Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Trừng – TP Hồ Chí Minh

Thứ Tư 09:14 26-05-2010

Kính thưa các đồng chí,

Cho phép tôi được tham gia ý kiến đối với mấy nội dung sau đây:

Thứ nhất, Điều 2 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài theo Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 3 loại ý kiến.

Ý kiến thứ nhất là ý kiến được quy định ở Điều 2 của dự thảo.

Ý kiến thứ hai là để nghị mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại, giải quyết cả những tranh chấp liên quan đến lợi ích cách bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc nghĩa vụ ngoài hợp đồng, không phân biệt tranh chấp thương mại với tranh chấp dân sự, trừ các tranh chấp liên quan đến nhân thân quan hệ hôn nhân gia đình, thừa kế, phá sản, bất động sản.

Ý kiến thứ ba là giới hạn thẩm quyền của trọng tài thương mại chỉ giải quyết các tranh chấp từ hoạt động thương mại theo quy định của Luật thương mại năm 2005 của nước ta. Riêng quan điểm của tôi thì tôi ủng hộ ý kiến thứ nhất, tức là ý kiến nội dung được quy định ở Điều 2 của dự thảo với mấy lý do như sau:

Thứ nhất, tôi cho rằng khái niệm hoạt động thương mại được quy định ở Điều 2 dự thảo luật là khá rộng, không cần phải mở rộng như ý kiến thứ hai và nhất thiết phải phân biệt tranh chấp thương mại và tranh chấp dân sự. Trọng tài thương mại chỉ nên tập trung giải quyết các tranh chấp thương mại, còn tranh chấp dân sự nên để tòa án thụ lý giải quyết.

Thứ hai, luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên hiệp quốc về Luật thương mại Quốc tế thì phạm vi điều chỉnh chủ yếu cũng áp dụng trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Thứ ba, nếu giới hạn thẩm quyền trọng tài thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 thì chẳng những có phần hẹp, mà còn không bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ như Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích. Bởi vì hiện nay có một số luật như Luật thương mại, Luật chứng khoán đã quy định những trường hợp tranh chấp tuy không phát sinh từ hoạt động thương mại nhưng cho phép các bên lựa chọn trọng tài. Tôi không cho rằng do ở nước ta phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài chưa phổ biến, chưa được nhiều người quan tâm mà chúng ta không mở rộng như ý kiến thứ hai, nghĩa là không phân biệt tranh chấp thương mại và tranh chấp đương sự. Tôi nghĩ rằng dù sau này phương thức giải quyết trọng tài trở nên phổ biến và phát triển thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp trọng tài quy định ở Khoản 2 của dự thảo cũng là phù hợp.

Điểm thứ hai, tôi muốn tham gia ý kiến về căn cứ huỷ quyết định trọng tài ở Điều 69 có 4 trường hợp mà Tòa án có thể huỷ quyết định của trọng tài. Tôi đồng tình 3 trường hợp, 3 căn cứ để huỷ quyết định trọng tài. Căn cứ thứ nhất là không có thoả thuận trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài vô hiệu, cái này rõ rồi. Nếu trong hợp đồng hai bên không có điều khoản về trọng tài, nghĩa là hai bên không thoả thuận chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mà Trung tâm trọng tài giải quyết như thế thì toà có quyền huỷ phán quyết của trọng tài.

Thứ hai, thành phần Hội đồng trọng tài vi phạm tố tụng trọng tài thì việc này hủy được.

Thứ ba, tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Ví dụ, Hội đồng trọng tài theo thẩm quyền thì chỉ có thể thụ lý giải quyết các tranh chấp về thương mại. Nếu anh giải quyết các tranh chấp về dân sự thì Tòa có quyền hủy. Nhưng dự thảo quy định căn cứ thứ tư là cho phép Tòa án hủy quyết định trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam có liên quan. Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét căn cứ này. Theo tôi căn cứ này rộng quá, mênh mang quá. Tôi rất đồng tình ý kiến của đại biểu Hưng ở tỉnh Hòa Bình.

Điểm thứ ba, về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trọng tài không công khai. Tại diễn đàn này cũng có ý kiến tranh luận về vấn đề này. Tôi xin tham gia như sau:

Nguyên tắc xét xử của trọng tài, giải quyết các tranh chấp của trọng tài là không công khai. Nó hoàn toàn khác với nguyên tắc xét xử của Tòa là phải công khai. Đó là hai nguyên tắc hoàn toàn khác nhau. Cho nên không thể nào bắt Trung tâm trọng tài xử công khai được. Không phải ở Việt Nam quy định như vậy, mà theo tôi biết tất cả các Trung tâm trọng tài của các nước hiện nay là xử kín, xử không công khai, điều này cũng phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của các doanh nghiệp. Bởi vì tòa mà xử công khai là kẹt mấy ông doanh nghiệp lắm, vì người ta không muốn người ta muốn giữ kín thôi, chỉ hai bên biết tranh chấp, không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh, làm ăn của họ. Cho nên, tôi rất đồng tình ở đây khẳng định nguyên tắc là giải quyết trọng tài theo nguyên tắc không công khai. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan