Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Đào – TP Hà Nội

Thứ Tư 09:15 26-05-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phát biểu một số ý ngắn về Luật trọng tài thương mại, trước khi phát biểu tôi có hai ý nhỏ: có thể nói sự am hiểu về vấn đề này của tôi chưa sâu lắm nhưng tôi biết rằng mỗi lần các doanh nghiệp nước ngoài vào đây mà xuất hiện tranh chấp với người Việt chúng ta thì họ hay đề nghị là ra trọng tài nước ngoài và căn cứ này cho thấy lòng tin của họ đối với Tòa án của chúng ta không có, khái niệm "trọng tài nước ngoài" trong trường hợp này đối với họ là vô cùng cần thiết vì là một thiết chế xét xử.

Thứ hai tôi rất ca ngợi sự cố gắng của Hội luật gia Việt Nam đã biên dịch và đưa ra rất nhiều tinh tú của Luật thương mại Quốc tế, Luật trọng tài thương mại về đây, nhưng cũng có một ý nói rằng:

Thưa các quý vị của Hội luật gia, chúng ta đang áp dụng Luật trọng tài thương mại khi đất nước ta có rất nhiều sự chồng tréo giữa các hệ quy phạm, liệu khi ta áp dụng luật này có khả thi hay không? Tôi có 2 ý trước khi phát biểu, với 2 ý như vậy tôi xin phát biểu 3 ý cơ bản như sau:

Một, nước ngoài quen gọi Luật trọng tài thương mại và đưa khái niệm thương mại không như chúng ta hiểu đó là sự mua bán đơn giản giữa người khách hàng và hàng hóa, họ hiểu rộng hơn. Tôi nhớ lại những luật của những năm 80 khi quan hệ thương mại chỉ gói gọn ở những quy phạm, ở những giới hạn nhất định, trong khi hiện nay với sự phát triển xã hội dân sự, việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai liệu có hẳn là quan hệ thương mại hay không? Như vậy là dính rất nhiều quy phạm dân sự chứ không phải là đơn giản thương mại. Tôi thiết nghĩ trong Khoản 2 phạm vi điều chỉnh, Hội luật gia nghiên cứu xác định thật rõ khái niệm thương mại.

Hai, tôi hiểu trọng tài thương mại không thể là tòa án, không bao giờ là tòa án, vậy cần xác định tố tụng trọng tài là gì cho rõ ra, không để khái niệm tố tụng trọng tài như tố tụng dân sự, tố tụng hình sự vì trọng tài thương mại không bao giờ là tòa án. Thiết nghĩ không nên áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, chỉ nước ngoài áp dụng được khi thực sự xã hội dân sự minh bạch. Trong xã hội mới phát triển như chúng ta, biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía trọng tài thương mại tôi cho sẽ là một hiểm họa do nhận thức của trọng tài viên, do Trung tâm trọng tài mới bắt đầu làm quen trọng tài mà đã cho họ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì tôi thấy lo ngại và tôi không đồng ý với Điều 50 trong dự luật là cho Hội đồng trọng tài ra phán quyết về biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tôi cho rằng nếu cần thiết phải áp dụng một biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của nguyên đơn ví dụ như vậy hoặc là bên kia thì Trọng tài thương mại có thể yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, chứ tự mình không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà là đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nếu như anh yêu cầu sai thì thế nào? khi anh bắt đương sự yêu cầu phải ký gửi hay ký quĩ như là vàng, bạc, các giấy tờ có giá trị thí dụ anh phán quyết sai thì sao, vấn đề này tôi đề nghị Ban soạn thảo nên suy nghĩ đặt vấn đề lại về Điều 50. Tại sao tôi nói ý này, bởi vì nếu có giả thiết cho rằng Hội đồng trọng tài được phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vậy thì cùng lúc một bên cũng có thể yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hai bên đều áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì hậu quả là thế nào. Vì trong này Điều 54 có quy định nếu mà một bên cảm thấy có sự đe dọa hoặc bị thiệt hại thì yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vậy liệu hai bên đều áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời một bên là Tòa án với tư cách quyền lực Nhà nước và một bên là trọng tài với tư cách một thiết chế xã hội thì liệu có xung đột hay không?

Ý cuối cùng của tôi là bởi vì Kỳ họp thứ 6 tôi chưa có điều kiện phát biểu, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên rà soát lại toàn bộ, bởi vì cái này nó là luật mà chúng ta hầu như biên dịch từ nước ngoài về và tính Việt Nam hay là sự thích ứng với điều kiện xã hội Việt Nam có hay không, từ là tư cách của trọng tài viên, từ là chất lượng của hội đồng, từ là vai trò của Bộ Tư pháp, tôi thiết nghĩ như vậy. Cho nên chúng ta cố gắng rà soát lại và không vội phải thông qua.

Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan