Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh

Thứ Tư 09:16 26-05-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa Quốc hội.

Tôi bày tỏ sự đồng tình rất cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý sau dự thảo trước.

Chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến nhiều chuyên gia và đa số đồng tình với tờ trình của dự thảo này.

Tuy nhiên, xin thưa với Quốc hội là hiện nay tình trạng hoạt động trọng tài của ta không phát triển được, thậm chí có một số Trung tâm trọng tài vắng khách, thất nghiệp. Nhiều trung tâm thu không đủ tiền để chi trong phòng, chứ chưa nói đến thu nhập. Nó vắng như Chùa Bà Đanh. Trong khi xu hướng thế giới thì kinh doanh văn minh nhất là không ra tòa án mà hoạt động giải quyết tranh chấp qua trọng tài mới là văn minh. Thậm chí các nước quy định tiêu chuẩn doanh nghiệp được khen thưởng là năm đó ít phải ra tòa nhất. Tức là tự giải quyết. Khi nãy đại biểu Nguyễn Đăng Trừng nêu nguyên tắc của trọng tài quan trọng nhất là doanh nghiệp người ta không muốn ồn ào ở nơi công cộng, ở tòa án, người ta muốn giải quyết với nhau qua trọng tài. Nhưng tình trạng Việt Nam hiện nay thì có tình trạng qua trọng tài xong, nhưng thua kiện là kiếm cách không thi hành. Một trong những kiếm cách không thi hành phổ biến hiện nay đó là cứ thua xong kiện ra tòa đề nghị hủy. Và ít nhất nếu không được thì cũng kéo dài 6 tháng hoặc 1 năm không thi hành. Do đó khi thảo luận ở Thành phố Hồ Chí Minh các Trung tâm trọng tài thành viên đề nghị lần này Luật phải giúp cải thiện tình hình này để tránh việc lạm dụng mà yêu cầu Tòa án hủy án, kéo dài vụ kiện và làm người ta nản lòng không còn ai muốn chọn trọng tài nữa. Do đó hồi nãy đại biểu Trừng có nêu Điều 69 là về nguyên tắc thì Tòa án không xét về nội dung mà xét về hình thức. Do đó quy định Khoản 2, Điều 69 có 3 điểm thì điểm thứ tư tôi đồng ý, nhưng đề nghị sửa cụ thể là chỗ này "phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam" thì nó rộng quá, bởi vì biết nguyên tắc nào.

Nên tôi đề nghị sửa là "phán quyết trọng tài trái với một trong những quy định cụ thể của pháp luật của Việt Nam có liên quan", có nghĩa là anh đưa điều khoản nào để nói, chứ không nói chung chung. Anh nói trái thì điều khoản nào, Luật thương mại quy định trái điều nào, khoản nào. Bởi vì cái này phải có điều khoản, vì nguyên tắc nó là phán quyết trọng tài cũng như hợp đồng nó phải dựa trên một nguyên tắc là một hợp đồng thì không được trái với pháp luật nên tôi đề nghị rất cụ thể như vậy.

Để hạn chế việc lợi dụng Tòa án trong việc kéo dài, chính vì vậy thì phán quyết Tòa án mặc dù xét để hủy hay không hủy coi như một bản án và cái này phải có án phí, anh thua phải chịu án phí như thế nào trên cơ số hợp đồng rất chặt chẽ để thấy rằng anh lôi thôi, anh đưa ra Tòa mà anh thua anh mất một số tiền rất lớn, chỗ này chưa chặt chẽ. Đó là tôi đề nghị bổ sung.

Thứ ba tôi đề nghị bởi vì với loại này là theo thủ tục khẩn cấp, theo quy định mấy ngày, mấy ngày để ra phán quyết, giải quyết. Do đó không nên đưa thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nữa, một là ra Tòa để người ta thấy rằng như vậy để tránh lợi dụng. Tôi đề nghị bỏ điều khoản về Giám đốc thẩm, tái thẩm. Chúng ta không thể nào đẩy lung tung như thế này và kéo 3 năm, 5 năm thì không giải quyết gì được cả, tôi xin đề nghị như vậy.

Và cuối cùng tôi nghĩ rằng cố gắng hoàn thiện từ Điều 69 đến Điều 72 để làm sao người ta tin rằng khi xét xử Trọng tài là được thi hành công minh. Như vậy chúng ta mới giải quyết được tình trạng mà tôi nói như hiện nay. Hiện nay tôi là có một trọng tài viên quốc tế chưa xử được ai với ai, không dám xử ai cả. Đây tôi nói thật sự như vậy. Bởi vì nó không có hiệu lực gì cả.

Xin cám ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan