưng tôi xin đặt vấn đề là chế tài thế nào nếu cơ quan Nhà nước đó không chấp hành đầy đủ các quy định của kiểm toán bắt buộc trong khi chúng ta còn khá nhiều các cơ quan Nhà nước đang làm thua lỗ hàng nghìn tỷ mà dấu hỏi vẫn đang chờ phía trước chưa được trả lời.

Đối với các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp cá nhân thì việc tiết kiệm có hiệu quả là nỗi lo hàng ngày của các doanh nghiệp muốn làm ăn có hiệu quả, cho nên điều này có thể thực thi dễ hơn chỉ cần chúng ta đưa ra được hướng dẫn đầy đủ những tiêu chí đầy đủ và những quy định đầy đủ làm căn cứ đặc biệt, những căn cứ về công nghệ, về khoa học giúp họ có thể định hướng tìm ra hướng đi thích hợp cho việc xử lý các công nghệ mang tính tiết kiệm hiệu quả thì đó là điều có thể thực thi dễ hơn.

Về Điều 34, sẽ có thêm một tổ chức kiểm toán năng lượng đặt ở đâu? Đặt ở Bộ, đặt ở tỉnh? Như vậy phần chuẩn bị cho việc thực hiện lộ trình này như thế nào? Ở đây trong luật quy định giao cho Bộ Công thương hướng dẫn, xây dựng một cơ quan đào tạo tính đến việc chuẩn hóa cho các tổ chức kiểm toán bắt buộc. Đây là điều hết sức cần thiết, nhưng tôi nghĩ để thực hiện được điều này thì cơ sở xử lý năng lượng trọng điểm mà được kiểm toán bắt buộc phải có đủ một số quy định được cụ thể hóa trong các nghị định của Chính phủ và mang tính pháp lý cao hơn. Như vậy có thể nói nếu chúng ta làm tốt bước này thì Thủ trưởng các cơ quan, đặc biệt là người chịu trách nhiệm kiểm toán bắt buộc phải có trách nhiệm như thế nào khi việc chấp hành đó không tốt. Và chế tài đó sẽ được xử lý như thế nào nếu người đứng đầu cơ quan Nhà nước và người chịu trách nhiệm kiểm toán không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của luật này.

Trên đây là một số ý kiến tham gia của tôi, mong rằng đây là những ý kiến tham khảo. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan