Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Luật – Kiên Giang

Thứ Sáu 14:48 27-11-2009

Kính thưa đoàn Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin có một số ý kiến về dự án Luật trọng tài thương mại theo gợi ý của Đoàn thư ký.

Thứ nhất, về phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại. Đây là một vấn đề mà hầu hết các vị đại biểu phát biểu trước tôi đều có ý kiến. Theo quy định hiện hành của Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 thì trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, hoạt động thương mại là việc thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại của cá nhân, tổ chức kinh doanh đã được liệt kê.

Điều 2 của dự thảo luật thì có quy định hai phương án.

Phương án một quy định trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết, thứ nhất là tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại. Hoạt động thương mại áp dụng theo quy định của Luật thương mại.

Thứ hai, tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

Thứ ba, tranh chấp giữa các bên phát sinh không từ hoạt động thương mại đã được quy định ở các luật khác.

Phương án hai thì cũng có cơ bản là tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại và có mở rộng thêm một số tranh chấp dân sự, tranh chấp ngoài hợp đồng. Qua nghiên cứu tôi tán thành phương án một và ý kiến thứ nhất trong ba ý kiến theo gợi ý của đoàn thư ký, tôi xin trình bày vì những căn cứ như sau:

 Thứ nhất, Luật thương mại năm 2005 đã quy định hoạt động thương mại rộng hơn so với quy định của Luật thương mại năm 1997, đã khắc phục được hạn chế về thẩm quyền của Pháp lệnh năm 2003. Bởi vì Pháp lệnh năm 2003 bị chi phối với Luật Thương mại năm 1997 cũng như luật mẫu của Ủy ban về Pháp luật thương mại quốc tế của Liên hiệp quốc năm 1996. Theo Luật Thương mại năm 2005 có định nghĩa, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lời bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác. Luật này cũng được áp dụng bởi các thương nhân (thương nhân cũng đã được định nghĩa trong Luật Thương mại) và các tổ chức cá nhân khác hoạt động có liên quan đến hoạt động thương mại. Tuy không phải là thương nhân nhưng có hoạt động liên quan đến hoạt động thương mại cũng áp dụng quy định của Luật thương mại. Cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Như vậy là Luật thương mại năm 2005 đã quy định rất rộng về khái niệm hoạt động thương mại và các chủ thể khi tham gia hoạt động thương mại so với Pháp lệnh năm 2003.

Căn cứ thứ hai, trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng như Báo cáo đánh giá tác động tổng kết thi hành Pháp lệnh năm 2003 của Ban soạn thảo thì cũng nêu một thực trạng là ở nước ta trọng tài thương mại thì chưa phổ biến, ít người biết đến. Trong 7 trung tâm trọng tài thương mại thì có đến 3 trung tâm trọng tài thương mại từ khi thành lập đến nay chưa giải quyết vụ tranh chấp nào, trong 6 năm mới giải quyết 280 vụ tranh chấp. Như vậy khả năng, uy tín của trọng tài viên nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu. Đấy là một thực tế mà chúng tôi nghĩ rằng khi xem xét thông qua dự án Luật này chúng ta không thể bỏ qua được.

Lý do thứ ba là theo luật mẫu của Liên hợp quốc cũng như là thông lệ quốc tế luật của nhiều nước thì trọng tài thương mại cũng chủ yếu áp dụng cho lĩnh vực thương mại. Tất nhiên cũng có nước quy định ngoài tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, có thể mở rộng sang tranh chấp dân sự, nhưng cũng có nước chỉ chú trọng đến hoạt động thương mại thôi.

Lý do thứ tư, không phải bất kỳ loại tranh chấp nào pháp luật cũng quy định cho các bên được lựa chọn hình thức giải quyết bằng trọng tài. Ví dụ, Bộ luật dân sự quy định các tranh chấp dân sự được giải quyết bằng Tòa án; Bộ luật lao động quy định giải quyết các tranh chấp lao động theo hệ thống gồm Hội đồng hòa giải cơ sở, trọng tài lao động và Tòa án lao động. Như vậy riêng trong lĩnh vực giải quyết các tranh chấp phát sinh từ quan hệ lao động đã có trọng tài lao động rồi, chứ không thể thỏa thuận đưa ra trọng tài thương mại giải quyết.

Như một số đại biểu phát biểu trước tôi đã nêu có 8 luật quy định đối với một số tranh chấp trong một số lĩnh vực các bên được lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp đó là Luật doanh nghiệp, Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Luật các công cụ chuyển nhượng, Luật chứng khoán, Luật chuyển giao công nghệ, Bộ luật Hàng hải, Luật Xây dựng. Như vậy các hoạt động được điều chỉnh trong các luật này tuy không thuần túy là hành vi thương mại trong Luật Thương mại, nhưng khi có tranh chấp thì luật quy định các bên được lựa chọn trọng tài để giải quyết.

Với các lý do như trên chúng tôi cho rằng phương án 1 trong dự thảo và ý kiến thứ nhất trong 3 loại ý kiến theo gợi ý của Đoàn thư ký chúng tôi thấy phù hợp. Tuy nhiên ở Khoản 2, Điều 2 phương án 1 chúng tôi kiến nghị khi tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội nên chỉnh lại, tức là ý thứ ba là trọng tài thương mại cũng có giải quyết các tranh chấp mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài. Như vậy nó sẽ bao quát được những trường hợp được quy định trong 8 luật chúng tôi vừa báo cáo với Quốc hội.

Về ý thứ nhất, phạm vi thẩm quyền chúng tôi xin được báo cáo như vậy.

Ý thứ hai, về tiêu chuẩn trọng tài viên, tôi cũng tán thành với dự thảo, tại Điều 17 dự thảo luật và ý kiến thứ nhất theo gợi ý của Đoàn thư ký về tiêu chuẩn trọng tài viên. Vậy quy định như thế nào để bao quát được hết bởi vì trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp trong rất nhiều lĩnh vực liên quan đến nhiều chủ thể và những người được lựa chọn làm trọng tài viên phải là các chuyên gia rất giỏi trên rất nhiều lĩnh vực. Cho nên nếu chỉ quy định là phải có bằng cử nhân luật thì cũng chưa đủ bởi vì trong lĩnh vực hóa học, trong lĩnh vực vật lý và rất nhiều lĩnh vực khác trọng tài viên là các chuyên gia rất giỏi đã được đào tạo chuyên về lĩnh vực hóa học vật lý. Cho nên chỉ nói là bằng cử nhân luật thì chưa bao quát được hết, nên tôi thấy quy định như trong dự thảo là phù hợp bởi vì chất lượng uy tín của trọng tài viên quyết định đến chất lượng các phán quyết, bởi vì phán quyết của Hội đồng trọng tài là trung thẩm có hiệu lực thi hành, có giá trị tương tự như bản án của tòa án. Trong điều kiện hội nhập hiện nay chất lượng hay sức cạnh tranh của các trung tâm trọng tài cũng như trọng tài viên Việt Nam là thể hiện ở các tiêu chuẩn. Cho nên chúng tôi thấy quy định về trọng tài viên là hết sức cần thiết và phù hợp.

Ý thứ ba về hoạt động của các trung tâm trọng tài ở nước ngoài tại Việt Nam, tôi tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đề nghị trong dự thảo luật nên có một chương riêng về trung tâm trọng tài nước ngoài. Tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước chúng tôi thấy, nhiều nước trong Luật trọng tài thương mại đều có những chương riêng quy định về trọng tài nước ngoài, Singapore có hai đạo luật riêng, một đạo luật về trọng tài trong nước và một đạo luật về trọng tài quốc tế. Điều đó chứng tỏ họ có sự phân biệt để khi có sự phân biệt về hoạt động trọng tài, tổ chức trọng tài thì Nhà nước có thái độ, có chính sách đối xử phù hợp để khuyến khích phù hợp với hội nhập trong điều kiện nước ta đã thực hiện các cam kết khi tham gia Tổ chức thương mại thế giới về thị trường dịch vụ trọng tài.

Ý thứ tư, Hội đồng trọng tài có được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không, nếu có thì trong phạm vi mức độ đến đâu. Tôi tán thành như quy định tại Điều 48 của dự thảo luật và loại ý kiến thứ hai nêu trong bản gợi ý của Đoàn thư ký. Chúng tôi thấy rằng Hội đồng trọng tài sau khi được các bên lựa chọn và được thành lập hợp pháp thì có vị trí, tư cách pháp lý như Hội đồng xét xử của toà án và có quyền áp dụng pháp luật về vụ tranh chấp, phán quyết hay quyết định của Hội đồng trọng tài được thi hành. Do đó quy định cho Hội đồng trọng tài được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp là cần thiết và đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, tăng hiệu lực quyết định của Hội đồng trọng tài, phù hợp với luật mẫu của Liên hiệp quốc cũng như thông lệ quốc tế. Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng cần phải xác định rõ và phải lưu ý đến một số đặc điểm là Hội đồng trọng tài không do cơ quan Nhà nước thành lập, không có quyền ra quyết định cưỡng chế đối với bên thứ ba như quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của toà án. Do đó Hội đồng trọng tài chỉ có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong một số trường hợp cụ thể đối với các bên tranh chấp. Ví dụ cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, yêu cầu thanh toán tiền tạm thời hoặc bán các loại hàng hoá mau hư hỏng. Chúng tôi cho rằng quy định như vậy mới tăng thêm hiệu lực, vị trí pháp lý của Hội đồng trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Cuối cùng, xin được báo cáo với Quốc hội về vấn đề đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc quy định tại Điều 62 của dự thảo tôi cũng tán thành, bởi vì đối với trọng tài vụ việc là các trọng tài viên do các bên lựa chọn, khi xem xét các tiêu chuẩn, các điều kiện mà các bên thống nhất với nhau.

Cho nên đối với trọng tài vụ việc này sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước hầu như không có. Trọng tài được lựa chọn ra quyết định giải quyết tranh chấp và buộc các bên thi hành thì quyết định đó thông lệ theo Luật mẫu của Liên Hợp quốc và nước ngoài thì Tòa án chịu trách nhiệm thi hành án dân sự cũng như các quyết định trọng tài. Sau khi Hội đồng trọng tài ra quyết định trọng tài thì quyết định đó được chuyển cho Tòa án, Tòa án ra quyết định thi hành phán quyết trọng tài. Quyết định của Tòa án đó đã mang hơi thở, tức là quyền lực Nhà nước, quyền lực tư pháp và phán quyết của trọng tài với tư cách là thẩm phán tư. Cho nên ở nước ta để phù hợp với điều kiện là tăng thêm vị trí pháp lý, tăng hiệu lực cho quyết định trọng tài và phù hợp với thông lệ quốc tế thì chúng tôi cho rằng việc đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc được thể hiện tại Điều 62 của dự thảo luật là phù hợp và hết sức cần thiết. Tôi xin có một số ý kiến như vậy, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan