Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng – Thái Nguyên

Thứ Sáu 14:50 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Về dự thảo luật này chúng tôi đã tham gia phát biểu tại thảo luận tổ, nhưng vì còn thời gian cho nên tôi xin phát biểu thêm ba vấn đề như thế này: Thứ nhất, thẩm quyền của trọng tài. Thứ hai, hoạt động của trọng tài nước ngoài ở Việt Nam. Thứ ba, tiêu chuẩn trọng tài.

Trước hết vấn đề phạm vi thẩm quyền của trọng tài ở Điều 2 Dự thảo luật có nhiều ý kiến, qua nghiên cứu chúng tôi cho rằng nên mở rộng, nhưng nên mở rộng có cân nhắc chứ không nên mở rộng một cách toàn diện. Vì sao như vậy, bởi vì chúng tôi cho rằng nên mở rộng vì ba lý do:

Thứ nhất, đây là một lĩnh vực cũng quan trọng và cần phải có luật để điều chỉnh, một số đại biểu cũng băn khoăn về tính khả thi, tức là hoạt động của trung tâm trọng tài vừa rồi thì nó cũng còn ít, tôi nghĩ ít nhiều chỉ là một yếu tố để xem xét để xây dựng luật thôi. Chứ còn tôi nói ví dụ như cắt tóc thì hàng triệu người cắt tóc một ngày, nhưng mà ta vẫn không cần quy định luật về cắt tóc. Nhưng những cái gì mà nó mặc dù số lượng nó không nhiều nhưng nó là lĩnh vực quan trọng mà cần có pháp luật điều chỉnh thì ta vẫn cứ phải xây dựng pháp luật.

Thứ hai, nhu cầu tới đây tôi nghĩ rằng các tranh chấp thương mại sẽ xuất hiện một xu hướng là giải quyết dân sự nhiều hơn, vì thế tôi cho rằng cũng nên có mở rộng.

Thứ ba, thông lệ quốc tế ta không nên mở rộng một cách toàn diện quá. Bởi vì thực ra những tranh chấp khác ta đã có cơ chế khác để giải quyết, ví dụ như hòa giải nếu mở rộng quá thì tính khả thi nó sẽ thấp đi. Cho nên chúng tôi cho rằng nên mở rộng nhưng mở rộng theo hướng, một là bao gồm các hoạt động liên quan đến hoạt động thương mại, thứ hai là một bên có liên quan đến hoạt động thương mại và thứ ba là những trường hợp khác phát sinh không liên quan đến thương mại nhưng do các luật khác điều chỉnh. Đó là về thẩm quyền.

Thứ hai, về hoạt động của trọng tài nước ngoài. Trong Dự thảo luật không tách các quy định về hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam thành một chương riêng mà chỉ quy định tại Điều 28. Nhưng chúng tôi cho rằng vấn đề hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam là một vấn đề rất quan trọng, bởi vì chúng ta đang có xu hướng hội nhập, các tranh chấp thương mại có liên quan đến yếu tố nước ngoài sẽ tăng lên. Vì thế đây là một lĩnh vực mà ta phải quan tâm. Hơn nữa tôi cho rằng chúng ta có nhiều giai đoạn thực hiện cơ chế trọng tài này, có những giai đoạn chúng ta giải thể trọng tài kinh tế Nhà nước chuyển sang các cơ chế khác. Có thể nói trình độ của chúng ta còn phải vươn lên để hòa nhập với các xu hướng quốc tế.

Cho nên chúng tôi cho rằng đây là một vấn đề rất quan trọng trong Dự thảo luật, vì vậy chúng tôi đề nghị xây dựng Dự thảo luật theo hướng tách quy định này thành một chương riêng và quy định cụ thể hơn. chúng tôi xin đề nghị đặc biệt là 4 nội dung:

Thứ nhất, là quy định cụ thể về thẩm quyền của trọng tài nước ngoài.

Thứ hai, là quy định về các hình thức trọng tài nước ngoài ở Việt Nam.

Thứ ba, quy định về trình tự thủ tục thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện.

Thứ tư, là việc thi hành phán quyết của trọng tài.

Thứ năm, là mối quan hệ của trọng tài nước ngoài đối với các cơ quan có liên quan, chúng tôi cho là nên tách ra thành chương riêng và có quy định cụ thể thế.

Vấn đề thứ ba là vấn đề tiêu chuẩn của trọng tài viên.

Một là, do mở rộng,

Hai là, xu hướng xã hội càng tin cậy vào và dựa vào trọng tài cho nên chúng tôi vẫn đề nghị theo hướng là nên quy định có tiêu chuẩn chứ không nên bỏ tiêu chuẩn của trọng tài. Nhưng quy định như thế nào thì chúng tôi cho là trọng tài với tư cách là thẩm phán tư thì cần phải có tiêu chuẩn và có năng lực thực sự đủ mạnh để đảm bảo hiệu lực của các phán quyết trọng tài và đủ sự tin cậy xã hội đối với người làm công tác này. Nhưng nếu quy định chặt quá thì chúng tôi thấy khó và không cần thiết, ví dụ như một cộng đồng có khi người ta chỉ lựa chọn một nhân vật nào đó có kinh nghiệm, có uy tín, có đạo đức để làm người trọng tài thôi. Cho nên chúng tôi xin đề xuất quy định tiêu chuẩn nhưng theo hướng mở ở một số tiêu chuẩn cơ bản thôi còn không nên quy định chặt quá, như vậy sẽ khó. Chúng tôi xin nêu thêm ba suy nghĩ như vậy, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan