Góp ý của Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà – TP Hà Nội

Thứ Sáu 14:49 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội!

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật trọng tài thương mại, chúng tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, để phù hợp với xu thế chung của thế giới mà chúng ta đã tham gia các hiệp ước chung của thế giới thì chúng ta cũng phải có Luật trọng tài thương mại. Điều đầu tiên chúng tôi muốn khẳng định Luật trọng tài thương mại là hết sức cần thiết và nó phù hợp với xu thế chung của nhân loại. Nhưng chúng tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm một số vấn đề như sau:

Vấn đề thứ nhất, nguyên tắc hoạt động của trọng tài thương mại đó là thương lượng và hòa giải. Chúng tôi xin đề nghị Ban soạn thảo cần căn cứ vào Hiến pháp, các văn bản pháp luật hiện có để xác định vị trí pháp lý và địa vị pháp lý của trọng tài thương mại. Từ việc xác định vị trí pháp lý và địa vị pháp lý trong hệ thống pháp luật của chúng ta thì mới hình thành được cơ cấu, bố cục và thẩm quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm của trọng tài thương mại. Đấy là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai là đối với một số nội dung có liên quan trong dự thảo, chúng tôi xin tham gia thêm ý kiến về phạm vi đối tượng điều chỉnh. Tôi đồng tình cao với đại biểu Luật phát biểu trước tôi và một số đại biểu khác phát biểu trước đó là tôi nhất trí với phương án 1. Bởi vì Luật Trọng tài thương mại chúng ta xác định ở phương án 1 thì nó phù hợp với tên đó là Luật Trọng tài thương mại. Và đối tượng phạm vi điều chỉnh của luật này nên khoanh gọn trong các quan hệ thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005. Đấy là vấn đề thứ nhất.

Về tiêu chuẩn trọng tài, thưa các vị đại biểu Quốc hội chúng ta đã có Hội luật gia và Luật luật sư. Trong mọi tổ chức xã hội nghề nghiệp đều có xác định tiêu chuẩn của các thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Theo tôi nghĩ các trọng tài viên trong Luật Trọng tài thương mại đều là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp do đó cũng cần phải xác định tiêu chí, tiêu chuẩn của một trọng tài viên. Trên cơ sở đó thì các cơ quan quản lý Nhà nước xác định danh sách và đồng thời xác định tín nhiệm của người ta trong hoạt động trọng tài. Do đó vấn đề thứ hai tôi xin đề nghị là trong dự án Luật phải nêu nên các tiêu chí, tiêu chuẩn đối với trọng tài viên trên cơ sở đó để chúng ta đảm bảo công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Vấn đề thứ ba là quyền quyết định áp dụng bước các biện pháp khẩn cấp tạm thời, như tôi đã trình bày ở trên tổ chức trọng tài thương mại là một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Cho nên chúng ta không có ý gì để gắn cho người ta một quyền cưỡng chế Nhà nước. Bởi vì áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những biện pháp thực hiện cưỡng chế đối với các bên không thực hiện thi hành. Do đó quan điểm của cá nhân tôi, tôi xin đề nghị Hội đồng trọng tài không có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bởi vì nếu như thế chúng ta biến Hội đồng trọng tài và trọng tài thương mại trở thành một cơ quan quản lý Nhà nước và sử dụng biện pháp cưỡng chế nhà nước. Do đó quan điểm của tôi là không nên biến tổ chức trọng tài thương mại trở thành một cơ quan quản lý Nhà nước.

Vấn đề tiếp theo là vấn đề thi hành án hình sự, thưa các vị đại biểu, trong kỳ họp thứ 5 chúng ta đã thông qua Luật thi hành án dân sự, như vậy trong dự thảo Luật nói rằng sau 30 ngày một trong các bên không thi hành phán quyết của trọng tài thì cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức thực hiện phán quyết của trọng tài. Như vậy đương nhiên phán quyết của trọng tài là cơ quan cấp trên của cơ quan thi hành án, một cơ quan quản lý Nhà nước và thực hiện biện pháp cưỡng chế nhà nước. Tôi không đồng tình với quan điểm như trong dự án Luật như vậy.

Vấn đề tiếp theo là nếu một trong các bên kiện phán quyết của trọng tài thương mại lên tòa án thì tòa án phải áp dụng trình tự, thủ tục giải quyết như thế nào và đồng thời khi một trong hai bên đã yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tiếp tục bên kia có đề nghị lên tòa án thì tòa án phải ra quyết định từ chối. Trong khi đó trong dự án Luật không nói trong điều kiện hiện tại, tức là nếu một trong hai bên đã đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà bên còn lại tiếp tục đề nghị trọng tài áp dụng biện pháp đó thì Hội đồng trọng tài phải từ chối. Tôi nghĩ rằng trong dự án Luật cũng có nhiều ý các cơ quan soạn thảo thường lôi quyền về mình nhiều quá.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội, như trong Luật hoạt động Hội chữ thập đỏ ngay bản thân Hội chữ thập đỏ cũng đã lồng vào đó để mà biến hoạt động Hội chữ thập đỏ thành Luật hoạt động Hội chữ thập đỏ. Trong này tôi nghĩ rằng thành viên của Hội luật gia Việt Nam chắc chắn sau này nếu như dự thảo luật này được Quốc hội thông qua thì sẽ là rất nhiều thành viên tham gia trọng tài thương mại, chính vì thế cho nên trong luật dự thảo Luật trọng tài thương mại cũng có hàm ý thực sự là bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia hoạt động trọng tài. Xin báo cáo các vị đại biểu tôi có một số ý kiến như vậy. Nói tóm lại tôi muốn đề nghị với các vị đại biểu và Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất hệ thống pháp luật trong dự thảo Luật trọng tài thương mại. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan